Một số vấn đề về công tác điều dưỡng người có công với cách mạng
Công tác điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công với cách mạng là một trong những chính sách lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta. Nghị quyết đại hội XII của Đảng đã xác định “Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước; bảo đảm người có công có mức sống trung bình trở lên”.
Trong những năm qua kể từ khi thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (số 04/2012/UBTVQH13), Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/04/2013 của Chính phủ, Thông tư liên tịch số 13/2014/TT-BLĐTBXH-BTC ngày 03/06/2014 của liên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành đã tham mưu cho UBND các cấp thực hiện tốt công tác điều dưỡng đối với người có công.
Về mặt tổng quan, công tác điều dưỡng người có công là rất thiết thực, mỗi đợt đi điều dưỡng, ngoài việc nâng cao sức khỏe còn là dịp để ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của dân tộc, từ đó đối tượng có điều kiện được giao lưu, gặp gỡ đồng đội, thăm chiến trường xưa, được được tham quan các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, các căn cứ kháng chiến cũ ... Nhờ đó, sức khỏe và tinh thần của các đối tượng người có công được nâng lên rõ rệt, từ đó giúp họ tiếp tục sống vui, sống khỏe, sống thọ, sống có ích, tiếp lửa cho thế hệ trẻ tiếp tục sự nghiệp cách mạng của Đảng. Qua điều dưỡng đã bù đắp được một phần nào những nỗi đau, mất mát do chiến tranh để lại sau hơn 40 năm thống nhất đất nước; đồng thời cũng là thông điệp cho họ biết Đảng và Nhà nước luôn chăm lo, quan tâm đối với những người có công với cách mạng, đó cũng là việc thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện công tác điều dưỡng người có công hiện nay đã phát sinh một số vấn đề, đó là:
- Đa số các Trung tâm điều dưỡng hiện nay, bao gồm cả các Trung tâm do Bộ làm chủ quản và các Trung tâm do địa phương đang quản lý đều đã xuống cấp, một số đơn vị được đặt tại các thành phố lớn và là trung tâm du lịch đã trở nên quá tải, số giường hiện có không đủ đáp ứng yêu cầu điều dưỡng về số lượng đối tượng cho các tỉnh thành, dẫn đến việc nhiều địa phương đưa đối tượng đi điều dưỡng nhưng phải ký hợp đồng với các công ty du lịch để bố trí cho đối tượng ở bên ngoài, dẫn đến việc không đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu đặt ra trong công tác điều dưỡng.
- Số lượng các Trung tâm điều dưỡng không ít, nhưng phân bố không đồng đều dẫn đến mất cân đối giữa các vùng miền và khu vực, điều này làm tăng chi ngân sách trong công tác phục vụ và chi trả cho các dịch vụ kèm theo, chưa nói đến việc do công tác quy hoạch chưa tốt nên có những Trung tâm hiện nay mặc dù mới được thành lập, xây mới nhưng rất ít đối tượng đến điều dưỡng.
- Ở một số địa phương, cách thức tổ chức thực hiện việc lựa chọn đối tượng còn nhiều hạn chế, nhất là tại phường, xã, thị trấn khi lựa chọn đối tượng đi điều dưỡng chưa tạo được sự công bằng, người thì năm nào cũng được chọn, trong khi đó có người chờ đợi nhưng không đến lượt đành phải chọn giải pháp điều dưỡng tại nhà, hoặc do địa phương hằng năm chỉ điều dưỡng tập trung tại một địa điểm nhất định, gây nhàm chán cho đối tượng điều dưỡng. Trong khi đó, đối với đối tượng điều dưỡng tại nhà chỉ nhận được 50% số tiền điều dưỡng so với điều dưỡng tập trung là quá ít, gây tâm lý so bì giữa các đối tượng cùng thụ hưởng chính sách với nhau.
- Hiện nay, do nhu cầu điều dưỡng của các đối tượng ngày càng tăng, rất nhiều tỉnh, thành đang đề nghị được xây dựng mới Trung tâm điều dưỡng tại địa phương mình, trong khi nhiều Trung tâm điều dưỡng hiện có đã xuống cấp, cần kinh phí để cải tạo, nâng cấp, sửa chữa. Trong bối cảnh đất nước ta vừa bước ra khỏi các quốc gia kém phát triển, GDP bình quân đầu người năm 2015 chỉ đạt khoảng 2.200 USD và thuộc tốp các nước có mức thu nhập trung bình thấp, đồng thời Nhà nước cũng đang rất cần vốn để đầu tư cho phát triển, đầu tư cho con người như tăng lương cho công chức, viên chức và người lao động, lực lương vũ trang, tăng trợ cấp cho đối tượng chính sách..., thì việc bố trí kinh phí cho việc xây mới các Trung tâm điều dưỡng là rất khó khăn.
- Về tổng thể, hiện nay hầu hết các Trung tâm điều dưỡng đang hoạt động một cách manh mún, chưa có sự thống nhất về tổ chức bộ máy và quy chế hoạt động chung cho cả hệ thống, có nơi hoạt động theo cơ chế tự chủ 100%, có nơi chỉ tự chủ một phần, phần kinh phí còn lại do ngân sách chi trả. Do vậy, dẫn đến việc nhiều Trung tâm hoặc không đủ số lượng biên chế để hoạt động hoặc không dám mạnh dạn thực hiện các dịch vụ kèm theo để đáp ứng yêu cầu của đối tượng và đảm bảo chi thường xuyên cho hoạt động của Trung tâm mình.
Từ những vấn đề nêu trên, để thực hiện tốt hơn nữa công tác điều dưỡng người có công, ngoài các quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị định 31/2013/NĐ-CP và Thông tư liện tịch số 13/2014/TT-BLĐTBXH-BTC, theo chúng tôi cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương cần quan tâm nhiều hơn nữa trong công tác chăm lo đời sống cả về vật chất và tinh thần cho người có công, trong đó ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần phát huy hơn nữa vai trò tham mưu để phấn đấu người có công có mức sống trung bình đến cao hơn tại nơi cư trú, không để họ nghèo và tái nghèo.
Hai là, khuyến khích các đối tượng đi điều dưỡng tập trung, nếu vì lý do nào đó mà không thể đi được thì được điều dưỡng tại nhà nhưng vẫn được nhận đủ số tiền 2.220.000đ (đối tượng phải cam kết sử dụng đúng mục đích). Nghiên cứu điều chỉnh tăng mức điều dưỡng theo hướng linh hoạt bằng 02 lần mức lương tối thiểu cơ sở do Chính phủ quy định. Thường xuyên thay đổi địa điểm điều dưỡng để tránh nhàm chán cho đối tượng.
Ba là, cần xem xét lại công tác quy hoạch mạng lưới các Trung tâm điều dưỡng trong cả nước, chỉ nên mở rộng quy mô và nâng cấp đối với các Trung tâm tại các địa điểm du lịch, hoặc tại các địa phương có danh lam, thắng cảnh để nâng cao hiệu quả cho công tác điều dưỡng. Nên chăng, quy hoạch hệ thống các Trung tâm theo Vùng hoặc khu vực để Nhà nước tập trung nguồn lực đầu tư có hiệu quả. Đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa lĩnh vực này để Nhà nước bớt đi gánh nặng ngân sách, tập trung nguồn lực cho việc nâng mức trợ cấp và hỗ trợ cho các đối tượng.
Bốn là, bổ sung chức năng chăm sóc người có công với cách mạng có hoàn cảnh neo đơn, không nơi nương tựa cho Trung tâm bảo trợ xã hội các tỉnh, thành nhưng phải bố trí khu ăn, ở, đi lại, vui chơi giải trí, văn hóa, thể dục, thể thao... riêng (không chung với các đối tượng bảo trợ xã hội khác) để Đảng và Nhà nước có điều kiện chăm lo cho người có công cách mạng được tốt hơn.
Năm là, chuyển đổi các Trung tâm điều dưỡng người có công các tỉnh từ loại hình do Nhà nước bảo đảm chi phí thường xuyên sang loại hình tự chủ về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên theo Điều 13 Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Cần sớm ban hành quy định về cơ cấu tổ chức và Quy chế hoạt động chung, thống nhất trong cả nước cho hệ thống các Trung tâm điều dưỡng để thống nhất quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động./.
Phạm Anh Thắng
Phó trưởng đại diện Văn phòng Bộ tại TP. Hồ Chí Minh
TAG: