An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Lâm Đồng: Nhìn lại kết quả giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số
04:17 PM 12/11/2019
(LĐXH) - Trong những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, theo đó tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, phù hợp tình hình thực tế và đặc điểm của địa phương; công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác giảm nghèo của cấp ủy và chính quyền tại các địa phương luôn quan tâm chú trọng, người dân đồng thuận và tích cực tham gia vào chương trình giảm nghèo.
Mô hình nuôi tằm góp hần giảm nghèo bền vững ở huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng

Đồng thời, tỉnh và các địa phương cũng tiếp tục ưu tiên đầu tư nhiều chương trình, dự án như: khuyến nông, khuyến nông, dạy nghề, xuất khẩu lao động, trợ cấp xã hội…, và đã tác động trực tiếp đến tăng thu nhập, nâng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần ngày càng nâng chất lượng cuộc sống của nhân dân trên nhiều mặt.

Giai đoạn 2016-2018, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, đầu năm 2016 toàn tỉnh có 20.094 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 6,67%, trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số 12.487 hộ, chiếm tỉ lệ 19,11%. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh còn 9.046 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 2,85%. Trong đó,  hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 6.008 hộ, tỉ lệ 8,50%. Bình quân mỗi năm toàn tỉnh giảm khoảng 3.000 hộ nghèo, tương đương với tỉ lệ giảm 1,27 %/năm, trong đó đồng bào dân tộc mỗi năm giảm khoảng 2.000 hộ (giảm 3,54%/năm).

Năm 2014, Lâm Đồng có 36 xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu theo Quyết định số 2405/QĐ-TTg ngày 10/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối năm 2018 còn 11 xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu theo Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/04/2017 như vậy trong 05 năm đã có 25 xã thoát khỏi tình trạng xã đặc biệt khó khăn.

Nhìn chung, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số có xu hướng giảm xuống (năm 2016 toàn tỉnh có 12 xã trên 30% hộ nghèo, đến cuối năm 2018 còn 4 xã của trên 30% hộ nghèo); các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số về giảm nghèo đã được đổi mới, vận dụng sáng tạo phù hợp hơn với tình hình thực tế từng địa phương, được đồng bào dân tộc thiểu số đồng tình ủng hộ; nhiều địa phương đã có cách làm hay, xây dựng được các mô hình phù hợp với điều kiện thực tiễn, giúp nhiều hộ dân tộc thiểu số thoát nghèo, vươn lên làm giàu; chính sách của Nhà nước đã giúp đồng bào ổn định nơi ở, phát triển sản xuất, mang các dịch vụ văn hóa, y tế, giáo dục, giao thông…, đến với người nghèo; thành tựu xóa đói, giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội.

Cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó được đầu tư và phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương, trao đổi hàng hóa. 100% đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số  sinh sống tại địa bàn các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn được mua bảo hiểm y tế. 100% trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông con hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được miễn giảm học phí và chi phí học tập. 100% số thôn dùng điện lưới quốc gia; 98,71% tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.Chính sách vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được triển khai kịp thời, giúp bà con có nguồn vốn để đầu tư, phát triển sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình. Hầu hết các xã có trạm y tế, trường học, bưu điện văn hóa được xây dựng kiên cố….

Để đạt được những kết quả nêu trên là nhờ được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương cùng với  nỗ lực quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lâm Đồng trong việc đề ra các giải pháp đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, của huyện, nhất  là tập trung vào các xã, thôn nghèo nhất của địa phương; linh hoạt trong chính sách hỗ trợ, tăng tính chủ động cho hộ nghèo phù hợp với khả năng về đất đai, lao động của từng hộ được hỗ trợ. Ngoài ra, chính quyền, đoàn thể các xã, thôn quan tâm đến người nghèo, thực hiện kịp thời, công khai các chính sách hỗ trợ. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã tích cực triển khai chương trình giảm nghèo đến đoàn viên, hội viên của mình, tạo ra phong trào rộng khắp hỗ trợ, giúp nhau trong sản xuất, xây dựng nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, giúp hộ nghèo vươn lên. Việc tham gia quá trình rà soát hộ nghèo, giám sát ngay từ cơ sở đã bảo đảm các chính sách kịp thời đến người nghèo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giảm nghèo ở tỉnh Lâm Đồng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện như: Tốc độ giảm nghèo giữa các khu vực trong tỉnh còn chênh lệch; tỉ lệ hộ nghèo tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn cao; đời sống của nhiều hộ nghèo còn thiếu thốn, khó khăn. Nguồn vốn ngân sách đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo còn hạn chế trong đầu tư cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng công trình, hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Việc huy động nguồn lực xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nhất là huy động nguồn vốn từ các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp....

Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo còn mang tính chia đều, cho không là chính, chưa khuyến khích người nghèo đối ứng, chưa hỗ trợ theo các nguyên nhân nghèo và khả năng từng hộ (tiền điện, chia đều vật tư hỗ trợ sản xuất, …). Việc lấy ý kiến người dân trong triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất chưa được coi trọng dẫn đến hiệu quả hỗ trợ chưa cao. Tình trạng di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc đến địa bàn sinh sống, việc phá rừng làm rẫy trái phép trong rừng sâu, tạo áp lực lớn trong công tác giảm nghèo gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Vì vậy, trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, góp phần phát triển bền vững, tỉnh Lâm Đồng  tiếp tục đề ra một số giải pháp cơ bản nhằm đẩy mạnh công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt kế họach và mục tiêu đề ra trong giam đoạn mới như:

Một là: Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững đến các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo; tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Hai là: Triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách giảm nghèo chung (y tế, giáo dục, dạy nghề, vay vốn ưu đãi, nhà ở, …) nhằm từng bước cải thiện điều kiện sống, cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của nhóm nghèo nhất, đồng bào dân tộc vùng đặc biệt khó khăn. Tiếp tục quan tâm, theo dõi, hỗ trợ hộ vừa thoát nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thông qua ưu tiên dạy nghề, giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước; hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ đất sản xuất, …

Ba là: Triển khai thực hiện lồng ghép hiệu quả chính sách hỗ trợ sản xuất tại các vùng nghèo của tỉnh theo Nghị quyết 67/2017/NQ-HĐND gắn với Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Lồng ghép hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới với chương trình giảm nghèo bền vững nhằm tạo việc làm, thu nhập cho người nghèo thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng; không huy động đóng góp của gia đình nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

Bốn là: Các sở, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế của địa phương để xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm của giai đoạn 2018 - 2020 nhằm  huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, giảm mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo từ các chương trình, dự án của các ngành, đóng góp của các tổ chức và cá nhân. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá chặt chẽ việc tổ chức thực hiện các chính sách của chương trình giảm nghèo; lấy ý kiến người nghèo, cán bộ xã, thôn trong đánh giá chính sách, điều chỉnh kịp thời các chính sách của địa phương nhằm gắn công tác giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn một cách hiệu quả.

Trần Tuấn

Trưởng phòng BTXH và Bảo vệ, chăm sóc trẻ em

TAG:
Tin khác
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%
BHXH TP.HCM không tổ chức làm việc ngoài giời vào sáng 11/1/2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà Tết Ất Tỵ đối tượng chính sách khó khăn huyện Lý Nhân
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Dành những điều tốt nhất đối với người có công bằng trách nhiệm tri ân
Hoa quả Phương Toản tặng bánh chưng cho khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2025
Ninh Thuận: Đa dạng các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo
Chiếc Jaecoo J7 PHEV Nguyễn Xuân Son được tặng có gì đặc biệt?
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại