Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Long An: Tự hào những Mẹ Việt Nam Anh hùng
03:31 PM 26/04/2021
Dù chiến tranh đã qua đi nhưng vẫn còn đó những nỗi đau, nỗi mất mát lớn lao không có gì bù đắp được. Đó là nỗi đau mất chồng, mất con của các Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), những người đã nén đau thương, gạt nước mắt tiễn chồng, con lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc.
Chồng và con đều là liệt sĩ
Năm nay, Mẹ VNAH Trần Thị Mười, ngụ ấp 4, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An bước sang tuổi 87. Mẹ sống cùng người con trai lớn, con dâu và các cháu. Tuổi già, sức yếu, những chuyện về thời chiến mẹ không còn nhớ rõ nhưng mỗi khi nhắc đến chồng, con, mẹ lại xúc động. Chồng mất, mẹ quyết định không đi thêm bước nữa, vừa nuôi con, vừa tiếp tục tham gia cách mạng tại địa phương. Suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, gia đình mẹ còn là cơ sở nuôi giấu, che chở, bảo vệ cán bộ cách mạng.
Mẹ VNAH Trần Thị Mười chia sẻ: “Chồng mẹ (liệt sĩ Phạm Văn Bồn) hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, để lại cho mẹ 2 người con trai và 1 người con gái. Đến khi hòa bình lập lại, người con trai Phạm Văn On, khi ấy vừa tròn đôi mươi, đã nối tiếp truyền thống của gia đình, lên đường làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia. Và cũng trong năm ấy, con của mẹ đã nằm lại mãi nơi đất khách, quê người. Hôm nhận được tin con hy sinh, mẹ như đứt từng khúc ruột. Đau đớn lắm nhưng cũng tự hào lắm vì con trai của mẹ cũng như hàng vạn người con của các bà mẹ khác đã hy sinh vì nền hòa bình, độc lập của đất nước”. Ông Phạm Văn Đực - con trai lớn của mẹ Mười, bộc bạch: “Nghe mẹ kể lại, lúc đó, mẹ chịu biết bao vất vả. Chồng hy sinh, con còn nhỏ dại, một mình mẹ phải gồng gánh. Mẹ không quản ngày đêm, làm lụng quần quật, không kể cực khổ, để lo cho chúng tôi”.
 
Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Mười luôn tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình
Dù vẫn còn mang nặng những vết thương lòng do chiến tranh gây ra nhưng mẹ Mười luôn tự hào vì sự hy sinh của gia đình cho độc ,lập tự do và sự bình yên của Tổ quốc. Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của gia đình, học tập và làm theo gương sáng của mẹ, những người con của mẹ luôn tích cực lao động, sản xuất để phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Với những cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mẹ Mười được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ VNAH vào năm 2014.
Xuôi về “xứ sở thanh long”, theo chân công chức Lao động - Thương binh và Xã hội xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, chúng tôi đến thăm Mẹ VNAH Nguyễn Thị Chưởng, ngụ ấp Vĩnh Xuân B. Mẹ chia sẻ với chúng tôi, cả chồng và con mẹ đều là những anh hùng. Được biết, mẹ Chưởng có chồng là ông Nguyễn Văn Trùng và con là anh Nguyễn Văn Bé Hai đều hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hiện nay, mẹ sống cùng gia đình người con gái thứ 12 là chị Võ Thị Điệp.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Mười luôn tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình
 Mẹ nói, cả chồng và con trai của mẹ đều giác ngộ và đi theo cách mạng. Chồng mẹ trong một lần tham gia cuộc họp của du kích địa phương đã bị chỉ điểm và hy sinh khi đang trú ẩn dưới hầm. Và chỉ 1 năm sau, nỗi đau tiếp tục đến với mẹ một lần nữa khi con trai mẹ là liệt sĩ Nguyễn Văn Bé Hai cũng hy sinh trong một trận càn của địch. Mẹ Chưởng cho biết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt lắm, rất nhiều người đã hy sinh. So với những khó khăn, gian khổ mà đất nước đã phải trải qua thì sự đóng góp của gia đình mẹ chỉ là một phần nhỏ”.
Có thể thấy, dù phải chịu bao mất mát, đau thương nhưng mẹ Chưởng vẫn rất tự hào, vì chồng và con mẹ đã anh dũng hy sinh cho đất nước, dân tộc.
Thế hệ sau nỗ lực chăm lo
Rời nhà mẹ Chưởng, chúng tôi tiếp tục đến thăm Mẹ VNAH Lê Thị Hạnh (SN 1930), ngụ ấp Mương Chài, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc. Bước đến sân nhà, chúng tôi thấy mẹ Hạnh đang ngồi trò chuyện cùng cô cháu gái. Mẹ Hạnh nói, cuộc sống của mẹ bây giờ tốt lắm, nhờ sự tận tình chăm lo của con cháu trong gia đình và được Báo Long An nhận phụng dưỡng đến cuối đời.
Đã mấy mươi năm trôi qua nhưng mẹ vẫn chưa quên được nỗi đau ngày đó khi hay tin chồng và con gái mãi mãi không về. Chồng mẹ (liệt sĩ Nguyễn Văn Lệ) đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, còn người con gái (liệt sĩ Nguyễn Thị Đính) cũng ra đi mãi mãi trong một trận càn quét của địch khi đang làm giao liên tại Tân Tập. Nén nỗi đau mất chồng, mất con, mẹ cố gắng làm lụng để lo cuộc sống gia đình và đàn con thơ.
Công chức Lao động - Thương binh và Xã hội xã Dương Xuân Hội đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Chưởng (ở giữa)
Hòa bình lập lại, mẹ tiếp tục lao động, sản xuất để xây dựng cuộc sống mới. Lúc chiến tranh giặc giã mọi người đã anh dũng chiến đấu, không ngại hy sinh, thì trong cuộc sống đời thường mẹ cũng phải làm sao để vượt qua cái nghèo, cái đói. Với suy nghĩ ấy, mẹ cố gắng làm lụng, chẳng quản ngày đêm, khó nhọc. Dần dà, cuộc sống cũng ổn định, các con khôn lớn, trưởng thành. Ở tuổi 91, mẹ Hạnh vẫn khỏe mạnh, tươi vui với nụ cười thật đôn hậu vì mẹ luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự yêu quý, kính trọng của con cháu cũng như bà con lối xóm. Đối với mẹ, những điều đó rất đáng quý, đáng trân trọng và là nguồn động lực giúp mẹ sống vui, sống khỏe. Giờ đây, mẹ mong sao được sống lâu hơn để nhìn thấy quê hương ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng ấm no.
Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai, xác định công tác “Đền ơn đáp nghĩa” là nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, thời gian qua, Sở phối hợp các ngành và địa phương luôn quan tâm và kịp thời thực hiện nhiều nhiệm vụ liên quan đến công tác thương binh - liệt sĩ, chính sách ưu đãi đối với người có công cách mạng trong toàn tỉnh.
Hiện, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý trên 124.000 hồ sơ người có công, trong đó, có 5.335 Mẹ VNAH (148 mẹ còn sống). Công tác chăm lo các mẹ được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, trong đó, tập trung thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi của Nhà nước đối với các mẹ.
“Với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và sự hưởng ứng của nhân dân, phong trào chăm sóc người có công trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu. Trong đó, các chương trình: Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, chăm sóc thân nhân liệt sĩ, phụng dưỡng Mẹ VHAH,… được triển khai rộng khắp là những hoạt động cụ thể hóa truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc; đồng thời, đóng góp tích cực vào bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh” - bà Mai cho biết thêm.
Thế hệ trẻ hôm nay dù không biết đến đạn bom, không được tận mắt chứng kiến những đau thương, mất mát trong những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc nhưng mọi người đều hiểu rằng, cái giá của cuộc sống hôm nay là sự hy sinh của nhiều thế hệ trước, những nỗi đau, sự mất mát lớn lao của những người Mẹ VNAH như mẹ Mười, mẹ Chưởng, mẹ Hạnh./.

PV
 
TAG:
Tin khác
Trách nhiệm và nghĩa tình ở vùng đất cách mạng Trường Sơn
Cẩm Xuyên: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
Người thầy thuốc bước ra từ cửa phật, lan tỏa yêu thương giữa đời
Huyện Thạch Hà: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững
Đoàn công tác của Quỹ Châu Á thăm điểm giao dịch  xã và khách hàng vay vốn của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội
Vốn vay ưu đãi giúp người dân Hà Tĩnh vươn lên thoát nghèo bền vững
Mỗi học sinh là một đại sứ trong công cuộc phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ
Hà Giang: Nỗ lực giải phóng những “vùng đất chết” trả lại đất đai an toàn để phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Hỗ trợ nạn nhân mua bán người trở về tái hòa nhập xã hội bền vững