Nét ẩm thực đặc trưng của Bangkok
Bà Nampueng Thong-auam và ông Somjai Bangsuwannarat đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử tại quầy bán hàng rong của họ thuộc trung tâm thành phố Bangkok, Thái Lan.
Suốt 4 thập kỷ qua, cặp vợ chồng này đã bán bắp nướng ngay bên cạnh Tượng đài chiến thắng - một địa điểm mang tính biểu tượng của thành phố Bangkok.
Với giá 40 baht (khoảng 30.000 đồng), du khách có thể thưởng thức một bắp ngô nướng thơm ngon được phết nước cốt dừa, muối và đường thốt nốt. Cặp vợ chồng ngoài 70 tuổi này chia sẻ với CNA, họ không kiếm được nhiều tiền từ quầy bán hàng rong mà chỉ đủ trang trải chi phí hàng ngày.
“Chúng tôi mệt mỏi nhưng vẫn sẽ tiếp tục công việc này cho đến khi không thể làm được nữa”, bà Nampueng nói.

Dù không quá bận tâm đến những nỗ lực của chính quyền trong việc "dọn dẹp" đường phố nhưng nhiều người bán hàng rong khác ở Bangkok đang phải đối mặt với nhiều thách thức để duy trì nghề nghiệp của mình.
Những người bán hàng rong như bà Nampueng và ông Somjai có mặt khắp nơi tại thủ đô của Thái Lan. Qua nhiều thế hệ, họ đã tạo nên một nét văn hóa ẩm thực độc đáo, thu hút du khách đến Bangkok để trải nghiệm các món ăn đường phố nổi tiếng.
Theo CNA, trong những năm gần đây, chính phủ Thái Lan đã đẩy mạnh các nỗ lực nhằm đảm bảo trật tự, nâng cao tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và hỗ trợ người dân có thu nhập thấp. Năm 2024, Chính quyền Đô thị Bangkok đã ban hành các quy định mới nhằm hạn chế số lượng người bán hàng rong trong thành phố. Theo đó, chỉ những người dân Thái Lan thuộc diện trợ cấp phúc lợi mới được phép kinh doanh.
Ngoài ra, các quy định đang được siết chặt hơn yêu cầu chỉ những người có thu nhập dưới 300.000 baht/năm (khoảng 230 triệu đồng) mới có thể tiếp tục bán hàng rong. Không gian dành cho những người bán hàng rong cũng bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Họ không được phép bày bán ở những nơi cản trở lối đi bộ và chỉ được sử dụng tối đa 3m2 diện tích.
Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt cho biết vào tháng 10/2024, trong 2 năm qua, khoảng 10.000 người bán hàng rong đã bị loại khỏi các tuyến đường của Bangkok. Nhà chức trách cũng có kế hoạch phát triển các trung tâm ẩm thực nhằm tạo ra những khu vực sạch sẽ, được quản lý tốt hơn để thu hút khách du lịch.
"Kiếm sống chật vật"

Tuy nhiên, ngay cả khi chưa có những quy định mới này, nhiều người bán hàng rong cũng đã gặp khó khăn trong việc kiếm sống.
Bà Ponthip Janjamsri, người đã bán chả viên chiên gần Đài tưởng niệm chiến thắng suốt 40 năm cho biết, công việc này ngày càng trở nên bấp bênh. Khách hàng chủ yếu của bà là thanh thiếu niên. Mỗi ngày bà chỉ kiếm được khoảng 500 baht (khoảng 380.000 đồng), không đủ để nuôi sống gia đình. Bà cũng chia sẻ, hiện tại thu nhập từ công việc bán hàng rong của mình chỉ bằng 1/5 so với nhiều năm về trước.
“Tôi chỉ đang cầm chừng. Nếu không làm việc này, tôi chẳng còn gì để bám víu”, bà Ponthip Janjamsri nói.
Không chỉ những người bán hàng lâu năm cảm thấy áp lực mà ngay cả những người trẻ hơn cũng không chắc chắn về tương lai của ẩm thực đường phố ở Bangkok.
Anh Apichai Rawangphai, một giáo viên 42 tuổi cùng vợ mở quán ăn nhỏ ở khu phố cổ Bangkok để tăng thu nhập.
Xuất thân từ tỉnh Buriram ở đông bắc Thái Lan, Apichai cho biết vợ chồng anh chỉ mới bắt đầu bán hàng cách đây 2 năm sau khi vợ mất việc. Họ phục vụ các món ăn dân dã của vùng đông bắc Thái Lan như gỏi thịt băm và canh chua cay.
Quán của họ chỉ có một chiếc bàn duy nhất, thường xuyên được các sĩ quan cảnh sát làm việc gần đó hoặc người dân địa phương ghé ăn.
Tại khu vực đường Yaowarat, khu phố người Hoa của Bangkok thu hút đông đúc du khách đổ về, những người bán hàng rong có vẻ ít lo lắng hơn về tương lai của họ.
Bà Amornrat Suwan-ngam, 58 tuổi đã bán món thịt xào húng quế tại đây hơn 10 năm. Tuy nhiên, bà thừa nhận, kiếm sống trong 3 năm qua ngày càng khó khăn do nền kinh tế suy thoái. Dù vậy, bà không có kế hoạch chuyển địa điểm vì không có lựa chọn nào thực tế hơn. Ở tuổi này, việc tìm một công việc khác cũng không hề dễ dàng.
“Mỗi ngày tôi vẫn có tiền từ việc nấu ăn. Hơn nữa, ai cũng cần ăn”, bà Amornrat Suwan-ngam nói.
Băng Tâm