An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Nam Định: Quan tâm chăm lo đời sống người cao tuổi
10:51 AM 30/09/2021
(LĐXH) Những năm qua, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh Nam Định đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách xã hội của Nhà nước, đồng thời huy động cộng đồng quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của NCT. Nhờ đó, NCT tỉnh Nam Định ngày càng có điều kiện phát huy vai trò trong cộng đồng, sống vui, sống khỏe, sống có ích.
Toàn tỉnh Nam Định hiện có trên 265 nghìn người cao tuổi (NCT), trong đó hơn 50 nghìn NCT hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, 44.260 NCT đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hơn 16 nghìn NCT khuyết tật, trên 12 nghìn NCT khuyết tật nặng, đặc biệt nặng... Những năm qua, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách xã hội đối với NCT. Qua đó, NCT ngày càng có điều kiện phát huy vai trò trong cộng đồng, thực hiện tốt phong trào thi đua “Tuổi cao gương sáng, sống vui, sống khỏe, sống có ích”.
Để nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của NCT, các cơ quan truyền thông của tỉnh và các huyện, thành phố thường xuyên tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật NCT, Chương trình hành động quốc gia về NCT của tỉnh, Tháng hành động vì NCT. Sở LĐ-TB và XH chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách, tổ chức lễ chúc thọ, mừng thọ cho NCT. Trong dịp Tết Nguyên đán 2021, toàn tỉnh có trên 32 nghìn NCT được chúc thọ, mừng thọ. Ngành LĐ-TB và XH lồng ghép kiểm tra việc thực hiện Luật NCT, Chương trình hành động vì NCT trong các nhiệm vụ chuyên môn; tổ chức kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với NCT trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội tại cộng đồng. Đến nay, 215 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã xây dựng được Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò NCT với tổng số tiền 38 tỷ 359 triệu đồng, sau khi chi phí qua các năm, hiện số dư còn 12 tỷ 827 triệu đồng. Để phát huy vai trò của NCT, nhiều hoạt động được các ngành chức năng triển khai đồng bộ. NCT được hướng dẫn, tạo điều kiện tham gia khôi phục nghề và dạy nghề truyền thống; cho vay tín dụng ưu đãi từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhiều NCT đã đầu tư sản xuất kinh doanh, xây dựng và phát triển các gia trại, trang trại, phát triển nghề truyền thống, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản... Tiêu biểu như ông Nguyễn Tiến Dũng ở tổ dân phố số 8, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) phát triển kinh tế sinh vật cảnh trên diện tích đất 3.000m2 với khoảng 70 cây thế hoàn thiện, trong đó có những cây trị giá vài trăm triệu đồng. Ông Phạm Ngọc Cầu (81 tuổi), xã Bạch Long (Giao Thủy) sở hữu vườn cây cảnh hàng trăm loại với giá trị kinh tế cao. Cùng với phát triển kinh tế, các địa phương đã phát huy vai trò NCT tích cực tham gia hoạt động xã hội. Từ năm 2016 đến nay toàn tỉnh có 17.964 NCT tham gia công tác Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, thanh tra nhân dân, hòa giải ở cơ sở; 75% NCT tham gia BCH Hội khuyến học các cấp. Đông đảo NCT là giáo viên đã nghỉ hưu tiếp tục tham gia giảng dạy tại các Trung tâm học tập cộng đồng. 
Người cao tuổi tập dưỡng sinh tăng cường sức khỏe
Công tác chăm sóc sức khỏe NCT có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều hoạt động thiết thực như: Tư vấn, bồi dưỡng kiến thức tự chăm sóc bản thân, nâng cao sức khoẻ đối với NCT; đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật của hệ thống dịch vụ y tế; khuyến khích hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí cho NCT; phát triển mạng lưới chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng cho NCT dựa vào cộng đồng; nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác tư vấn, chăm sóc NCT… Hiện nay, 100% NCT có thẻ bảo hiểm y tế. Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh đều áp dụng ưu tiên khám bệnh cho NCT. Trạm y tế các xã, phường, thị trấn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn NCT kỹ năng phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe tại nhà; có hồ sơ quản lý và theo dõi, khám sức khỏe định kỳ cho NCT. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã có 113.891 NCT được khám sức khỏe định kỳ và lập hồ sơ quản lý sức khỏe; 101.295 NCT được khám mắt miễn phí, 5.539 NCT được chữa mắt miễn phí với tổng số tiền 3 tỷ 292 triệu đồng. Nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, Hội NCT đã chú trọng chỉ đạo củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các loại hình câu lạc bộ NCT; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn xây dựng CLB dưỡng sinh thức vũ kinh, CLB Thái cực Trường sinh đạo, vũ điệu thể thao. Đến nay toàn tỉnh đã thành lập 1.679 CLB ở các loại hình với tổng số 70.890 NCT tham gia. Để các CLB dưỡng sinh tập luyện đúng cách, hiệu quả, Ban đại diện Hội NCT tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ chăm sóc và phát huy vai trò NCT (thuộc Trung ương Hội NCT Việt Nam) tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn các bài tập dưỡng sinh thức vũ kinh cho NCT các xã, phường, thị trấn. Các CLB văn nghệ, thơ, ca thu hút đông đảo NCT tham gia. Nhiều CLB, tổ, đội văn nghệ của NCT thường xuyên giao lưu, biểu diễn, tạo sân chơi bổ ích cho NCT. Đến nay, phong trào văn nghệ NCT đã phát triển mạnh ở thành phố Nam Định và các huyện: Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Mỹ Lộc... Ở thành phố Nam Định, ngoài 17 CLB văn nghệ NCT ở các phường, xã còn có hàng chục tổ, đội văn nghệ của NCT ở các khu dân cư, tổ dân phố. 
Theo dự tính đến năm 2030, NCT trên địa bàn tỉnh sẽ tăng lên khoảng 396.217 người, chiếm 19,75% dân số; tỷ lệ NCT phụ thuộc tăng lên khoảng 22,5%; mô hình gia đình truyền thống dần chuyển sang mô hình gia đình 2 thế hệ. Nhằm chăm sóc, nâng cao sức khỏe NCT (người từ đủ 60 tuổi trở lên), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe NCT tỉnh đến năm 2030 với các mục tiêu cụ thể như: NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 70%, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% năm 2025; 100% năm 2030; NCT có khả năng tự chăm sóc được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe đạt 50% năm 2025, 90% năm 2030; 100% NCT không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030; ít nhất 60% số xã, phường đạt tiêu chí môi trường thân thiện với NCT năm 2025 và duy trì đến năm 2030; hoàn thiện mô hình Trung tâm dưỡng lão theo hình thức xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe NCT năm 2030...
Để thực hiện các mục tiêu trên, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác chăm sóc sức khỏe NCT; đẩy mạnh tuyên truyền vận động thay đổi hành vi tạo môi trường xã hội ủng hộ và tham gia chăm sóc sức khỏe NCT. Củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống bệnh không lây nhiễm, khám chữa bệnh cho NCT; từng bước xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho NCT. Thực hiện tốt công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ làm công tác chăm sóc sức khỏe NCT. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách, pháp luật liên quan đến chăm sóc sức khỏe NCT; qua đó giúp NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích cho xã hội./.
Quang Tuấn

                        

 

 

TAG:
Tin khác
Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh: Tích cực sàng lọc, trị liệu tâm lý đối với trẻ tự kỷ
Quảng Ninh: Tập trung thực hiện công tác cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai
Bắc Giang: Tăng cường các hoạt động công tác xã hội trong chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Bắc Giang: Đặt mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 50% số cơ sở trợ giúp xã hội có cung cấp dịch vụ công tác xã hội
Bắc Giang: Nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe người dân
Nhiều hoạt động tri ân thiết thực ở huyện Trực Ninh
Cơ sở Chăm sóc người tâm thần tỉnh Bắc Giang: Nơi gửi gắm niềm tin
Xã Trực Thanh thực hiện tốt chính sách đối với người có công
Nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái tỉnh Quảng Ninh