Tin trong nước
Trang chủ / Thời sự / Tin trong nước
Nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho hàng xuất khẩu Việt Nam
02:39 PM 26/11/2016
(LĐXH) - Ngày 25/11, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức Diễn đàn chính sách thương mại “Quy định về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam”.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ phối hợp giữa 2 Dự án EU - MUTRAP về Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư do EU tài trợ và Dự án Hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ.

Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu khai mạc tại Diễn đàn
Tham dự Diễn đàn có ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Giám đốc Quốc gia Chương trình Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam; Ông Miroslav Delaporte - Giám đốc Quốc gia Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tại Việt Nam; ông Đặng Công Hiến - Ban Chính sách phát triển thương mại, Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương, cùng đại diện một số đơn vị của Bộ Công Thương, tổ chức của Liên Hợp quốc về phát triển công nghiệp, đại diện các Bộ, ban, ngành liên quan, Trung tâm Xúc tiến thương mại địa phương và các hiệp hội, ngành hàng có liên quan.
Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, hiện nay, sản phẩm thực phẩm của Việt Nam đã xuất khẩu đến 120 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam cũng đã có một số mặt hàng xuất khẩu đứng trong tốp 10 như gạo, cà phê. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam đang gặp nhiều thách thức liên quan đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, nguyên nhân là do ý thức chấp hành của các doanh nghiệp còn kém. Nhiều vụ việc hàng nông thủy sản, trái cây của Việt Nam bị đối tác tại các thị trường nhập khẩu trả lại gần đây là do việc sử dụng những hóa chất cấm trong nuôi trồng, chế biến, do quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm hoặc do nhiễm độc từ môi trường..., gây ảnh hưởng xấu đến kết quả chung của hoạt động xuất khẩu.

Hiện nay, việc chấp hành ATVSTP của một số doanh nghiệp nước ta còn kém, ảnh hưởng chung tới hoạt động xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm
Mặt khác, đa số các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong ngành nông sản, thực phẩm là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế về quy mô vốn và công nghệ nên việc đáp ứng được những yêu cầu hợp chuẩn khắt khe của các thị trường nhập khẩu cũng như các tiêu chuẩn để được hưởng ưu đãi từ Hiệp định thương mại còn rất hạn chế. Số lượng doanh nghiệp chủ động tìm hiểu và có khả năng chuẩn bị cho hội nhập kinh tế chiếm tỷ lệ ít so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn. Về phía nhà sản xuất, đối với các mặt hàng xuất khẩu, chúng ta bắt buộc phải tuân thủ những quy định về chất lượng sản phẩm của nước nhập khẩu đã được công bố hoặc đã được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy; không được sử dụng các nguyên liệu ngoài danh sách cho phép, không có nguồn gốc rõ ràng. Do vậy, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì phải có những biện pháp mang tính đồng bộ từ người quản lý, người sản xuất đến người tiêu dùng... từ đó thực phẩm tiêu dùng nói chung và xuất khẩu nói riêng của Việt Nam mới có thể có vị thế vững chắc trên thị trường.
Phó Cục trưởng Đỗ Kim Lang đánh giá cao sáng kiến tổ chức Diễn đàn này, đây không chỉ là dịp để Bộ Công Thương triển khai hoạt động tuyên truyền và phổ biến những quy định về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, các cơ quan hữu quan và người dân nói chung mà còn là dịp để các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách trao đổi về những khía cạnh liên quan tới chính sách phát triển doanh nghiệp. Đồng thời mong muốn thông qua Diễn đàn này, các vấn đề gặp phải thời gian qua sẽ được giải quyết, chuyển hóa thành những chính sách, hướng dẫn cụ thể và các Bộ, ngành, doanh nghiệp sẽ thực hiện tốt hơn.
Theo ông Đặng Công Hiến, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương): An toàn thực phẩm là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người. Chính sách an toàn thực phẩm là tập hợp các chủ trương và hành động của Nhà nước nhằm bảm đảm thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng của con người. Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã ban hành một số văn bản chính sách liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm như: Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Cạnh tranh, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng hàng hóa và các nghị định, quyết định, thông tư hướng dẫn thi hành. Các chính sách an toàn thực phẩm đề cập đến những nội dung chính như: Tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật về an toàn thực phẩm; hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực ATTP; hoạt động kiểm định thực phẩm; tập huấn, tuyên truyền, phổ biến chính sách.
Đến nay, chính sách ATTP được tiếp cận theo hướng mới, chuyển từ phương thức quản lý tiền kiểm sang hậu kiểm (quản lý dựa trên tiêu chuẩn, quy chuẩn công bố áp dụng); từ quản lý theo phương thức kiểm tra theo công đoạn sang quản lý theo quá trình theo chuỗi cung cấp thực phẩm; đã xây dựng được một hế thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thực phẩm đáp ứng với yêu cầu quốc tế; hoạt động thanh tra, kiểm tra ATTP được quy định cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thanh tra về ATTP trên thực tiễn; việc phân công trách nhiệm quản lý ATTP tương đối cụ thể, hạn chế sự chồng chéo trong quản lý.
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã được nghe đại diện một số Bộ, ngành, tổ chức chia sẻ những khó khăn, vướng mắc khi tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về ATVSTP; quy định mới về chất lượng và ATVSTP tại EU; nguyên nhân thực phẩm xuất khẩu bị trả về: thách thức và giải pháp./.
Hồng Phượng
 
TAG:
Tin khác
Nhân viên trúng độc đắc hơn 21 tỷ đồng bị công ty đòi lại vé số
Cháy rừng California: Trụ cứu hỏa cạn nước, 5 người chết
Cựu HLV tuyển Thái Lan chỉ trích bàn thắng của Supachok
Nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động của Công đoàn Bộ LĐTBXH
Chăm về nấu cơm trưa cho vợ, được thưởng ô tô dịp Tết
Top điểm đến ở Việt Nam 'gây mê' du khách nước ngoài
Sáng 8/1: Ghi nhận 515 dư chấn sau trận động đất ở Tây Tạng
Động đất, nam sinh dũng cảm quay lại lớp cõng bạn chạy trốn
Nâng cao ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng theo Tư tưởng Hồ Chí Minh của người lãnh đạo, quản lý