Nghiên cứu - trao đổi
Trang chủ / Nghiên cứu - trao đổi / Nghiên cứu - trao đổi
Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng lao động giúp việc gia đình
08:55 AM 02/08/2017
(LĐXH) - Lao động giúp việc gia đình là một nghề xuất hiện rất lâu và ngày càng phổ biến trong xã hội Việt Nam hiện nay. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Quốc gia Dự báo và Thông tin thị trường lao động, tính đến năm 2010, Việt Nam có khoảng 200.000 lao động giúp việc gia đình (LĐGVGĐ) và nhu cầu đối với loại hình lao động này đang ngày càng gia tăng, đặc biệt ở các thành phố lớn, dự kiến đến năm 2020 lực lượng lao động này có thể tới 350.000 người.

Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã ghi nhận quan hệ lao động giúp việc gia đình, trong đó có vấn đề hợp đồng lao động (HĐLĐ) giúp việc gia đình. HĐLĐ là sự thoả thuận giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động (Điều 15 BLLĐ năm 2012). Công việc giúp việc gia đình có một số tính chất đặc trưng như lặt vặt, khó tách biệt thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, môi trường làm việc khép kín, NLĐ thường sống cùng nhà với nhà chủ… Do đó, hợp đồng lao động giúp việc gia đình là một dạng HĐLĐ có tính đặc thù so với những HĐLĐ khác. Pháp luật quy định về HĐLĐ giúp việc gia đình cũng có một số khác biệt với những HĐLĐ khác thể hiện qua những quy định về chủ thể, hình thức, nội dung, giao kết, thực hiện và chấm dứt HĐLĐ.

Pháp luật lao động Việt Nam về hợp đồng lao động giúp việc gia đình

Chủ thể của hợp đồng lao động

Chủ thể của HĐLĐ giúp việc gia đình bao gồm: NSDLĐ và NLĐ. Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình quy định người ký kết HĐLĐ bên phía NSDLĐ là người thuộc một trong các trường hợp sau: Chủ hộ; người được chủ hộ hoặc các chủ hộ ủy quyền hợp pháp; người được các thành viên trong hộ gia đình hoặc các hộ gia đình ủy quyền hợp pháp. Những người này phải đảm bảo phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 19/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 27/20014/NĐ-CP).

Việc triển khai ký kết và thực hiện hợp đồng lao động giúp việc gia đình trong thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn

Người lao động kí HĐLĐ phải đủ 18 tuổi trở lên, đối với những người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi thì khi kí HĐLĐ phải có văn bản đồng ý của người đại diện theo pháp luật của NLĐ (khoản 2 Điều 4 Nghị định số 27/2014/NĐ-CP).

Như vậy, độ tuổi của NLĐ được làm công việc giúp việc gia đình bắt buộc phải từ đủ 15 tuổi trở lên, những người chưa đủ 15 tuổi thì tuyệt đối không được sử dụng để làm công việc này. Quy định này là hợp lý, bởi mặc dù công việc giúp việc gia đình là những việc nhẹ không đòi hỏi nhiều về sức khỏe và trình độ chuyên môn nhưng đây lại là công việc có không gian làm việc khép kín, khó xác định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi... nên NLĐ nhỏ tuổi rất dễ bị lạm dụng về thể chất và tinh thần, và khi bị xâm phạm các em rất khó để tự bảo vệ mình.

Hình thức của hợp đồng lao động

Theo BLLĐ 1994 thì lao động giúp việc gia đình và chủ sử dụng lao động có thể lựa chọn giao kết hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng miệng (khoản 1 Điều 139). Tuy nhiên, trên thực tế, các kết quả nghiên cứu đều cho thấy, trên 90% người giúp việc cho biết hình thức thỏa thuận công việc giúp việc gia đình của họ với gia chủ là bằng miệng. Việc không ký HĐLĐ đã dẫn đến tình trạng quyền lợi của các bên không được thực hiện như những thỏa thuận ban đầu, khi tranh chấp lao động xảy ra lại không có cơ sở để giải quyết.

Bộ luật Lao động 2012 quy định NSDLĐ và người giúp việc phải ký HĐLĐ, không phụ thuộc vào thời hạn của hợp đồng (khoản 1 Điều 180). Theo đó, người giúp việc và gia chủ khi giao kết HĐLĐ chỉ có duy nhất một lựa chọn là giao kết hợp đồng bằng văn bản. Quy định này trong BLLĐ 2012 hoàn toàn phù hợp với Điều 7 Công ước 189 của ILO, yêu cầu các quốc gia thành viên phải thực hiện những biện pháp nhằm đảm bảo rằng LĐGVGĐ phải được thực hiện thông qua “các hợp đồng bằng văn  bản theo quy định của pháp luật, pháp quy quốc gia hoặc thỏa ước tập thể”.

Tuy nhiên, hiện tại chưa có mẫu HĐLĐ cho công việc giúp việc gia đình. Muốn giao kết hợp đồng bằng văn bản thì NSDLĐ và NLĐ phải tự xây dựng nội dung hợp đồng hoặc sử dụng mẫu HĐLĐ dùng chung cho các ngành nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành. Điều đó sẽ gây khó khăn cho cả NSDLĐ và NLĐ nếu như họ không nắm được những quy định của BLLĐ về nội dung của HĐLĐ giúp việc gia đình.

Nội dung của hợp đồng lao động

Xuất phát từ tính chất và môi trường công việc giúp việc gia đình, Điều 7 Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định nội dung của HĐLĐ giúp việc gia đình không chỉ bao gồm nội dung HĐLĐ nói chung theo quy định tại khoản 1 Điều 23 BLLĐ 2012 mà còn bao gồm thêm một số nội dung khác như: Điều kiện ăn ở của NLĐ (nếu có); Tiền tàu xe về nơi cư trú khi chấm dứt HĐLĐ đúng thời hạn; Thời gian và mức chi phí hỗ trợ để NLĐ học văn hóa, học nghề (nếu có); Trách nhiệm bồi thường do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại về tài sản của NSDLĐ và những hành vi bị nghiêm cấm đối với mỗi bên. Tuy nhiên, hiện nay giữa các điều luật quy định về trả tiền tàu xe cho NLĐ khi chấm dứt HĐLĐ về nơi cư trú đang có sự mâu thuẫn. Cụ thể là khoản 3 Điều 7 Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định một trong những nội dung trong HĐLĐ giúp việc gia đình, hai bên cần thỏa thuận là “Tiền tàu xe về nơi cư trú khi chấm dứt HĐLĐ đúng thời hạn”; khoản 6 Điều 181 BLLĐ quy định NSDLĐ có nghĩa vụ Trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn”.

Có thể thấy, việc chấm dứt HĐLĐ đúng thời hạn hay trước thời hạn chỉ đúng với hợp đồng có xác định rõ thời điểm chấm dứt như HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng hoặc HĐLĐ không xác định thời hạn nhưng các bên có thỏa thuận về thời điểm chấm dứt hợp đồng. Như vậy, người giúp việc có thể được nhận tiền tàu xe về nơi cư trú nếu HĐLĐ mà họ ký kết có xác định rõ thời điểm chấm dứt hợp đồng. Bên cạnh đó, điểm đ khoản 1 Điều 10 Thông tư số 19/2014/TT-BLĐTBXH cũng quy định về vấn đề này như sau: NSDLĐ có nghĩa vụ trả Tiền tàu xe đi đường khi NLĐ về nơi cư trú, trừ trường hợp NLĐ làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn và hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đơn phương chấm dứt HĐLĐ”. Theo điều luật này thì NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ không xác định thời hạn mới được trả tiền tàu xe về nơi cư trú. Qua đó có thể thấy, cùng điều chỉnh một vấn đề nhưng những điều luật này đang mâu thuẫn với nhau.

Giao kết, thực hiện và chấm dứt HĐLĐ đối với lao động là người giúp việc gia đình.

Thứ nhất, cũng giống như HĐLĐ khác, khi giao kết HĐLĐ giúp việc gia đình thì NSDLĐ và NLĐ phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho nhau. Theo khoản 1 Điều 19 BLLĐ và điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định số 27/2014/NĐ-CP thì NSDLĐ phải cung cấp một số thông tin về: Công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động, vệ sinh lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, điều kiện ăn ở, đặc điểm của các thành viên, sinh hoạt của hộ gia đình… và những vấn đề khác khi NLĐ yêu cầu. Về phía NLĐ, họ phải cung cấp thông tin cho NSDLĐ về họ tên, tuổi, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, tình trạng sức khoẻ; số, nơi cấp, ngày cấp chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú, hoàn cảnh gia đình; họ và tên, địa chỉ của người báo tin khi cần thiết và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết HĐLĐ mà NSDLĐ yêu cầu. (Khoản 2 Điều 19 BLLĐ, khoản 2 Điều 6 Nghị định 27/2014/NĐ-CP).

Thứ hai, trong quá trình thực hiện HĐLĐ, yêu cầu NSDLĐ và NLĐ phải Thực hiện đầy đủ thỏa thuận đã giao kết trong HĐLĐ” (Khoản 1 Điều 181, khoản 1 Điều 182 BLLĐ). Bên cạnh đó, NSDLĐ phải tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người giúp việc gia đình, tạo cơ hội cho người giúp việc gia đình được tham gia học văn hóa, học nghề (khoản 3, khoản 5 Điều 181 BLLĐ); NSDLĐ không được ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình; Giao việc cho người giúp việc gia đình không theo HĐLĐ (khoản 1, khoản 2 Điều 183 BLLĐ).

Thứ ba, Bộ luật Lao động 2012 quy định về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ giúp việc gia đình nhưng các chủ thể phải thực hiện nghĩa vụ báo trước cho chủ thể bên kia 15 ngày (khoản 2 Điều 180 BLLĐ). Trong một số trường hợp đặc biệt thời gian báo trước có thể được rút ngắn là 03 ngày hoặc không phải báo trước (khoản 2, khoản 3 Điều 11 và khoản 2, khoản 3 Điều 12 Nghị định số 27/2014/NĐ-CP). Quy định về thời gian báo trước khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ giúp NLĐ chủ động tìm công việc mới, còn NSDLĐ cũng có thời gian tìm người giúp việc mới, qua đó sẽ không gây ảnh hưởng tới nếp sinh hoạt của gia đình.

Tuy nhiên, BLLĐ không quy định về trường hợp NLĐ, NSDLĐ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Do đó, có thể hiểu các chủ thể có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ giúp việc gia đình mà không cần lý do, từ đó dẫn đến việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ một cách tùy tiện, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên.

Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật lao động Việt Nam về HĐLĐ giúp việc gia đình.

Nhằm hoàn thiện quy định pháp luật lao động Việt Nam về HĐLĐ giúp việc gia đình, qua đó giúp cho quan hệ lao động giữa NLĐ và NSDLĐ được duy trì tốt hơn, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định sau:

Một là, Bộ LĐTBXH cần sớm ban hành mẫu HĐLĐ giúp việc gia đình, trong đó ghi nhận những quyền cơ bản của NLĐ giúp việc gia đình.

Hai là, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy định trong BLLĐ, Nghị định số 27/2014/NĐ-CP và Thông tư số 19/2014/TT-BLĐTBXH khi cùng điều chỉnh về vấn đề trả tiền tàu xe cho NLĐ khi chấm dứt HĐLĐ về nơi cư trú, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho NLĐ thì cần quy định NSDLĐ có nghĩa vụ trả tiền tàu xe cho NLĐ về nơi cư trú khi NLĐ chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật mà không phụ thuộc vào thời điểm chấm dứt HĐLĐ.

Ba là, tránh việc người giúp việc hay gia chủ chấm dứt HĐLĐ bất cứ khi nào họ muốn, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ thể bên kia thì BLLĐ cần bổ sung trường hợp người giúp việc được đơn phương chấm dứt HĐLĐ, trường hợp NSĐLĐ được đơn phương chấm dứt HĐLĐ và trường hợp NSDLĐ không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ với người giúp việc.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Bộ luật Lao động 2012.

[2]. Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (GFCD), 2013, “Báo cáo tóm tắt tổng quan tình hình lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam từ năm 2007 đến nay”

[3]. Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (GFCD), 2012, “Nghiên cứu về nhu cầu của người dân và xã hội về lao động giúp việc gia đình”.

Nguyễn Thị Thu Hường

Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên

 
TAG:
Tin khác
Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp
An toàn và sức khỏe của người lao động bị tác động nghiêm trọng bởi biển đổi khí hậu
An toàn vệ sinh thực phẩm trong kinh doanh ăn uống du lịch
Hoạt động du lịch với môi trường tự nhiên
Phát huy nguồn lực thực hiện tự chủ tài chính tại Trường Cao đẳng cơ điện và xây dựng Bắc Ninh
Thiết kế, chế tạo Bộ thực hành PLC phục vụ đào tạo nghề điện tử công nghiệp
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU trong bối cảnh thực thi EVFTA: Cơ hội và thách thức
Giải pháp phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước