Dân tộc-Tôn giáo
Trang chủ / Xã hội / Dân tộc-Tôn giáo
Lâm Đồng: Triển khai đồng bộ và hiệu quả các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số
03:18 PM 09/11/2021
Trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách dân tộc đặc thù… Việc triển khai thực hiện tốt chính sách dân tộc đã tác động tích cực đến kinh tế của nhiều địa phương, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Mô hình trồng cấy ăn trái mang lại hiệu quả cao góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc tại huyện Đam Rông

Nhiều chính sách cho đồng bào dân tộc

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa IX) về công tác dân tộc, tại Lâm Đồng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân tộc thiểu số (DTTS) ngày càng được cải thiện. Cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa từng bước được đầu tư, sản xuất có bước phát triển. Công tác y tế, giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội được chú trọng... 

Thực hiện Nghị quyết 24, tỉnh ủy Lâm Đồng chỉ đạo quyết liệt các chính sách dân tộc phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với sự quyết tâm cao, người dân tích cực tham gia. Nhờ đó, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi tiếp tục chuyển đổi theo hướng phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng từng vùng và tập quán canh tác của đồng bào. Trình độ sản xuất của bà con có bước phát triển, xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả. Các chính sách đầu tư vùng đặc biệt khó khăn, vùng DTTS đã góp phần phát triển toàn diện vùng nông thôn DTTS. Qua đó, đồng bào các dân tộc thiểu số đã biết cách làm ăn, hạn chế tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, góp phần giảm khoảng cách về trình độ phát triển giữa các dân tộc, giữa các khu vực…

Trong những năm qua tỉnh Lâm Đồng có nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn

Để có được kết quả đó, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung ưu tiên thực hiện chính sách dân tộc ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tiếp tục ban hành các chính sách nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn ở vùng đồng bào DTTS. Cụ thể như chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; chính sách trợ giá giống cây trồng; chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS; hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh; Chương trình 135. Ngoài ra, các ngành, địa phương trong tỉnh còn tập trung chăm lo đến đời sống văn hóa tinh thần cho bà con vùng DTTS như thực hiện chính sách theo Quyết định 2085/QĐ-TTg về “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2025”. “Triển khai các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS”...

Cùng với các chính sách từ Trung ương, tỉnh Lâm Đồng cũng đã thông qua nhiều chính sách về dân tộc và vùng DTTS trên nhiều lĩnh vực. Các ngành, địa phương đã tập trung vận động, tuyên truyền người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh giảm 1%, riêng hộ nghèo đồng bào DTTS giảm 2%.

Về giáo dục, cơ sở vật chất từng bước được cải thiện, tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp tăng lên theo từng năm học, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học. Chất lượng dạy và học được củng cố, kết quả đầu tư tạo nền tảng phát triển giáo dục ngày càng tốt hơn. Đối với lĩnh vực y tế, các địa phương trong tỉnh đã đặc biệt quan tâm tới công tác đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, trong đó chú trọng đến vùng DTTS và vùng đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, các chính sách ưu đãi tín dụng, hỗ trợ nhà ở, giải quyết việc làm cho lao động người đồng bào DTTS, giao khoán quản lý bảo vệ rừng... tiếp tục được quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS.

Lâm Đồng: Triển khai đồng bộ và hiệu quả các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số

                                                                   

Đến nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả

Với nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số kịp thời và phù hợp, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nhận rộng nhiều mồ hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho bà con các dân tộc trên địa bàn. Điểm nổi bật trong thời gian qua là tại huyện Đạ Tẻh đã có nhiều mô hình sản xuất, góp phần giảm nghèo hiệu quả trong đồng bào dân tộc. Cụ thể như tại xã Mỹ Đức, huyện Đả Tẻh  đời sống của bà con nơi đây đã có nhiều khởi sắc, người dân trong buôn không còn những tháng ngày lam lũ, thiếu ăn thiếu mặc. Sư đổi thay này có được từ sau khi huyện Đạ Tẻh triển khai Dự án Cao su khu vực đồi Đất đỏ gắn với việc đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Năm 2012, được Nhà nước hỗ trợ hơn 62 ha cao su chia đều cho 60 hộ đồng bào buôn Con Ó. Chỉ tính riêng từ nguồn thu nhập cao su đã giúp cho người DTTS Thôn 8 có mức thu nhập từ khoảng 4 - 6 triệu đồng/tháng. Đến nay, tổng thu nhập bình quân đầu người của buôn Con Ó gần 38 triệu đồng/người/năm. 

Ông Lại Phước Thắng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đạ Tẻh cho biết: Là huyện kinh tế mới với nhiều thành phần dân tộc từ các tỉnh phía Bắc, huyện Đạ Tẻh hiện có 12.562 hộ/51.938 khẩu; trong đó, đồng bào DTTS trên toàn huyện có hơn 13 dân tộc, với 3.001 hộ/12.162 khẩu, chiếm 23,36%. Phần lớn đồng bào DTTS sống tập trung tại 5 thôn, buôn, tổ dân phố thuộc các xã Đạ Pal, An Nhơn, Mỹ Đức, Quốc Oai và thị trấn Đạ Tẻh. Trong thời gian qua, huyện luôn quan tâm và tạo điều kiện để người dân vùng DTTS tăng thu nhập nhờ chuyển đổi cây trồng. Riêng đối với dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, UBND huyện đã xây dựng các khu vực sản xuất tập trung để đầu tư, hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển sản xuất mà điển hình dự án tại đồi Đất đỏ xã Mỹ Đức đã hình thành vùng sản xuất cao su tập trung 65 ha; tại khu vực Trảng Cỏ xã Quốc Oai 120 ha cao su; tại buôn Tố Lan, xã An Nhơn trồng tre tầm vông 25 ha, cà phê 5 ha và phát triển một số mô hình kinh tế khác... nhằm nâng cao đời sống, đảm bảo tính ổn định, bền vững trong phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS của huyện.

