Tin trong nước
Trang chủ / Thời sự / Tin trong nước
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai nhiệm vụ năm 2019
02:53 PM 18/01/2019
(LĐXH) - Ngày 17/1/2018, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ công tác Lao động - Người có công và Xã hội năm 2019. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự và trực tiếp chỉ đạo hội nghị...
Tham dự Hội nghị còn có đồng chí Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH; Đại diện các Bộ, ban ngành; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành và lãnh đạo Sở LĐ-TBXH các địa phương tại 63 điểm cầu trên cả nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Bộ Lao động - TBXH điều hành hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẳng định, năm 2018, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực. Đặc biệt là việc tham mưu, trình Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương khu vực sản xuất, kinh doanh, trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành trong Nghị quyết  số 27-NQ/TW.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Kết quả, trong năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,1% (thấp nhất trong 11 năm trở lại đây); Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,6%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 23 - 23,5%; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1,35% so với cuối năm 2017, riêng các huyện nghèo giảm trên 5%.
“Để đạt được kết quả, mục tiêu đề ra là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp, hợp tác hiệu quả của các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương. Trong năm tới, ngành LĐ-TBXH cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, sáng tạo, hành động mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đổi mới phong cách phục vụ chuyên nghiệp, hiệu quả trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của đất nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trình bày Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, trong năm qua, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực, tạo một bước tiến mới, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, góp phần cùng cả nước hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thành 100% các đề án, nhiệm vụ được giao trong năm.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, sẽ có nhiều bước tiến mới trong công tác Lao động, người có công và xã hội trong năm 2019
Cụ thể, toàn ngành đã triển khai thực hiện các giải pháp đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Rà soát, sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Năm 2018, đã đào tạo nghề cho khoảng 2,21 triệu người, đạt 100,5% kế hoạch, trong đó: trình độ cao đẳng, trung cấp là 545 nghìn người, đạt 100,9% kế hoạch; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,665 triệu người, đạt 100,3% kế hoạch. Ước tốt nghiệp khoảng 2,1 triệu người; trong đó tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp khoảng 440 nghìn người.
Đối với lĩnh vực việc làm và phát triển thị trường lao động, ngành đã triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động trong độ tuổi thanh niên, lao động là người khuyết tật, lao động nông thôn, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, lao động di cư, lao động là người dân tộc thiểu số, phụ nữ... Đầu tư, nâng cao năng lực hoạt động của các Trung tâm dịch vụ việc làm; tổ chức sàn giao dịch, chợ việc làm với tần suất tăng và hình thức tổ chức đa dạng, phong phú. Tính đến cuối năm 2018, đã  tạo việc làm cho khoảng 1,648 triệu người, đạt 103,1% kế hoạch. Trong đó, tạo việc làm trong nước khoảng 1,506 triệu người, đạt 101,1% kế hoạch; đưa trên 142,8 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 129,9% kế hoạch.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp trình bày báo cáo tổng kết công tác lao động, người có công và xã hội năm 2018
Thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động, cải thiện quan hệ lao động, Bộ đã Trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; kiểm tra tình hình lao động, tiền lương tại các tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước. Đến nay cả nước có 14,724 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động. Hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện các biện pháp tăng cường tuân thủ pháp luật lao động, thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; theo dõi, phối hợp xử lý các tranh chấp lao động, không để đình công kéo dài, lan rộng, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh.
Tổ chức lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động lần thứ hai năm 2018; Đối thoại An toàn, vệ sinh lao động năm 2018. Tăng cường công tác quản lý máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Cấp giấy phép lao động, quản lý, cập nhật tình hình lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Lao động – TBXH tham dự hội nghị
Nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ, các cấp, các ngành đã có nhiều hoạt động Đền ơn, đáp nghĩa thiết thực, trong đó điểm nhấn là đã tổ chức trọng thể, có chiều sâu Lễ kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ với sự tham gia đầy đủ của các đồng chí Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, được dư luận trong cả nước ghi nhận, đánh giá cao, mang ý nghĩa chính trị xã hội to lớn. Đặc biệt là việc vận hành thông suốt Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai việc hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở. Thực hiện các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”. Tính đến cuối năm 2018, cả nước có 99% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 98,5% xã/phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công.
Đại biểu các Bộ, ngành tham dự hội nghị
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững, ngành đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, khuyến nông và khuyến lâm, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình giảm nghèo, trợ giúp pháp lý…; Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 5,35% (giảm 1,35% so với cuối năm 2017); bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 35% (giảm trên 5% so với cuối năm 2017).
Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện toàn diện quyền trẻ em, nâng cao chất lượng dịch vụ và phúc lợi xã hội dành cho trẻ em; Thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; Phòng chống tệ nạn xã hội cũng được quan tâm và đạt được kết quả tích cực. Đặc biệt, năm 2018, ngành đã tổ chức thành công Diễn đàn đa phương “Thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập”; Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ 3 với chủ đề “An sinh xã hội cho Phụ nữ và Trẻ em gái hướng tới tầm nhìn ASEAN 2025”. Triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Toàn cảnh hội nghị
Trong năm qua, ngành cũng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Trình Chính phủ đã ban hành Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, theo đó đã cắt giảm 60 điều kiện kinh doanh, đạt tỷ lệ 56,07% (60/107 điều kiện). Hoàn thành Thông tư quy định Danh mục sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ; theo đó, cắt giảm và đơn giản hóa 19/32 sản phẩm hàng hóa, đạt tỷ lệ 59,37% (vượt chỉ tiêu Chính phủ giao).
Có thể nói, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ của các Bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực và có chuyển biến rõ rệt so với năm 2017. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người có công, đối tượng chính sách xã hội được cải thiện và từng bước được nâng lên; giảm nghèo đi vào thực chất hơn; công tác người cao tuổi; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đạt kết quả đáng khích lệ.
Có thể khẳng định, năm 2019 là năm bứt phá để ngành LĐ – TBXH hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm về lĩnh vực lao động - người có công và xã hội. Kiên định với phương châm: “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả”, toàn ngành quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tập trung, quyết liệt thực hiện để đạt được mục tiêu: “Tiếp tục hoàn thiện, phát triển đồng bộ thị trường lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; từng bước cải thiện, nâng cao mức sống người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội”.
** Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: Năm 2018, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã đặt nền móng rất quan trọng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt với 3 đột phá mà chúng ta đã đặt ra, bao gồm: thể chế, giáo dục nghề nghiệp và lĩnh vực người có công, điều đó đã thực sự đem lại dấu ấn rất tích cực. Điều đáng mừng là toàn ngành đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu quốc gia mà Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành thường trực, trong đó có chỉ tiêu về việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, giảm nghèo.    

Năm 2019, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, theo tinh thần Nghị quyết 01; 02 của Chính phủ, trên cơ sở định hướng của Bộ, tôi đề nghị các khối của cơ quan quản lý nhà nước, các cục, vụ, địa phương tập trung cụ thể hóa chương trình hành động của ngành mình, đơn vị mình, phấn đấu đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chính phủ: “Năm 2019 phải hơn năm 2018”. Bộ trưởng chỉ đạo, năm 2019 phải chuyển động toàn diện và có lĩnh vực đột phá và tạo ra cái mới. Toàn ngành cần triển khai đồng bộ 14 nội dung nhiệm vụ đề ra trong năm 2019, trong đó lựa chọn 3 vấn đề thiết yếu. Thứ nhất, tập trung xây dựng thể chế, trong đó quan tâm hoàn thành được chiến lược phát triển ngành, chiến lược an sinh cho 10 năm tới với tư duy đột phá và hướng tới một xã hội mọi người đều hưởng được quyền an sinh theo đúng tinh thần Điều 34 Hiến pháp và các quy định của Đảng và Nhà nước; tập trung cao độ cho việc sửa đổi và trình Bộ luật Lao động sửa đổi với những nội dung đã trình xin ý kiến Chính phủ; trình Quốc hội sửa Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; trình, sửa đổi Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Thứ hai, tiếp tục đột phá mạnh mẽ, tạo ra sự chuyển động thực sự trong thị trường lao động, tạo nên thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh ở 3 khía cạnh: Tạo việc làm mới, nếu trong năm 2018 là 1,65 triệu người thì con số này phải phấn đấu tăng hơn trong năm 2019; Tạo sự dịch chuyển từ phi chính thức sang chính thức với tỷ lệ phải cao hơn trong năm 2018; Dứt khoát phải giảm được tỷ lệ người có trình độ đại học, cao đẳng thất nghiệp xuống thấp hơn nữa.

Thứ ba, tiếp tục tập trung cao độ cho giáo dục nghề nghiệp, coi đây là khâu đặc biệt quan trọng, với cách làm mới, phấn đấu để đạt mục tiêu tổng quát là: Số người học, đặc biệt là cao đẳng, trung cấp nghề phải tăng lên; ra trường phải có việc làm, có thu nhập và ứng dụng, tập trung vào những ngành nghề mà nhu cầu xã hội đang cần. Do đó, cung và cầu phải kết nối rất hợp lý, phải dự báo được ngành nghề thích hợp nào xã hội đang cần. Sau Hội nghị này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tổ chức 2 hội nghị toàn quốc, đó là một hội nghị quy tụ tất cả các trường cao đẳng và trung cấp nghề cả nước bàn về những nội dung đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới; một hội nghị về vấn đề đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Thứ tư, cần phải quan tâm tới một số vấn đề bức xúc đang đặt ra, nhất là lĩnh vực trẻ em, quản lý các cơ sở cai nghiện.

Thứ năm, tập trung cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để tạo sự chuyển biến đồng bộ và từng bước, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội phải làm việc chuyên nghiệp, bài bản và khoa học hơn. Với cách làm mới, Bộ trưởng tin rằng 2019 chúng ta chắc chắn sẽ tạo chuyển biến mới.  

Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý trong dịp Tết cổ truyền này, các địa phương, đơn vị cần đầu tư, quan tâm đến các gia đình chính sách, người nghèo, người có công, người thuộc diện bảo trợ để ai cũng có Tết đầm ấm, vui tươi. Điều quan trọng nữa là sau Tết xong, thị trường lao động ổn định, không để xảy ra tình trạng thiếu việc làm, thiếu người lao động./.

Hà Giang, Chí Tâm
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Động đất, nam sinh dũng cảm quay lại lớp cõng bạn chạy trốn
Nâng cao ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng theo Tư tưởng Hồ Chí Minh của người lãnh đạo, quản lý
Động đất Tây Tạng: 126 người thiệt mạng, mức khẩn cấp cao nhất
Việt Nam đạt nhiều tiến bộ trong nghiên cứu, sản xuất vaccine thú y
Vừa vạch trần bê bối xây dựng, nhà báo bỏ mạng tức tưởi
Bạn gái bị chê hát lạc nhịp, gã đàn ông đấm chết người chê
Cậu bé bị biến dạng mặt vì trò đùa tàn nhẫn của bạn
Chi bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chương Mỹ tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2025 - 2027
Truyền thông Thái Lan thất vọng trước thất bại của đội nhà