Lo ngại gia tăng chi phí khi thực hiện BHXH bắt buộc đối với lao động ngoài nước
(LĐXH) - Từ ngày 1/1/2018, người lao động làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng và lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phải tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nước ngoài lo lắng việc đóng BHXH bắt buộc đối với lao động nước ngoài sẽ khiến doanh nghiệp phải đóng BHXH 2 lần, làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Luật BHXH năm 2014 đã bổ sung quy định, từ ngày 1/1/2018, mở rộng đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc đối với người lao động (NLĐ) nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Theo đó, đối tượng áp dụng “là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ”.
Theo Dự thảo nghị định hướng dẫn một số điều của Luật BHXH, NLĐ là công dân nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên sẽ phải đóng BHXH bắt buộc. Các chế độ BHXH bắt buộc bao gồm: Ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp - tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất. Tiền lương tháng tính đóng BHXH gồm: Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định. Hàng tháng, NLĐ nước ngoài sẽ đóng BHXH với mức đóng 8% lương vào quỹ hưu trí và tử tuất. Người sử dụng lao động nước ngoài phải đóng tối đa bằng 18% tháng lương trả cho NLĐ, gồm: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; tối đa 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Còn nhiều vướng mắc
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng, phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của Tổ chức Lao động quốc tế thì việc xây dựng nghị định về thực hiện BHXH bắt buộc đối với lao động nước ngoài tại Việt Nam là cần thiết. Theo đó, BHXH bắt buộc đối với NLĐ nước ngoài đã được quy định cụ thể trong Luật BHXH 2014, nhằm bảo đảm bình đẳng, an sinh cho NLĐ nước ngoài tại Việt Nam; cũng như làm căn cứ trong các thỏa thuận song phương, đa phương để quyền lợi, chế độ BHXH của lao động nước ngoài tại các nước được thực hiện thống nhất, tương đồng...
Tuy nhiên, quy định này tới nay vẫn chưa thực hiện được do vấp phải sự phản ứng của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng như chưa có Nghị định hướng dẫn. Trước đó, các hiệp hội doanh nghiệp và nhiều chuyên gia kiến nghị chỉ nên áp dụng chế độ BHXH ngắn hạn hoặc nên áp dụng chế độ BHXH mang tính tự nguyện, không nên bắt buộc đối với lao động nước ngoài. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018, các nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài đều lo ngại rằng việc chi phí lao động tăng nhanh có thể làm giảm sức thu hút của Việt Nam như là một điểm đến đầu tư và khả năng tiếp tục tạo việc làm cho những người trẻ khi bước vào thị trường lao động sẽ bị ảnh hưởng.
Công văn số 384/BHXH-CSXH của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ngày 31 tháng 01 năm 2018 chỉ đạo các cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh chuẩn bị cho việc thu, giải quyết và chi trả chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam ngay khi Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn. Theo đó, mặc dù có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam vẫn tiếp tục bị trì hoãn cho đến khi ban hành nghị định chính thức của Chính phủ.
Việt Nam hiện đang hướng đến việc tham gia các thỏa thuận song phương với các quốc gia để giải quyết những vấn đề cho rằng quy định về bảo hiểm xã hội bắt buộc có thể buộc người lao động là công dân nước ngoài có nghĩa vụ phải cùng lúc đóng góp vào bảo hiểm xã hội tại hai quốc gia. Tuy nhiên, quá trình đàm phán có thể mất nhiều thời gian và nỗ lực.
Lo ngại gia tăng chi phí lao động
Cũng tại Diễn đàn, Hiệp hội doanh nghiệp các nước bày tỏ sự lo ngại việc tăng lương tại Việt Nam sẽ dẫn đến việc áp dụng các loại thuế phí cũng sẽ được tăng theo. Vì vậy, việc áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam sẽ dẫn đến tăng chi phí lao động của các công ty nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, làm giảm năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp và làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là điểm đến đầu tư.
Theo Dự thảo Nghị định, quy trình và thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động nước ngoài tại Việt Nam sẽ không khác so với thủ tục hiện đang áp dụng cho người lao động Việt Nam do Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định. Tuy nhiên, theo ông Karashima, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), đã có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bày tỏ lo lắng về sự gia tăng trong chi phí khi yêu cầu doanh nghiệp phải đóng BHXH cho lao động nước ngoài. Bởi gánh nặng của nhà tuyển dụng lao động về tiền BHXH tại Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các quốc gia láng giềng, gấp 1,9 lần so với Indonesia, 8,5 lần Philippines và 8,8 lần Thái Lan (trường hợp mức lương là 2.500 USD).
Để tránh việc người lao động nước ngoài buộc phải đóng tiền bảo hiểm 2 lần, đại diện JCCI đề xuất được áp dụng cơ chế loại trừ đối tượng đóng BHXH bắt buộc căn cứ theo đề nghị đối với những người lao động đã tham gia BHXH tại nước của họ.
Đồng thời, ông Karashima cũng cho rằng, việc áp dụng chế độ BHXH với người lao động nước ngoài nên thực hiện sau khi ký kết Hiệp định BHXH giữa hai nước. Ngay cả trong trường hợp cần thời gian chuẩn bị cho đến khi ký kết Hiệp định thì JCCI cũng mong muốn có thời gian chuẩn bị đầy đủ, ít nhất là trên 4 năm.
“Nhằm giảm gánh nặng của nhà tuyển dụng lao động, chúng tôi mong muốn thu hẹp phạm vi người lao động nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng bảo hiểm. Cụ thể, về tiêu chuẩn đánh giá người lao động nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng BHXH, ông cũng cho rằng trong bản dự thảo nghị định này, tiêu chuẩn đánh giá đối tượng áp dụng là “Có hợp đồng lao động tại Việt Nam”, nhưng trong số những lao động người nước ngoài đang ký hợp đồng lao động tại Việt Nam cũng bao gồm những người “Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp (biệt phái)” là đối tượng chính của việc đóng tiền BHXH 2 lần. Vì vậy, chúng tôi mong muốn tạo ra cơ chế loại trừ đối tượng áp dụng bảo hiểm dựa trên nguyện vọng của chính người lao động giống như trên và được thông báo bằng văn bản”, ông Karashima nhấn mạnh.
Hà Giang
TIN LIÊN QUAN
TAG: