Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Một số địa phương điển hình trong thực hiện chính sách đối với nữ giới
01:10 PM 08/10/2018
(LĐXH) - Những năm qua, các cấp tỉnh ủy, UBND các tỉnh thuộc nhiều địa phương trong cả nước đã luôn quan tâm chỉ đạo Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) tỉnh, các ngành, các địa phương thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác bình đẳng giới, VSTBPN.
Công tác bình đẳng giới, VSTBPN được triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh với nhiều hoạt động phong phú, tạo thuận lợi cho phụ nữ vươn lên trong học tập, lao động, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tích cực tham gia các lĩnh vực đời sống xã hội.
Thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới của Thủ tướng Chính phủ, ngày 27/6/2016, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 56/KH-UBND về thực hiện Chương trình quốc gia bình đẳng giới tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2020, chỉ đạo Ban VSTBPN tỉnh, các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp triển khai các hoạt động theo lĩnh vực ngành, địa phương phụ trách. Đẩy mạnh việc lồng ghép công tác bình đẳng giới vào nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, bồi dưỡng kiến thức về bình đẳng giới và VSTBPN cho cán bộ, nhân dân bằng nhiều hình thức như tuyên truyền lưu động, qua hệ thống phương tiện thông tin đại chúng hoặc các buổi tuyên truyền trực tiếp qua các cuộc họp của các đoàn thể, các buổi sinh hoạt thôn, khối phố.
LĐLĐ tỉnh Quảng Nam tập huấn cho cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì VSTBPN
Hằng năm, Ban VSTBPN tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức giới, kỹ năng lồng ghép giới và nghiệp vụ cho cán bộ, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và các huyện, thành phố, đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới. Đồng thời, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở các địa phương, đơn vị đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về bình đẳng giới, thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ; tạo điều kiện cho chị em nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức chuyên môn; đồng thời quan tâm tạo nguồn, quy hoạch, bồi dưỡng, giới thiệu cán bộ nữ có trình độ, năng lực vào vị trí chủ chốt.
Tại Cà Mau, sau  hơn 10 năm triển khai, thực hiện, Luật Bình đẳng giới đã đi vào cuộc sống và từng bước tạo được những chuyển biến tích cực, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em; tác động làm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân về quyền bình đẳng giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong từng gia đình và cộng đồng.
Cùng với đó, tỉnh còn tổ chức xây dựng thí điểm được 9 mô hình câu lạc bộ “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”, hình thành hơn 700 câu lạc bộ xây dựng gia đình phát triển bền vững. Hiện trong tỉnh có hơn 600 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và hơn 700 địa chỉ tin cậy. Các Ban VSTBPN từ tỉnh đến huyện đều được kiện toàn, củng cố, đảm bảo đủ điều kiện hoạt động tốt. Nhờ vậy, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành thời gian qua đã đào tạo cho hơn 700 lượt cán bộ, công chức, viên chức nữ. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ được các cấp, các ngành quan tâm.
Hiện nay, tại Cà Mau, nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về bình đẳng giới được nâng lên, phụ nữ được tôn trọng và đối xử bình đẳng hơn, địa vị của người phụ nữ trong xã hội và gia đình ngày càng được cải thiện. Đây chính là điều kiện, là yếu tố để tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng xã hội công bằng và văn minh.
Cùng với Nam Định, Cà Mau, tỉnh Hải Dương cũng là một trong những địa phương được đánh giá là thực hiện tốt về thực thi pháp luật cho lao động nữ. Cụ thể, để lao động nữ hiểu biết về chế độ chính sách liên quan trực tiếp đến họ, Công đoàn tỉnh Hải Dương đã biên soạn những slide để trình chiếu tại các khu công nghiệp với nội dung khá thiết thực, sát với thực tế, tuyên truyền, giao lưu, với các công nhân; tổ chức các buổi hỏi đáp về chế độ thai sản, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, thu hút người lao động.
Bên cạnh tuyên truyền, tỉnh Hải Dương còn có trung tâm tư vấn pháp luật và có chi hội luật gia thuộc Liên đoàn lao động tỉnh để tư vấn pháp luật cho người lao động. Công đoàn tỉnh thực hiện các tổ tư vấn pháp luật, tạp chí Công đoàn của tỉnh Hải Dương cũng có riêng một chuyên mục tư vấn pháp luật. Ngay tại những buổi tuyên truyền lưu động tại các nhà máy, các khu công nghiệp, Công đoàn tỉnh cũng đặt riêng một bàn tư vấn pháp luật để thực hiện tư vấn tại chỗ cho người lao động.
Tại Quảng Nam, hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong thời gian qua cũng khá phong phú, mang lại nhiều kết quả tích cực. Vai trò, vị trí của phụ nữ ngày càng được khẳng định hơn trong các hoạt động của xã hội cũng như trong cuộc sống gia đình.
Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Minh họa)
Cụ thể, trong những đợt vinh danh tấm gương phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, số lượng các chị đạt danh hiệu ngày một tăng. Nhiều chị đã khẳng định được vị trí của mình khi mạnh dạn tham gia các cuộc thi kiểm tra tay nghề, được doanh nghiệp xếp bậc thợ 7/7, được biểu dương khen thưởng, tạo động lực tiếp tục phấn đấu. Ngày càng có nhiều phụ nữ là lãnh đạo, hay nắm giữ các vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp. Và ở những doanh nghiệp do phụ nữ quản lý, công việc và thu nhập của công nhân, đặc biệt là công nhân nữ luôn được chăm lo chu đáo hơn, như Công ty CP May Trường Giang, Công ty TNHH Tuấn Đạt, Công ty Du lịch - dịch vụ Hội An...
Những năm qua, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được triển khai trong toàn tỉnh với nhiều hoạt động thu hút sự tham gia của cả nữ và nam giới. Những thông tin, chính sách pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình đã được đưa đến với đông đảo người dân bằng nhiều hình thức như tuyên truyền lưu động, qua hệ thống phương tiện thông tin đại chúng hoặc các buổi tuyên truyền trực tiếp, giải đáp thắc mắc của người dân, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt thôn, khối phố, chi bộ… Từ đó, người dân tiếp cận thông tin nhiều hơn, nam giới hiểu và sẻ chia với phụ nữ trong công việc gia đình, chăm sóc con cái, giúp phụ nữ có thời gian và yên tâm khi làm việc và tham gia các hoạt động xã hội.
Để sự bình đẳng về giới đi sâu vào đời sống, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, Công an tỉnh, Sở VH-TT&DL, Liên đoàn Lao động tỉnh… còn tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề “Để trở thành những ông bố, bà mẹ thành công”, “Nét đẹp văn hóa ứng xử” thu hút sự tham gia đông đảo của anh chị em. Các hội thi “Tìm hiểu chính sách, pháp luật bình đẳng giới”, “Những tấm gương phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của xã hội về bình đẳng giới. Hội phụ nữ các cấp còn thành lập được nhiều câu lạc bộ hoạt động khá hiệu quả, như câu lạc bộ “Gia đình bình đẳng”, “Phòng chống bạo lực gia đình”, “Mái ấm gia đình”, “Gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ tham chính”…
Nhiều năm qua, tỉnh cũng đã xây dựng mô hình ngăn ngừa và giảm tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại xã Tiên Châu (huyện Tiên Phước) đạt được nhiều kết quả. Trong đó, mỗi thôn của xã Tiên Châu có một câu lạc bộ, tổ phòng chống bạo lực giới với hàng chục gia đình tham gia, xây dựng các địa chỉ tin cậy và nhà tạm lánh đặt tại nhà trưởng thôn, công an viên. Cùng với đó, nhiều hoạt động, mô hình được triển khai trong thực tế đã giúp công tác bình đẳng giới được người dân biết rộng rãi hơn.
Về điển hình trong thực hiện chính sách, pháp luật đối với lao động nữ, Hà Tĩnh được coi là một địa phương có kết quả nổi bật. Hiện nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh có gần 718.500 lao động tham gia hoạt động kinh tế trên địa bàn, trong đó, lao động nữ chiếm 50,82%. Vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế ngày càng quan trọng. Đến nay, đã có gần 50.000 lao động nữ là chủ hộ kinh doanh cá thể, trên 5.000 mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Số doanh nghiệp do phụ nữ làm lãnh đạo tăng từ 10% (năm 2015) lên 16,5% (năm 2017)… Song song với đó, chất lượng nguồn nhân lực nữ ngày càng được nâng cao.
Bằng việc thực hiện quyết liệt các đề án, chính sách việc làm, trong vòng 10 năm qua, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 292.000 người (trong đó, 50,18% là nữ), xuất khẩu lao động 60.000 lượt người (chiếm 32%), hỗ trợ trên 91.000 lượt chị em vay vốn phát triển sản xuất với tổng số tiền 2.400 tỷ đồng.
Các cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, "Xây dựng mái ấm tình thương”… được triển khai sâu rộng, tạo nguồn nội lực lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Các cấp hội đã huy động hàng chục tỷ đồng hỗ trợ tu sửa, làm mới nhà ở cho chị em thuộc diện hộ nghèo; trao tặng các suất quà trị giá hơn chục tỷ đồng cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn…
Mặc dù còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế về chế độ cho lao động nữ nuôi con nhỏ, nhà trẻ cho con em công nhân, quy định làm thêm giờ, nhu cầu nhà ở cho lao động nữ, công tác hỗ trợ cho doanh nghiệp sử dụng đông lao động nữ… song nhìn chung, các địa phương đã ngày càng tại điều kiện tối đa triển khai thực hiện các đề án của Chính phủ liên quan đến lao động nữ; quan tâm đến yếu tố giới trong cơ cấu cán bộ, chính sách đối với lao động nữ, nữ giới nói chung; từng bước khắc phục khó khăn, bám sát tình hình thực tế để hoàn thành tốt các mục tiêu bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ nói chung trên địa bàn./.
Thục Quyên
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store
Xe mô tô, xe máy được phép cải tạo từ tháng 1/2025
Herbalife Việt Nam tài trợ Chương trình “Chào Năm Mới 2025” tại Hà Nội để khuyến khích lối sống năng động lành mạnh
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
Huyện Châu Phú: Thiết thực tri ân người có công với cách mạng
An Giang: Không còn hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng thuộc quy định giải quyết
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng