Nghệ An: Tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ đối với các nguồn lực kinh tế, lao động
(LĐXH)- Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020, tỉnh Nghệ An xác định tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có lao động nữ, là một trong những mục tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm góp phần ổn định đời sống, nâng cao thu nhập và góp phần vào xoá đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn vừa qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng đối với công tác này. Theo đó, Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 07/6/2010 về việc tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. UBND tỉnh đã xây dựng các Đề án: Đẩy mạnh xã hội hoá dạy nghề đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Đề án đào tạo lao động kỹ thuật tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012-2020; Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nghệ An đến năm 2020.Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen cho 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011-2020
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định về giải quyết việc làm, phát triển doanh nghiệp như: Quyết định số 3947/QĐ-UBND ngày 26/9/2011 về việc ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm giai đoạn 2011-2015; quyết định số 2316/QĐ-UBND ngày 08/6/2015 về việc ban hành đề án giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020; Đề án đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân Nghệ An; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020...
Tỉnh tiến hành lồng ghép giới trong thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất, đề án giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An; thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo; tập trung nhiều giải pháp để nâng tỷ lệ phụ nữ được vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao tính bền vững trong xoá đói giảm nghèo; tổ chức hàng trăm khóa bồi dưỡng pháp luật, kiến thức thị trường, kiến thức quản lý cho đội ngũ doanh nhân, trong đó chú trọng cả doanh nhân nữ, góp phần tăng tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nghệ An đã lồng ghép vấn đề Bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ vào trong các dự án phi chính phủ, như các Dự án: “Mở rộng phát triển chuỗi giá trị mây/lùng cho phụ nữ và người dân tộc thiểu số nghèo tỉnh Nghệ An 2013 - 2016”; “Giám sát và phân tích chính sách đối với người nghèo tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam -Giai đoạn 2"; “Tăng cường năng lực chính phủ để hỗ trợ người di cư dễ bị tổn thương ở khu vực tiểu vùng sông Mê Kông và Malaysia”.
Phối hợp với các tổ chức SODI, KOICAvà KAUW tổ chức 17 lớp đào tạo nghề nail, spa, tóc; tin học, may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn và dệt thổ cẩm các nghề tin học, may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn cho 363 phụ nữ.
Tập trung chỉ đạo xây dựng, nhân rộng mô hình hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có 2.019 mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi với nhiều ngành nghề đa dạng như: chuyên canh sản xuất rau màu, kinh tế vườn đồi, phát triển trồng rừng, kinh tế trang trại/VAC, chế biến hải sản, chăn nuôi, phát triển nghề truyền thống... cho thu nhập bình quân hàng năm trên 50 triệu đồng trở lên.Các sản phẩm khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của hội viên phụ nữ Nghệ An được trưng bày tại Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp
Vấn đề hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho nữ thanh niên, đặc biệt đối với nữ thanh niên khu vực nông thôn, khu vực miền núi được quan tâm triển khai. Hàng năm, Sở LĐTB&XH tham mưu UBND tỉnh tổ chức và chỉ đạo các huyện, thành, thị tổ chức hoạt động hướng nghiệp cho học sinh THPT; hướng dẫn, phổ biến các nội dung về xuất khẩu lao động, tạo điều kiện cho nữ thanh niên tìm được việc làm, tăng thu nhập, làm chủ cuộc sống.
Ngoài ra, ở các địa phương có các làng nghề truyền thống, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo nhân rộng mô hình và khuyến khích nữ thanh niên tham gia học tập và làm việc trong các làng nghề.
Vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ nông thôn đã được tỉnh quan tâm triển khai. Chủ trương phát triển và mở rộng các khu công nghiệp của tỉnh và đưa người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đã tạo điều kiện cho nhiều lao động, trong đó có lao động nữ, có việc làm mới và thu nhập ổn định.
Chính sách phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo điều kiện, cơ hội cho số phụ nữ khởi nghiệp và làm chủ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng đô thị, ngày càng tăng lên. Phụ nữ vùng nông thôn nghèo, dân tộc thiểu số đã được vay vốn ưu đãi. Đặc biệt, hầu hết phụ nữ làm chủ hộ đã được vay vốn phát triển sản xuất, được tạo điều kiện ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, và nâng cao tính bền vững trong xoá đói giảm nghèo.
Có thể khẳng định, sau 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, tại Nghệ An đã giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động.
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu cho thấy: Trong giai đoạn 2011-2015 đã tạo 179.300 việc làm mới, trong đó, tỷ lệ nữ đạt 42.6% (bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 35.860 người). Năm 2019, giải quyết việc làm cho 37.948 người, tỷ lệ nữ đạt 42%/40% kế hoạch. Ước thực hiện năm 2020, tỷ lệ nữ được tạo việc làm mới đạt 45,2%, vượt kế hoạch giai đoạn đề ra.
Tỷ lệ nữ vùng nông thôn nghèo, dân tộc thiểu số được vay vốn ưu đãi giai đoạn 2011-2015 đạt 78,4%. Đến tháng 12/2019 đạt tỷ lệ 90% và ước thực hiện giai đoạn 2016 – 2020 đạt 92%, vượt 9,52% so với kế hoạch đề ra./.
Hồng Minh
TAG: