Dân tộc-Tôn giáo
Trang chủ / Xã hội / Dân tộc-Tôn giáo
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
03:49 PM 30/06/2021
(LĐXH) - Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có ý nghĩa quyết định, là nhân tố cơ bản để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi.
Nhờ được đào tạo nghề, nhiều lao động vùng đồng bào DTTS đã phát triển sản phẩm nông nghiệp có giá trị
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chiếm ¾ diện tích cả nước, là vùng cao, biên giới, có địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, nơi khó khăn nhất nước ta. Vùng đồng bào DTTS, miền núi phân bổ tại 51/63 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung. Đa số đồng bào DTTS sinh sống thành cộng đồng ở khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn với địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn.
Đội ngũ cán bộ người DTTS là nhân tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, chính trị ở vùng đồng bào DTTS. Đảng và Nhà nước rất quan tâm và đã ban hành nhiều chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS, tuy nhiên nhìn chung giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi còn nhiều khó khăn như chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế xã hội phát triển chậm, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, cơ sở hạ tầng kém nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Trước yêu cầu phát triển vùng đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa trong bối cảnh đất nước đang phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế phát triển công nghệ với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS cần có những thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp.
Trong giai đoạn vừa qua, chính sách nổi bật là chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020, trong đó xác định mục tiêu ưu tiên ngân sách Nhà nước cho các đối tượng DTTS đặc thù trên cơ sở bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Theo đó, chính sách phát triển nguồn nhân lực cho đồng bào DTTS được thể hiện qua 4 nhóm chính sách: Phát triển hệ thống trường chuyên biệt vùng DTTS, mầm non nhằm tạo nguồn đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các DTTS; Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh đại học, cao đẳng; Chính sách hỗ trợ đối với người học; Chính sách đầu tư đối với các cơ sở đào tạo vùng DTTS, miền núi.
Theo thống kê, hiện nay nguồn nhân lực DTTS thiếu cả số lượng ở số lĩnh vực và yếu về chất lượng ở hầu hết các lĩnh vực. Tỷ lệ cán bộ là người DTTS và miền núi trong Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện còn thấp (khoảng 11,32%). Trong tổng số 48.200 cán bộ DTTS cấp xã, số người có trình độ trung học cơ sở chiếm 45,7%, tiểu học 18,7%, chỉ có 1,9% có trình độ cao đẳng và đại học. Bên cạnh đó, lực lượng trong độ tuổi lao động vùng DTTS đã qua đào tạo mới đạt 10,5%. Vì vậy, năng lực chỉ đạo, điều hành quản lý của cán bộ tại chỗ ở một số địa phương có đông đồng bào DTTS còn nhiều bất cập, đặc biệt là ở cơ sở.
Mô hình hợp tác xã dịch vụ phát triển nông nghiệp của đồng bào DTTS mang lại kinh tế cao
Có thể thấy, chất lượng nguồn nhân lực thấp đang chi phối và kéo theo hàng loạt vấn đề liên quan đến sự phát triển của các DTTS, do đó cần sớm tìm ra kế hoạch dài hạn và giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực ở các DTTS. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người DTTS về giáo dục chưa cao, các trường nghề chưa bắt kịp xu hướng thị trường lao động. Chính sách hỗ trợ cho học sinh dự bị đại học còn nhiều bất cập. Chưa có chương trình đạo tạo đặc thù, phù hợp với đặc điểm văn hóa, trình độ của người DTTS. Một bộ phận đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên khả năng tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù với người DTTS còn hạn chế. Các chương trình đào tạo chưa xuất phát từ nhu cầu của chính người học…
Xuất phát từ thực tế đó, quan điểm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng đồng bào DTTS và miền núi gồm: Phát huy nội lực của vùng đồng bào DTTS, miền núi; Chuẩn kiến thức riêng cho từng nhóm đối tượng, vị trí việc làm; Theo định hướng phát triển kinh tế xã hội địa phương; Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa; Xuất phát từ nhu cầu thực tế vùng đồng bào DTTS, miền núi; Liên thông, hội nhập.
Trên cơ sở đó, cần tập trung thực hiện một số giải pháp phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng đồng bào DTTS, miền núi như: Lựa chọn mô hình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng đồng bào DTTS phù hợp kết hợp giữa đào tạo thực nghiệm tại chỗ và đào tạo nâng cao tại các cơ sở giáo dục đại học và các viện nghiên cứu. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thông qua việc thường xuyên cập nhật kiến thức, phương pháp, kỹ năng giảng dạy, ngoại ngữ, tin học. Chú trọng đào tạo lại đội ngũ cán bộ chất lượng cao cấp xã, huyện, tỉnh với các nội dung xác định chuẩn kiến thức chuyên môn cho cán bộ; xây dựng tiêu chí chất lượng cao cho từng vị trí quản lý (xã, huyện, tỉnh, thôn, bản); xây dựng chương trình đào tạo, các khóa tập huấn đào tạo kiến thức về hợp tác xã, nông thôn mới, kiến thức khởi nghiệp, thị trường, kỹ năng giải quyết vấn đề, kiến thức về ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, hạn mặn, lũ lụt… Đào tạo nghề cho người lao động. Thu hút nhân tài làm hạt nhân nòng cốt. Cải tiến phương thức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao./.

Hồng Phượng
 
 
 
 
TAG:
Tin khác
An Giang chú trọng tôn tạo, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
Đẩy mạnh trợ giúp, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật
Thành phố Long Xuyên: Đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn
Lan tỏa những câu chuyện về hành trình vượt khó và mô hình sinh kế cho phụ nữ bị mua bán trở về
Nhóm “Thiên Thanh” – Hành trình của 4 cô gái tài năng từ 4 miền quê Việt Nam
Huyện Phú Tân: Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng