Nghệ An: Nhiều đổi mới trong giáo dục nghề nghiệp
(LĐXH)- Đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian qua có nhiều sự đổi mới, gắn kết với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Theo đánh giá chung, tại Nghệ An, công tác tác giáo dục nghề nghiệp nói chung và đào tạo lao động kỹ thuật nói riêng, trong thời gian qua đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp; của các cơ sở đào tạo; công tác tuyên truyền được thực hiện có hiệu quả đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân, người lao động và xã hội.
Nghệ An là một trong những địa phương đứng tốp đầu của cả nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được Chính phủ, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội lựa chọn đầu tư các trường chất lượng cao, nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN, quốc gia. Cơ sở vật chất, thiết bị được tăng cường; chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được nâng lên; cơ cấu ngành, nghề đào tạo từng bước được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn; nhu cầu của thị trường sử dụng lao động và hội nhập quốc tế.Thực hành nghề nấu ăn tại Trường CĐ Nghề du lịch - Thương mại Nghệ An
Hoạt động gắn kết giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm được đẩy mạnh; kết quả tuyển sinh, chất lượng đào tạo được nâng lên; đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Những năm qua, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh Nghệ An đã có những bước phát triển về quy mô, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Chất lượng và hiệu quả đào tạo giáo dục nghề nghiệp đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng kể. Học sinh, sinh viên của các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn đã giành được thành tích cao tại Kỳ thi tay nghề quốc gia, có học thí sinh đạt Huy chương bạc tại Kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và đạt Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc tại kỳ thi tay nghề thế giới...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 67 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, gồm 09 trường Cao đẳng (03 trường trực thuộc Trung ương), 14 trường Trung cấp, 22 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 22 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo điều kiện tổ chức đào tạo cho hơn 60 ngành nghề ở 03 cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng) với quy mô tuyển sinh gần 130 lượt người. Trong số này có 03 trường cao đẳng chất lượng cao, 16 trường được lựa chọn đầu tư ngành nghề trọng điểm với 13 lượt nghề cấp độ quốc tế, 11 lượt nghề cấp độ ASEAN, 36 lượt nghề cấp độ quốc gia.
Trong năm 2018, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo cho hơn 72.064 lượt người; nâng tỷ lệ lao động qua đào tao lên 61%. Chín tháng đầu năm 2019 đã tuyển sinh đào tạo cho 48.749 lượt người, gồm: cao đẳng 3.065 người, trung cấp 6.417 người, sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng 39.267 lượt người; trong đó đào tạo nghề theo Đề án 1956 là 5.400 người, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu lao động trên địa bàn tỉnh. Chất lượng, hiệu quả đào tạo được nâng lên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế.Giáo dục nghề nghiệp của Nghệ An gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Trong giai đoạn đến năm 2020, Nghệ An phấn đấu tuyển sinh đào tạo lao động kỹ thuật cho 33.500 người; trong đó cao đẳng 15.000 người, trung cấp: 18.500 người. Dự kiến đến năm 2020 đạt khoảng 85,71% so với mục tiêu của Đề án. Tỷ lệ lao động kỹ thuật có việc làm sau đào tạo đạt 92 - 95%; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65% (đào tạo nghề 61%).
Để đạt được mục tiêu đề ra, Nghệ An tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm, tầm quan trọng đối với công tác giáo dục nghề nghiệp và đào tạo lao động kỹ thuật cho các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và người dân.
Thực hiện tốt công tác điều tra khảo sát, dự báo nhu cầu thị trường sử dụng lao lao động hằng năm với nhu cầu học nghề của người lao động và phân luồng, định hướng cho học sinh THCS và THPT sau khi tốt nghiệp vào học nghề. Tiếp tục kiện toàn và nâng cao chất lượng cơ sở đào tạo lao động kỹ thuật, cũng như tăng cường vai trò lãnh đạo chỉ đạo, quản lý nhà nước của các cấp, các ngành trong công tác đào tạo lao động kỹ thuật.
Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo và liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, các khu kinh tế, khu công nghiệp trong và ngoài nước trong quá trình đào tạo và giải quyết việc làm sau đào tạo./.
Hồng Minh
TAG: