Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Doãn Mậu Diệp tham dự và chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có ông Chang Hee Lee - Giám đốc ILO tại Hà Nội, đại diện lãnh đạo các vụ đơn vị của Bộ LĐ-TBXH, các Tổ chức quốc tế, đại diện lãnh đạo các Sở LĐ-TBXH, Liên đoàn Lao động động các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam; các Hiệp hội doanh nghiệp Viện nghiên cứu, Trường đại học và các chuyên gia…
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết: “Theo dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5/2019 và dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 10/2019. Thực hiện Nghị quyết đó thì Chính phủ đã phân công Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan chủ trì xây dựng dự án Bộ Luật lao động (sửa đổi). Trong lần sửa đổi của Bộ luật Lao động lần này sẽ chia thành 2 nhóm vấn đề: Nhóm thứ nhất: là những quy định về điều kiện và tiêu chuẩn lao động. Nhóm thứ hai là các vấn đề về quan hệ lao động. Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng và họp với nhiều chuyên gia để soạn thảo góp ý kiến, hình thành dự thảo số O về Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Theo Thứ trưởng, trong buổi hội thảo này sẽ tham vấn về nội dung sửa đổi, bổ sung về phần quan hệ lao động trong đó bao gồm: Tổ chức đại diện của người lao động(NLĐ); Cơ chế đối thoại tại nơi làm việc - Thương lượng tập thể và Giải quyết Tranh chấp lao động, đình công.
Trong nội dung sửa đổi về Tổ chức đại diện của NLĐ thì trong Nghị quyết số 06-NQ/TW4 Ban chấp hành trung ương khóa 12 đã có những nghị quyết riêng đó là sửa đổi của Bộ luật Lao động lần này phải phù hợp với Hiến pháp, trong đó đảm bảo quyền thành lập, gia nhập của và hoạt động của tổ chức đại diện của NLĐ phù hợp với quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường, Phù hợp với các cam kết theo các công ước của ILO cũng như phù hợp với những cam kết mà Việt Nam đã tham gia vào các hiệp định tự do thế giới mới.
Cũng trong phần sửa đổi về Tổ chức đại diện NLĐ cũng sẽ hình thành các tổ chức đại diện NLĐ tại doanh nghiệp mà không nằm trong tổ chức của Tổng LĐLĐ Việt Nam, chỉ hoạt động nhằm đại diện và quyền lợi ích hợp pháp chính đáng cho NLĐ trong phạm vi quan hệ lao động. Các tổ chức này sẽ không là tổ chức chính trị, không phải tổ chức của người sử dụng lao động và không bị người sử dụng lao động chi phối mà tổ chức này đại diện bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ trong quan hệ với người sử dụng lao động. Trong dự thảo của Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã có những quy định về những nội dung này.
Ông Chang Hee Lee - Giám đốc ILO tại Hà Nội phát biểu tại Hội thảo
Về cơ chế đối thoại tại nơi làm việc - Thương lượng tập thể thì trong bối cảnh nhiều tổ chức đại diện, công đoàn thì sửa đổi Bộ luật Lao động phải đảm bảo mọi nhóm lao động có quyền và có cơ hội tham gia đối thoại tại nơi làm việc; giải quyết đến những vấn đề liên quan đến quyền và khủng hoảng. Trong những quy định về Thương lượng tập thể thì một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra là những sửa đổi phải hướng đến sự tự chọn lựa mô hình thương lượng tập thể trong bối cảnh nhiều tổ chức đại diện phù hợp với đặc điểm của quan hệ lao động Việt Nam.
Về phần nội dung Tranh chấp lao động và đình công thì quy trình giải quyết chính sách lao động hiện nay sẽ có nhiều bước bắt buộc theo trình tự và theo quy định
Thứ trưởng cũng cho rằng: Những vấn đề sửa đổi bổ sung đều là những vấn đề mới, nhiều nội dung chưa từng được thực hiện tại Việt Nam nên chưa có kinh nghiệm. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung cũng phải nghiên cứu, thảo luận một cách kỹ lưỡng thận trọng.
Tại Hội thảo, ông Chang- Hee Lee - Giám đốc ILO tại Hà Nội cũng đã gửi lời chia sẻ, đánh giá cao, trân trọng những nỗ lực không ngừng nghỉ của Bộ LĐ-TB&XH, các lãnh đạo, chuyên viên trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động nhằm đạt đến mục tiêu là sẽ thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) trong tháng 10/2019.
Nếu mục tiêu này đạt được thì cũng là điều rất ý nghĩa bởi đây là dịp kỷ niệm 24 năm kể từ ngày thông qua Bộ luật Lao động vào năm 1994. Trong suốt quá trình đó, Bộ luật Lao động cũng đã đóng nhiều vai trò trong quá trình hỗ trợ chuyển đổi thị trường lao động, trong đó có điều chỉnh về quan hệ lao động .
Theo ông Chang- Hee Lee, lần sửa đổi lần này sẽ là giai đoạn quan trọng và cần thiết để có những sửa đổi phù hợp với quá trình chuyển đổi hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với các tiêu chí quốc tế”.
Bên cạnh đó, tại Hội thảo các đại biểu cũng được lắng nghe một số bài tham luận của đại diện các sở LĐ-TB&XH; Liên đoàn lao động; các doanh nghiệp tại TP.HCM cũng như các đóng góp, ý kiến xung quanh các vấn đề về cơ chế tham vấn/ đối thoại, thương lượng tập thể, tranh chấp lao động và đình công trong bối cảnh đa tổ chức đại diện. Nogài ra, tại Hội thảo, ông Ngô Hoàng – Vụ Hợp tác Quốc tế( Bộ LĐ-TB&XH) đã trình bày những vấn đề sửa đổi, bổ sung về tổ chức đại diện NLĐ trong dự thảo Bộ luật Lao động; Quyền thành lập, tên gọi, nguyên tắc và điều kiện, thủ tục, thẩm quyền đăng ký; Quy định về bảo vệ đối với NLĐ, cán bộ CĐ trước các hành vi phân biệt đối xử và can thiệp, thao túng của người sử dụng lao động; Quy định về các điều kiện, phương tiện cho các hoạt động của tổ chức đại diện NLĐ./.
Lê Việt