Dân tộc-Tôn giáo
Trang chủ / Xã hội / Dân tộc-Tôn giáo
Nghệ An vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em vùng dân tộc thiểu số
08:07 PM 16/07/2021
(LĐXH)- UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025.
Tỉnh Nghệ An có diện tích tự nhiên 16.490,25 km2, địa hình phức tạp, với 468 km đường biên giới trên bộ, 82 km đường bờ biển; dân số trên 3.327 triệu người. Toàn tỉnh có 17 huyện, 3 thị xã và thành phố Vinh (gồm 11 huyện miền núi); có 460 xã, phường, thị trấn, trong đó có 76 xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Tính đến 01/3/2021, toàn tỉnh có 875.834 trẻ em, trong đó, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn là 140.387 em, chiếm 16%, bao gồm: 13.469 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (trong đó có 10.329 trẻ em khuyết tật các loại chiếm 11,7% so với tổng số trẻ em); 126.918 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Hiện nay, tổng số trẻ em của 76 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 98.269 em, bao gồm: trẻ em dân tộc Thái 61.019 em (chiếm 62,1%), dân tộc Khơ Mú 14.099 em (chiếm 14,3%), dân tộc Mông 11.456 em (chiếm 14,3%), dân tộc Kinh 8.078 em (chiếm 8,2%), dân tộc Thổ 2.128 em (chiếm 2,2%), tộc người Đan Lai 1.265 em (chiếm 1,3%), dân tộc Ơ Đu 155 em (chiếm 0,16%) và các dân tộc khác là 69 em (chiếm tỷ lệ 0,07%).

Chương trình “Gặp mặt đại biểu trẻ em tộc người Đan Lai và trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi lần thứ nhất năm 2020” tại thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An)

Nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn là 69.108 em (trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 2.955 em, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn là 66.153 em)…
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An đã quan tâm ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác bảo vệ, hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em. Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4139/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Huy động nguồn lực giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020”, trong đó, có sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn và trẻ em thuộc 76 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh... Nhờ đó đã góp phần quan trọng để ổn định cuộc sống vật chất, tinh thần, có điều kiện học tập, hòa nhập cộng đồng, tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn với trẻ em bình thường tại nơi cư trú, tạo cho các em có cơ hội phát triển bình đẳng và vươn tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Kết quả, trong trong 5 năm, toàn tỉnh Nghệ An đã huy động được hơn 92,363 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt và hiện vật), gồm: nguồn ngân sách cấp tỉnh là 6,273 tỷ đồng (đạt 112% kế hoạch), cấp huyện gần 5,655 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội cấp tỉnh gần 69,7 tỷ đồng (đạt 155% kế hoạch), cấp huyện 10,735 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động hỗ trợ trẻ em.
Cụ thể, chương trình chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng, tỉnh đã khảo sát, khám phân loại cho 39.553 lượt trẻ em, kinh phí gần 28 tỷ đồng (trong đó, có 7.410 em thuộc 76 xã hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 19,4%); tổ chức phẫu thuật miễn phí cho 1.453 trẻ em khuyết tật các loại, kinh phí hơn 26,4 tỷ đồng (trong đó có 410 em thuộc 76 xã hoàn cảnh đặc biệt, chiếm gần 30%).  
Chương trình hỗ trợ giáo dục, đã hỗ trợ học bổng, tặng xe đạp cho 9.484 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn; xây dựng 176 lớp học, trạm y tế thuộc vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh, với kinh phí hơn 27,1 tỷ đồng (trong đó có 1.480 trẻ em thuộc 76 xã hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 27,6%).
Nghệ Anh cũng có 1.239 lượt trẻ em được hỗ trợ từ các chương trình, gồm: hỗ trợ 1.159 xe lăn cho trẻ em khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn; tặng 80 cái áo phao cứu sinh. Số trẻ em thuộc 76 xã hoàn cảnh đặc biệt được hưởng sự trợ giúp từ chương trình này là 99 em.
Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ phát triển và tham gia của trẻ em đã hỗ trợ 140 bộ thiết bị vui chơi; tổ chức gặp mặt, thăm hỏi tặng quà nhân dịp các ngày lễ, tết cho hơn 88.049 lượt trẻ em, với kinh phí trên 17,3 tỷ đồng; trong đó, tặng quà cho 3.003 em và hỗ trợ 10 bộ thiết bị vui chơi cho các trường mầm non, tiểu học thuộc các xã đặc biệt khó khăn, chiếm hơn 7,1% so với nhu cầu được trợ giúp của trẻ em và các xã thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra, tỉnh cũng có khoảng 2.500 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn được bảo trợ dài hạn, hỗ trợ đột xuất..., với kinh phí trên 2 tỷ đồng (trong đó có 845 trẻ em thuộc 76 xã đặc biệt khó khăn)...

Giai đoạn 2021 – 2025, Nghệ An đặt mục tiêu huy động đạt khoảng 123,3 tỷ đồng để hỗ trợ trẻ em xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi (ảnh minh họa)

Để tiếp tục vận động các nguồn lực xã hội để ưu tiên hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe, tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học; phẫu thuật tối đa số trẻ em bị khuyết tật các loại; hỗ trợ trẻ em được tham gia hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí... tỉnh Nghệ An đã ban hành Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, dự kiến tổng nguồn kinh phí huy động để hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em thuộc 76 xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 123,3 tỷ đồng.
UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, các huyện, thành, thị quán triệt, phổ biến, hướng dẫn triển khai để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hiểu rõ mục đích, yêu cầu, đối tượng cần hỗ trợ, giúp đỡ, cơ quan chủ trì vận động nguồn lực, từ đó thực hiện có hiệu quả Đề án. Tổ chức khảo sát, thống kê số liệu về trẻ em nói chung, trẻ em thuộc các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn tỉnh; trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo và đánh giá nhu cầu của trẻ em để điều phối việc vận động nguồn lực và triển khai hỗ trợ trẻ em.
Đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch hoạt động hàng năm phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; triển khai các hoạt động truyền thông; tham mưu kiện toàn Hội đồng Bảo trợ Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh; chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và phối hợp chỉ đạo các Hội xã hội, tổ chức cá nhân có liên quan trong việc vận động nguồn lực; điều hành thực hiện quản lý nhà nước nguồn lực vận động để hỗ trợ các đối tượng trẻ em theo mục tiêu, nội dung đề ra trong đề án đạt hiệu quả và theo đúng quy định…

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
Đẩy mạnh trợ giúp, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật
Thành phố Long Xuyên: Đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn
Lan tỏa những câu chuyện về hành trình vượt khó và mô hình sinh kế cho phụ nữ bị mua bán trở về
Nhóm “Thiên Thanh” – Hành trình của 4 cô gái tài năng từ 4 miền quê Việt Nam
Huyện Phú Tân: Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng
An Giang: Tạo cơ hội cho mọi trẻ em đều được phát triển bình đẳng và toàn diện