Mô hình nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần ổn định cuộc sống cho người dân trên địa bàn các huyện nghèo ở Lâm Đồng

Hay như tại huyện Đam Rông là một huyện nghèo và đã triển khai nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho bà con các dân tộc trên địa bàn. Tiêu biểu nhất trong giai 2016 – 2020 là huyện đã tổ chức cho hộ nghèo, hộ nghèo đồng bào dân tộc sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt và nhân rộng mô hình giảm nghèo, với kinh phí là 6.914 triệu đồng, bao gồm: 2 mô hình Cánh đồng lúa mẫu tại xã Đạ M'Rông, 2 mô hình trồng nấm mèo và 27 mô hình nuôi dê bách thảo, cùng với các mô hình trồng bưởi da xanh, trồng dâu nuôi tằm, trồng và thâm canh cà phê ghép, cây sầu riêng, trồng xen canh cây Mác ca... cho 365 hộ, các mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, với nguồn vốn được bố trí 69.511triệu đồng cho 41.578 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo nhằm tạo điều kiện cho các hộ gia đình làm kinh tế vươn lên thoát nghèo hiệu quả. Từ các chương trình đầu tư hỗ trợ sản xuất, công tác khuyến nông, khuyến lâm, đến nay nhiều hộ đã biết áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng vật nuôi; một số mô hình đã được thực hiện có hiệu quả (năng suất lúa tăng từ 35 tạ/ha lên 45,5 tạ/ha; ngô từ 36 tạ/ha lên 50 tạ/ha; chăn nuôi gà (chu kỳ 03 tháng) cho thu nhập 8 triệu đồng - 10 triệu đồng/mô hình) bước đầu tạo điều kiện cho một bộ phận hộ nghèo có thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần ổn định kinh tế hộ gia đình và thoát nghèo bền vững.

Mô hình trồng chuối xuất khẩu mang lại kinh tế cao ở huyện Đam Rông được nhận rộng

Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, huyện Đam Rông đã tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp về kỹ thuật chăn nuôi bò, sửa chữa máy nông nghiệp, trồng và chăm sóc cà phê, dâu tằm… cho gần 1.100 lao động thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo… Ước tính hàng năm tỷ lệ đào tạo nghề cho lao động huyện Đam Rông đạt hơn 30%, tăng gần 1,5% so cùng kỳ. Trong giai đoạn 2009 – 2019, toàn huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn được 158 lớp/3.834 học viên, tổng kinh phí 5.018 triệu đồng, tập trung vào các ngành nghề đào tạo phù hợp với địa phương. Sau các khóa đào tạo đã có 90% học viên được giải quyết việc làm, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện đạt 30,1%. Đồng thời,  phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đưa 154 người sang làm việc có thời hạn ở nước ngoài tại các thị trường Malayxia, Ả rập,... đã tạo điều kiện cho lao động địa phương tiếp cận với công việc có thu nhập cao, ổn định, giải quyết việc làm bền vững cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.


Mô hình sản xuất trồng trọt góp hần giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc tại huyện Đam Rông

Theo đánh giá của huyện Đam Rông, qua 12 năm (2008 – 2020) triển khai thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ và các chính sách của tỉnh công tác giảm nghèo của địa phương đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, mặc dù điều kiện xuất phát điểm thấp và gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, Chính quyền, các cấp, các ngành và nhân dân huyện Đam Rông quyết tâm phấn đấu không ngừng để vươn lên thoát nghèo bền vững. Điểm nổi bật trong giai qua, là huyện đã thực hiện đột phá, tăng tốc nhiệm vụ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ với các nội dung được triển khai đồng bộ và quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm đã giúp cho hộ nghèo, cận nghèo nhất là người đồng bào DTTS có thêm tư liệu về sản xuất và thông qua nguồn vốn được bố trí để thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo đạt hiệu quả cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững. Nếu tính từ đầu năm 2016, huyện Đam Rông có 4.268 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 37,11%, hộ cận nghèo 1.281 hộ, chiếm  tỷ lệ 11,14%  thì đến cuối năm 2019, hộ nghèo còn 1.661 hộ, chiếm tỷ lệ 12,06%; hộ cận nghèo 3.260 hộ, chiếm tỷ lệ 23,67%. Bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện là 6,26%/năm, đạt so với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm theo mục tiêu của Chương trình 30a đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a.

Có thể nói, các Chương trình, chính sách của Trung ương và địa phương đã tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, đặc biệt là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến hết năm 2020, Lâm Đồng có 99/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với phát triển hạ tầng, thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng hướng đến việc xây dựng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả trong vùng đồng bào DTTS để bà con có điều kiện phát triển bền vững.

Hoàng Cảnh

 

TAG:
Tin khác
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
Đẩy mạnh trợ giúp, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật
Thành phố Long Xuyên: Đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn
Lan tỏa những câu chuyện về hành trình vượt khó và mô hình sinh kế cho phụ nữ bị mua bán trở về
Nhóm “Thiên Thanh” – Hành trình của 4 cô gái tài năng từ 4 miền quê Việt Nam
Huyện Phú Tân: Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng
An Giang: Tạo cơ hội cho mọi trẻ em đều được phát triển bình đẳng và toàn diện