Ngân hàng Chính sách Xã hội Hà Nội: Triển khai hiệu quả chương trình cho vay giải quyết việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội
(LĐXH) -Trong những năm qua, thông qua việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách nói chung và chương trình cho vay giải quyết việc làm (GQVL) nói riêng, Ngân hàng Chính sách Xã hội Hà Nội (NHCSXH HN) đã và đang đóng góp đắc lực trong việc giải quyết nhu cầu việc làm cho người lao động tại địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, giúp nhiều người có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống, từ đó giúp đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình chính trị, xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững theo đúng định hương từng thời kỳ của thành phố.
Theo số liệu thống kê, Hà Nội là thủ đô, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, nơi có mật độ dân cư tập trung cao, mỗi năm dân số cơ học tăng khoảng hơn 200 nghìn người, tạo nên sức ép lớn về lao động việc làm cho thành phố.
Để góp phần thực hiện công tác GQVL cho người lao động và các đối tượng chính sách, NHCSXH HN đã thực hiện đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú những chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi về GQVL của Đảng, Chính phủ cũng như hoạt động của NHCSXH HN đến cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Tổ chức thực hiện công khai, dân chủ chương trình tín dụng về vay GQVL thông qua việc niêm yết công khai các nội dung về tín dụng chính sách tại UBND các xã, phường, thị trấn để nhân dân có thể dễ dàng tiếp cận,tìm hiểu. Mỗi cán bộ NHCSXH đều có trách nhiệm và luôn làm tốt vai trò là một tuyên truyền viên, giúp người dân hiểu biết về hoạt động tín dụng chính sách GQVL cũng như hướng dẫn người dân, Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) trong việc hoàn thiện hồ sơ thủ tục vay vốn.
Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cho vay, NHCSXH HN còn thường xuyên rà soát, cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, các khóa đào tạo do NHCSXH Việt Nam tổ chức. Trong 15 năm qua, đã tổ chức các lớp tập huấn theo các chuyên đề kế toán, tín dụng, kiểm tra, kiểm soát, tin học cho trên 500 lượt cán bộ của đơn vị; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị xã hội các cấp tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ đối với Chủ tịch UBND, cán bộ Ban giảm nghèo cấp xã, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ TK&VV với trên 20.000 lượt tham dự.
Mạng lưới hoạt động của NHCSXH HN cũng được mở rộng phù hợp với tình hình thực tiễn. Đến nay, NHCSXH HN đã có 28 phòng giao dịch NHCSXH quận, huyện, thị xã trực thuộc, 561 điểm giao dịch lưu động tại xã, phường, thị trấn trên tổng số 584 xã, phường, thị trấn của toàn thành phố. Tại các điểm giao dịch xã, các chính sách tín dụng của Nhà nước, danh sách hộ vay vốn và quy trình thủ tục của NHCSXH được niêm yết công khai; người vay vốn giao dịch trực tiếp với NHCSXH vào ngày cố định hàng tháng để gửi tiền tiết kiệm, nhận tiền vay và trả nợ trước sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị xã hội, Tổ trưởng Tổ TK&VV và chính quyền cấp xã, nhờ đó đã hạn chế được việc thất thoát, xâm tiêu, tham ô lợi dụng tiền vốn, tạo được lòng tin của nhân dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước và đối với hoạt động của NHCSXH.
Đề triển khai thực hiện hiệu quả phương thức cho vay ủy thác, NHCSXH HN đã thường xuyên phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội quan tâm xây dựng,củng cố các Tổ TK&VV ở cơ sở. Hiện trên địa bàn thành phố cũng có 7.483 Tổ TK&VV đang hoạt động hiệu quả tại các thôn,khu dân cư, trực thuộc quản lý của 4 tổ chức hội đoàn thể với tổng số trên 204 nghìn thành viên,bình quân mỗi Tổ có 27 thành viên. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Trưởng Phòng Kế toán Tina dụng, NHCSXH Hà Nội cho biết: Các Tổ TK&VV thành lập tại các thôn, cụm dân cư do Ban giảm nghèo cấp xã, các tổ chức Hội đoàn thể cấp xã và Trưởng thôn tuyên truyền, vận động hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn gia nhập Tổ TK&VV. Trưởng thôn hoặc người phụ trách các tổ chức Hội đoàn thể đứng ra thành lập Tổ, lập danh sách tổ viên, xây dựng quy ước hoạt động của Tổ, bầu Ban quản lý tổ. Cuộc họp thành lập Tổ phải được lập thành biên bản để báo cáo UBND cấp xã chấp thuận và cho phép hoạt động. Tổ TK&VV thực hiện bình xét công khai, dân chủ những người có nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi GQLV và các các chương trình khác có sự chứng kiến, chỉ đạo của Hội đoàn thể và trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.
