Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Năng suất lao động và thách thức đối với Việt Nam
11:49 PM 19/02/2018
Năm 2017 là năm kinh tế Việt Nam gặt hái nhiều thành công, mặc dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn lo ngại về chất lượng tăng trưởng.
Một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng cũng như cải thiện tốc độ tăng trưởng là nâng cao năng suất lao động - một thách thức thực sự đối với Việt Nam.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 diễn ra hồi tháng 1/2018, GS. Trần Văn Thọ, đến từ Đại học Waseda, Tokyo, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ về năng suất lao động dựa trên kinh nghiệm của Nhật Bản, quốc gia được coi là có kinh nghiệm hàng đầu trên thế giới về tăng năng suất chỉ trong vòng 20 năm.
Câu chuyện “6.000 ngày thần kỳ của Nhật Bản” được GS. Trần Văn Thọ dẫn ra như một bài học mà Việt Nam cần hướng tới. Theo đó, Nhật Bản đã có khoảng gần 20 năm, khoảng 6.000 ngày (1955-1973) có tốc độ phát triển GDP bình quân hàng năm khoảng 10%.

Thách thức đối với Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế là nâng cao năng suất lao động

“6.000 ngày thần kỳ” đã thay đổi hoàn toàn vị thế của nước Nhật trên thế giới, đưa nước này thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao, là một quốc gia thịnh vượng.
Điều đặc biệt, theo GS. Thọ, trước khi bắt đầu “6.000 ngày thần kỳ”, vị thế của Nhật Bản khá tương đồng với Việt Nam hiện tại. Vào thời điểm đó, dân số, cơ cấu kinh tế, cơ cấu dân cư, cơ cấu lao động của Nhật Bản khá tương đồng với Việt Nam, nông nghiệp vẫn chiếm phần lớn số lao động, năng suất lao động thấp.
"Mỗi năm, Nhật Bản tăng trưởng kinh tế 10%, giai đoạn này kéo dài 20 năm, 6.000 ngày làm thay đổi nước Nhật. Tôi mong Việt Nam thời gian tới sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới, ít là phát triển 10%, trong vòng 4-5 năm", ông Thọ nói.
Theo Giáo sư Trần Văn Thọ, nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều đặc trưng đáng lo ngại. Lao động dư thừa trong nông nghiệp và khu vực kinh tế cá thể còn rất lớn trong khi lao động trong nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ rất lớn 49,5% năm 2010 và 41,6% năm 2016.
Ngoài ra, tỷ lệ vốn đầu tư trong nền kinh tế không thấp nhưng cơ cấu không hiệu quả. Doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí cao và được ưu đãi về vốn, về đất đai. Doanh nghiệp tư nhân nhỏ bé, bất lợi trong thị trường các yếu tố sản xuất như vốn, đất đai. Khu vực kinh tế cá thể còn rất lớn lên tới 32,1% GDP năm 2010 và 30,4% GDP năm 2016.
“Nền kinh tế cũng đang chứng kiến tình cảnh doanh nghiệp vốn nước ngoài (FDI) chiếm vị trí lớn nhưng chất lượng FDI còn thấp, ít tác động đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng lên cao. Liên kết hàng dọc giữa FDI và doanh nghiệp trong nước còn quá yếu nên tác động lan tỏa của công nghệ, tri thức kinh doanh đến nền kinh tế còn yếu.
Doanh nghiệp Việt Nam, nhất là tư nhân, quy mô quá nhỏ, năng suất thấp, không có năng lực xuất khẩu và không kết nối được với chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia”, GS. Trần Văn Thọ nêu rõ.
Theo GS. Thọ, ông không tìm thấy ở Việt Nam có số liệu thống kê về công nghệ nhập khẩu mỗi năm. Vì vậy, thời gian tới, các bộ ngành liên quan nên thống kê công nghệ nhập khẩu du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam mỗi năm bao nhiêu, theo ngành gì.
“Việt Nam cứ nghĩ tới cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cao xa mà có những vấn đề đơn giản chúng ta không làm như muốn rút ngắn khoảng cách công nghệ với các nước, phải nhập khẩu công nghệ nước ngoài về ứng dụng vào sản xuất. Đồng thời, với Nhật Bản, mỗi kế hoạch chính sách của họ chỉ được thực hiện trong 5 năm, nhưng Việt Nam có khi cả 40 năm mới thực hiện một chính sách”.
Chính vì vậy theo vị giáo sư này, Việt Nam có thể phát triển tốc độ cao, vượt qua bẫy thu nhập trung bình dễ dàng nếu có chiến lược tận dụng tiềm năng đang có và lợi thế nước đi sau.

Theo Vietq
TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật