An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Ngành than tiếp tục triển khai các nhóm giải pháp về an toàn lao động
10:43 AM 28/02/2017
(LĐXH)-Theo báo cáo kiểm điểm công tác an toàn vệ sinh lao động năm 2016 và triển khai biện pháp đảm bảo an toàn năm 2017 của Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam, trong năm 2016, công tác quản lý cũng như thực hiện kế hoạch An toàn - Vệ sinh lao động của Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã đi vào nền nếp, từ khâu lập kế hoạch an toàn vệ sinh lao động, kế hoạch kỹ thuật và các nội dung hoạt động đến việc tổ chức thực hiện.
Nhiều trang thiết bị an toàn, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân… đã được Tập đoàn đầu tư với tổng giá trị 955,9 tỷ đồng. Đặc biệt, phòng thí nghiệm xác định khả năng tự cháy của than đã được đưa vào hoạt động.
Để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người lao động, Tập đoàn cũng chú trọng đến việc cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường lao động đúng mức, xử lý kịp thời những nguồn phát sinh các yếu tố nguy hại, như bụi, tiếng ồn, độ rung, khí độc… Cùng với đó, trong năm, Tập đoàn đã thực hiện khám sức khỏe cho 109.639 người, đạt 95,8% so với tổng số CBCNVC.
Trong năm 2017, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam
cố gắng không để xảy ra các sự cố có tính chất thảm họa.
Đối với công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn lao động, Tập đoàn đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra an toàn vệ sinh lao động ở các đơn vị, định kỳ vào quý II và quý IV. Ngoài ra, là các đợt kiểm tra chuyên đề, đột xuất khác. Đồng thời, công tác tuyên truyền cũng được chú trọng. Trong năm, Tập đoàn đã tổ chức thành công Hội thi Cấp cứu mỏ chuyên nghiệp, tổ chức phát động Tuần lễ Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ lần thứ 18.
Tuy nhiên, trong năm qua, toàn Tập đoàn vẫn để xảy ra các vụ mất an toàn và một số sự cố lớn như cháy khí mỏ ở Công ty than Hạ Long, bục nước ở Công ty than Khánh Hòa, Hòn Gai… Nguyên nhân khách quan, do điều kiện khai thác mỏ ngày càng khó khăn, do phải đi xa, xuống sâu hơn, nhưng cũng có một số vụ mất an toàn nghiêm trọng do yếu tố chủ quan của con người…
Trong năm 2017, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam đề ra mục tiêu thực hiện là: Giảm thiểu số vụ tai nạn lao động và sự cố do chủ quan gây nên; giảm số vụ sự cố loại 1, tai nạn lao động chết người; không để xảy ra các sự cố có tính chất thảm họa.
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, Tập đoàn sẽ tập trung triển khai thực hiện 5 nhóm giải pháp chính, bao gồm gồm: 1) Nâng cao hơn nữa hiệu quả lãnh đạo của hệ thống chính trị, từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên…; 2) Tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy định, quy chế quản lý công tác an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ, rà soát về cơ cấu tổ chức, chức trách, nhiệm vụ của từng vị trí công tác, đồng thời nâng cao năng lực cũng như kỹ năng làm việc cho đội ngũ cán bộ an toàn; 3) Nâng cao chất lượng công tác lập, duyệt thiết kế kỹ thuật, biện pháp thi công đảm bảo an toàn; 4) Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng kỹ năng kiểm soát và phòng ngừa rủi ro cho cán bộ Quản đốc, Phó Quản đốc phân xưởng…; 5) Tiếp tục đầu tư áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại để tăng năng suất lao động, nâng cao mức độ an toàn v.v…
Cũng theo ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn, một số giải pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới là: Tăng cường công tác kiểm tra chuyên đề về ngạt khí, bục nước, vận tải và nổ mìn; Triển khai đào tạo kỹ năng phát hiện rủi ro cho tất cả các cán bộ chỉ huy sản xuất cấp công trường, phân xưởng; Nghiên cứu vấn đề tâm, sinh lý của người lao động ảnh hưởng đến an toàn lao động; Kỷ luật nghiêm đối với những trường hợp vi phạm an toàn lao động...

Mỹ Hạnh
 
TAG:
Tin khác
Cơ hội việc làm cho người khuyết tật
Cà Mau: Thực hiện hiệu quả công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp
Tập đoàn MetLife ghi tên trong Top 25 Nơi làm việc tốt nhất Thế giới năm 2024
Bạc Liêu tích cực triển khai thu thập, cập nhật thông tin việc tìm người - người tìm việc
Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại Chi nhánh Phát điện dầu khí
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
Thái Bình thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo thêm việc làm cho người lao động