Quy trình vay vốn GQVL và các chương trình tín dụng khác được tuân thủ rất chặt chẽ. Trước tiên người vay vốn GQVL phải viết Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay gửi Tổ TK&VV và Hội đoàn thể để kiểm tra, thẩm định. Sau đó, Tổ TK&VV họp để bình xét những hộ đủ điều kiện vay vốn, lập danh sách các hộ gia đình đề nghị vay vốn trình UBND xã xác nhận (qua Ban giảm nghèo cấp xã). Tiếp theo, Tổ TK&VV gửi bộ hồ sơ đề nghị vay vốn cho NHCSXH. Khi nhận được, NHCSXH kiểm tra, trình UBND cấp huyện hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt và thông báo kết quả phê duyệt, giải ngân cho vay gửi UBND xã. Nhận được thông báo kết quả phê duyệt cho vay của NHCSXH, UBND cấp xã thông báo trực tiếp cho tổ chức Hội đoàn thể cấp xã. Sau đó, Tổ chức Hội đoàn thể cấp xã thông báo cho Tổ TK&VV. Và Tổ TK&VV thông báo cho tổ viên/hộ gia đình vay vốn biết số tiền hộ được vay, thời gian, địa điểm NHCSXH giải ngân. Cuối cùng, Ngân hàng giải ngân trực tiếp cho người vay tại Điểm giao dịch xã .
Có thể nói, nhờ việc triển khai hiệu quả của Chương trình cho vay vốn GQVL của NHCSXH HN, nhiều địa phương đã làm tốt công tác tạo việc làm, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn. Có dịp đi tìm hiểu thực tế hiệu quả vốn vay của chương trình GQVL ở các quận, huyện của thành phố Hà Nội như Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Mê Linh,… chúng tôi đều nhận thấy sự hồ hởi, phấn khởi của người dân khi nói về hiệu quả chương trình, bởi nhờ lãi suất vay ưu đãi, thời gian vay phù hợp đã giúp cho các hộ có điều kiện thuận lợi trong đầu tư cho sản xuất nhất là trong giai đoạn khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm mới cho nhiều lao động.
Để giúp các hộ hội viên sử dụng đồng vốn chính sách có hiệu quả, Hội Nông dân xã Chu Phan, huyện Mê Linh rất coi trọng việc hướng dẫn các hội viên vay vốn về kỹ thuật sản xuất, kiến thức kinh doanh. Đến nay, 100% các chi hội nông dân đều thực hiện dịch vụ ủy thác với NHCSXH với tổng dư nợ tính đến tháng 8/2017 đạt 11,256 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 375 hộ, trong đó, chương trình cho vay giải quyết việc làm có 70 hộ với 1,549 tỷ đồng. Nhiều hộ nông dân được vay vốn đã mạn dạn đầu tư vào chăn nuôi trâu bò sinh sản, trồng rau, trồng hoa phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống như hộ ông Lê Văn Bằng thôn Mạnh Trữ, bà Nguyễn Thị Lan thôn Nại Châu xã Chu Phan giúp tạo việc làm thường xuyên cho 02 đến 04 lao động...
Theo số liệu thống kê của NHCSXH HN, trải qua 15 năm phát triển, tính đến ngày 31/8/2017, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách qua NHCSXH HN đạt 6.174 tỷ đồng, tăng 5.840 tỷ đồng, gấp 18 lần so với thời điểm ngân hàng mới thành lập, bình quân mỗi năm tăng 24%. Từ 03 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu năm 2002 với dư nợ nhận bàn giao là 334 tỷ đồng, đến nay, NHCSXH TP Hà Nội đang triển khai cho vay 15 chương trình tín dụng chính sách, trong đó có 5 chương trình tín dụng lớn,chiếm tỷ trọng 97% trên tổng dư nợ, tính riêng Chương trình cho vay GQVL là 1.966 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất 32%. Sau 15 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP, NHCSXH HN đã tập trung nguồn lực tín dụng cho vay được trên 1 triệu 500 nghìn lượt hộ nghèo và các hộ chính sách khác với doanh số cho vay đạt 21.003 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 15.201 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, trong 15 năm qua đã góp phần giúp gần 220.000 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho trên 460.000 lao động. Riêng năm 2017, doanh số cho vay và doanh số thu nợi 9 tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ năm trước, cụ thể doanh số cho vay đạt 2.365 tỷ đồng với trên 81 nghìn lượt khách hàng được vay vốn, bằng 124% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có 30 nghìn lượt khách hàng vay GQVL, giúp tạo việc làm cho trên 36 nghìn lao động. Tổng dự nợ 15 chương trình tín dụng chính sách tính đến ngày 30/9/2017 của NHCSXH HN đạt 6.192 tỷ đồng với trên 286 nghìn khách hàng đang vay vốn tại 7.500 Tổ TK&VV, tăng 687 tỷ đồng so với cùng kỳ. Dự nợ bình quân 1 khách hàng chương trình cho vay GQVL đến 30/9/2017 là 29 triệu đồng/khách hàng, tăng 5 triệu đồng/khách hàng so với năm 2016.
Chính nhờ nguồn vốn vay ưu đãi đã tạo việc làm cho những người dân có sức lao động nhưng không có vốn và những nông dân thiếu đất sản xuất do đô thị hóa, tăng doanh thu, tăng thu nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.Hiệu quả từ chương trình cho vay GQVL dù được đánh giá cao song thực tế vẫn còn nhiều trăn trở. Đó là nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm còn hạn chế, trong khi nhu cầu vay vốn trên thực tế của người dân rất lớn nên chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn của nhân dân, nhất là trong giai đoạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ như hiện nay.
Từ thực tế trên mong rằng các cấp chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ, bổ sung nguồn vốn cho chương trình GQVL của thành phố Hà Nội.Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, NHCSXH HN sẽ đẩy mạnh công tác cho vay vốn, thu hồi nợ, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các dự án đang thực hiện và đúng đối tượng đối với các dự án cho vay vốn mới, bảo đảm các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố./.
Mỹ Hạnh
TAG: