Nâng cao chất lượng chỉnh hình và phục hồi chức năng ngành Lao động – TBXH
(LĐXH)- Nhằm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và phục hồi chức năng, thời gian qua, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Hà Nội đã không ngừng nâng cao chất lượng các dịch vụ nhằm phục vụ bệnh nhân đến chỉnh hình, phục hồi chức năng…
Đất nước đã trải qua nhiều năm chiến tranh, lại thường xuyên phải gánh chịu nhiều thiên tai, dịch bệnh và những tai nạn, rủi ro về sức khỏe nên hiện nay số người có vấn đề xã hội rất lớn (chiếm trên 20% dân số), trong đó có khoảng 7,6 triệu người khuyết tật. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chính sách trợ giúp xã hội nhằm chăm lo đời sống các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Tháng 8/2018, Bộ Lao động - TBXH và Bộ Y tế đã ban hành Chương trình phối hợp số 1883/CTr-BLĐTBXH-BYT về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới, giai đoạn 2018 - 2021”. Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là triển khai tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt cho các nhóm đối tượng như: người lao động, người có công với cách mạng, người bị ảnh hưởng bởi hậu quả chiến tranh, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật, người tâm thần, người bị nhiễm HIV/AIDS và một số đối tượng khác cần chăm sóc đặc thù;đồng thời, thúc đẩy nâng cao năng lực công tác y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng của ngành Lao động - TBXH.
Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Hà Nội là đơn vị sự nghiệp y tế công cập trực thuộc Bộ Lao động - TBXH,được thành lập trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Kỹ thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng với Viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng. Bệnh viện có chức năng khám bệnh, điều trị, cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực y tế phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng vận động cho người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội, người khuyết tật, người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và đối tượng khác.Quy mô của bệnh viện là 120 giường bệnh, tạm xếp Bệnh viện hạng II theo Thông tư số 23/2005/TT-BYT ngày 25/8/2005 của Bộ Y tế hướng dẫn xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế.Mặc dù mới thành lập trên cơ sở hợp nhất của 2 đơn vị, song với sự nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo và đội ngũ công chức, viên chức, người lao động,Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Hà Nội đã khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong năm 2018, Bệnh viện đã tập trung sắp xếp bộ máy tổ chức, sắp xếp lại các khoa, phòng; ổn định tư tưởng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; thành lập Đảng bộ và các Chi bộ trực thuộc... Đối với công tác chuyên môn, Bệnh viện luôn tuân thủ quy chế văn hóa ứng xử, giao tiếp với người bệnh, cải cách thủ tục hành chính trong đón tiếp và khám bệnh cho bệnh nhân, duy trì chế độ giao ban chuyên môn hàng ngày. Kết quả, Bệnh viện đã khám cho 2.092 lượt bệnh nhân, tiến hành xét nghiệm 602 người, chụp XQ cho 710 người; điều trị 319 bệnh nhân, phẫu thuật chỉnh hình miễn phí hơn 300 ca, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ 185 ca và 100 ca phẫu thuật tai mũi họng; phục hồi chức năng thể chất cho 244 bệnh nhân; sản xuất 383 dụng cụ chỉnh hình,600 xe lăn, chi tiết nguội của xe lăn điện 100 xe; sản xuất 2.510 bàn chân cao su, 20 quả gai nhọn, 50 bộ nẹp Aten cỡ B, 200 bộ nẹp chân dưới mạ; phẫu thuật, chỉnh hình miễn phí cho hơn 300 bệnh nhân...
Bên cạnh đó, các hoạt động tài chính theo mô hình bệnh viện cũng được đơn vị quan tâm chú trọng như tăng cường nguồn thu, tiết kiệm chi tiêu để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đảm bảo tăng bình quân khoảng 400.000đồng/người/tháng. Hoàn thiện và đã được Bộ Y tế cấp phép hoạt động, phê duyệt danh mục kỹ thuật của Bệnh viện và đề nghị Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội ký hợp đồng khám, chữa bệnh đối với bệnh nhân có thẻ BHYT. Ngoài ra, Bệnh viện chú trọng đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, một mặt duy trì hợp tác quốc tế truyền thống, mặt khác tìm kiếm, khai thác hợp tác với các tổ chức mới như Octobock, Koca, Đại học Đài Loan và Nhật Bản.
Trong thời gian tới, số lượng và cơ cấu đối tượng thuộc diện được trợ giúp xã hội cần trợ giúp y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng tiếp tục có sự biến động, có xu hướng gia tăng do các nguyên nhân như: già hóa dân số, tình trạng rủi ro do biến đổi khí hậu, hạn hán, ngập lụt, do tác động của môi trường, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, sự tác động của nền kinh tế thị trường, quá trình đô thị hóa… Chính vì vậy, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, không ngừng nâng cao chất lượng các dịch vụ nhằm phục vụ bệnh nhân đến chỉnh hình, phục hồi chức năng. Chú trọng hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước về sản xuất dụng cụ chỉnh hình điều trị cho người khuyết tật chi thể và di chứng chấn thương; nghiên cứu sản xuất những loại nẹp chỉnh hình công nghệ cao dành cho mọi lứa tuổi và những biến thể xe lăn đa dạng chủng loại phù hợp với người khuyết tật tại Việt Nam. Tập trung nâng cao chất lượng và ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong điều trị hệ vận động, đồng thời nghiên cứu đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên lĩnh vực điều trị bệnh tự kỷ, âm ngữ… và phục hồi chức năng cho người cao tuổi. Tích cực tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ các đối tượng khuyết tật hệ vận động do bẩm sinh hoặc di chức bỏng, di chứng chấn thương… đặc biệt là đối tượng trẻ em ở vùng sâu vùng xa các tỉnh phía Bắc cần phải phẫu thuật chỉnh hình.
Chí Tâm
TAG: