Lao động Hà Nội hồi hương đúng hạn sẽ tạo cơ hội cho người khác đi xuất khẩu lao động
(LĐXH)- Theo ước tính của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, thành phố đã có khoảng 4.300 người sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc (Chương trình EPS) về nước đúng hạn.
Trong số những lao động của Hà Nội hồi hương, ngoài được đánh giá cao về sự cần cù, chăm chỉ và thích nghi nhanh với công việc tại nước sở tại, thì việc về nước đúng hạn đã tạo cơ hội cho lao động khác có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc.
Sau gần 5 năm xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, tháng 3/2017, anh Nguyễn Hữu Tài (28 tuổi ở xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng) trở về nước. Tạm gác lại niềm vui sum vầy với gia đình, anh Tài quyết định đến hội chợ việc làm dành cho lao động đi theo Chương trình EPS về nước đúng hạn do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (thuộc Sở Lao động – TBXH) tổ chức để tìm kiếm một công việc phù hợp. Bởi theo anh, thị trường lao động tại quê nhà đang khá sôi động do có nhiều doanh Hàn Quốc đến Việt nam đầu tư. Mặc dù có thể thu nhập chưa cao bằng ở Hàn Quốc nhưng tại Việt Nam mức chi phí sinh hoạt cũng thấp mà lại được ở gần gia đình.
Còn lao động Bùi Tuấn Lâm (34 tuổi ở xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa), chia sẻ: Chính sách đối với người lao động làm việc theo chương trình EPS đều khuyến khích người lao động làm việc lâu dài tại doanh nghiệp, về nước đúng hạn khi hết hạn hợp đồng vì vậy tất cả những người lao về nước đúng hạn, nếu có nguyện vọng đều được đăng ký tham dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn trên máy tính để tái nhập cảnh hoặc trở lại quốc gia này làm việc sau 3 tháng mà không phải kiểm tra tiếng Hàn. Tuy nhiên, nhiều lao động vì lợi ích trước mắt bất chấp pháp luật ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp, nhưng họ không biết rằng đã tự đưa mình đối mặt với những rủi ro khó lường hết được. Ngoài việc bị truy quét, bắt giữ gắt gao của cơ quan chức năng phía Hàn Quốc, nhiều chủ sử dụng lao động bất hợp pháp còn chậm trễ tiền lương khiến lao động Việt Nam có nguy cơ mất hết tài sản, nếu bị bắt, quyền lợi của họ bị xem nhẹ. Đặc biệt, việc cư trú bất hợp pháp đã làm liên lụy, ảnh hưởng đến nhiều lao động khác của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng có nhu cầu xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc.
Nhận định về chất lượng nguồn lao động Việt Nam nói chung, lao động Hà Nội trở về từ Hàn Quốc, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám độc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết: Lao động từ Hàn Quốc về thường có tay nghề tốt, tác phong làm việc chuyên nghiệp và có vốn tiếng Hàn, giúp họ hòa nhập nhanh hơn và có thể cập nhật các công nghệ mới mà các công ty Hàn Quốc tại Việt Nam đưa ra. Đó cũng là lý do mà nhiều đơn vị, doanh nghiệp mong muốn tìm kiếm các ứng viên là lao động trở về từ Hàn Quốc. Chính vì vậy mà lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS trở về là tạo cơ hội, động viên, khuyến khích người lao động yên tâm về nước đúng quy định khi hết hạn hợp đồng.
Chí Tâm
TAG: