Dân tộc-Tôn giáo
Trang chủ / Xã hội / Dân tộc-Tôn giáo
Lai Châu chú trọng phát triển đội ngũ những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
05:04 PM 01/10/2021
(LĐXH)-Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, có vị trí chiến lược quan trọng. Toàn tỉnh có 20 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%. Với địa bàn rộng, kết cấu hạ tầng giao thông đi lại khó khăn, việc tiếp cận thông tin đại chúng còn hạn chế nên trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thấp, kéo theo kinh tế chậm phát triển. Từ đó, tiềm ẩn nguy cơ các thế lực thù địch sẽ lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền, lôi kéo, kích động bà con, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Để tạo nên sự đoàn kết, sự gắn bó giữa cấp ủy, chính quyền với người dân địa phương, huy động sức mạnh trong nhân dân, động viên đồng bào các DTTS phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống và giữ gìn bản sắc dân tộc, tỉnh Lai Châu luôn phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS.
Thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 03 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Lai Châu ngay sau đó đã ra Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 27 tháng 9 năm 2018 của UBND tỉnh Lai Châu ban hành quy định về thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lai; Quyết định số 100 ngày 06/02/2020 của UBND tỉnh Lai Châu phê duyệt danh sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu giai đoạn 2019-2023. Theo đó, tổng số người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu giai đoạn 2019-2023 là 924 người, trong đó có 899 nam và 25 nữ.
Ông Nhị (áo trắng) - người có uy tín bản Hùng Pèng (xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ) động viên bà con dân bản chăm chỉ làm ăn và chấp hành tốt các quy định của địa phương 
Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS, hằng năm tỉnh Lai Châu đều tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về tình hình kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có uy tín. Phát hiện, bồi dưỡng, nêu gương, khen thưởng những người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.  Phân công, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, hiểu biết về phong tục tập quán, về tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là hiểu tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc, phong cách gần gũi, gắn bó, tận tâm với nhiệm vụ, có kinh nghiệm tin cậy để làm công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người có uy tín tham gia các hoạt động góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính vì vậy, nhiều năm qua, người có uy tín tỉnh Lai Châu đã thực sự còn là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân; nhiều người đã góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên và phối hợp với cấp ủy, chính quyền, MTTQ giám sát việc thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước và các chính sách dân tộc. Họ đã nâng cao cảnh giác, đấu tranh trước mọi âm mưu kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch. Đặc biệt, người uy tín ở các thôn cùng với các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở tuyên truyền,  tích cực vận động người dân hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế vươn lên làm giàu, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Với lời nói đi đôi với việc làm, nhiều người có uy tín đã trở thành gương sáng cho cộng đồng học hỏi, làm theo. Tại huyện Phong Thổ hiện có 171 người có uy tín, tiêu biểu có ông Bùi Văn Hợi (61 tuổi) - người có uy tín tổ dân phố Hòa Bình, thị trấn Phong Thổ (huyện Phong Thổ), là người luôn tận tậm và gầm gũi với bà con dân tộc. Tại thời điểm này, tỉnh Lai Châu được xác định là “vùng xanh” so với nhiều địa phương trong cả nước về phòng, chống dịch Covid-19 song hằng ngày ông Hợi vẫn tuyên truyền, nhắc nhở người dân trong tổ thực hiện tốt biện pháp 5K phòng, chống dịch.  Đảm nhiệm vai trò này trong năm qua qua, ông Hợi nhiều lần đã hóa giải thành công nhiều vụ việc phức tạp, nhiều khi tưởng như không có hồi kết của người dân trên địa bàn. Mới tháng 6 vừa qua, ở tổ ông có 2 hộ là người dân tộc Thái nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đất. Tuy nhiên họ vẫn cố gắng bám trụ lại và họ nhất quyết không muốn di dời khỏi đây bởi trong số này có hộ đang xây dựng nhà kiên cố. Hơn nữa nếu chuyển đi, họ sẽ bị xáo trộn cuộc sống và phát sinh thêm nhiều chi phí phải lo toan cho nơi ở mới. Đứng trước tình huống này, ông Hợi đã phối hợp cùng lãnh đạo cấp ủy, chính quyền thị trấn trực tiếp xuống vận động, tuyên truyền, giải thích cặn kẽ về sự biến đổi của khí hậu nhằm tác động tới tâm lý của bà con. Sau hơn 1 tháng kiên trì vận động, 2 hộ đã nhất trí di chuyển đến nơi ở an toàn. Đặc biệt, ông còn vận động nhân dân trong tổ góp tiền, giúp đỡ 2 hộ ngày công vận chuyển đồ đạc.
Còn ông Lý A Nhị - người có uy tín ở bản Hùng Pèng (xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ) năm nay gần 70 tuổi song vẫn cùng vợ chăm chỉ trồng trọt, chăn nuôi bởi không muốn phụ thuộc vào các con. Những bao ngô vàng óng chất đầy hiên nhà là thành quả của vợ chồng già. Mỗi năm ông bà trồng 5.000 m2 ngô, 3 sào khoai sọ; chăm sóc 300 cây cao su, hơn 1ha chuối. Hiện nay, cao su đã cho thu hoạch mủ. Ông cho biết thêm, năm nay chuối bị sâu bệnh nên tôi phá đi, tới đây ông dự định sẽ trồng thay thế cây mía. Bình quân một năm, thu nhập của 2 vợ chồng được hơn 70 triệu đồng. Với sức khỏe và độ tuổi như vợ chồng ông Nhị, làm ra số tiền đó quả không dễ dàng chút nào. Sự chăm chỉ, cần cù lao động của ông Nhị được con cháu và người dân trong bản vô cùng nể phục và muốn noi theo.
Ông La Văn Sơ (người có uy tín ở bản Nậm Manh, xã Nậm Manh) luôn gần gũi và tích cực động viên bà con dân tộc thực hiện tốt các chính sách pháp luật của Nhà nước 
Hay tại Huyện Nậm Nhùn hiện có 66 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Họ là những già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, bí thư chi bộ, cán bộ nghỉ hưu, điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi; những cá nhân tiên phong, đi đầu trong các phong trào của địa phương. Tiêu biểu có ông La Văn Sơ (dân tộc Khơ Mú ở bản Nậm Manh, xã Nậm Manh) cũng luôn được người dân quý trọng. Ông luôn tích cực vận động nhân dân trong bản chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tập trung phát triển kinh tế, xây dựng gia đình, bản văn hóa, xóa bỏ các hủ tục, tư tưởng trông chờ ỷ lại. Huy động Nhân dân đóng góp sức lao động và tiền để làm đường điện sáng nông thôn, tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.
Để các chương trình, dự án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Lai Châu trong thời gian tới thực sự đi vào cuộc sống, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, chắc chắn sẽ cần một phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ những người có uy tín trong đồng bào các DTTS toàn tỉnh. Chính vì vậy, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện cho đội ngũ những người có uy tín hoạt động để họ ngày càng phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh./.
Mỹ Hạnh
TAG:
Tin khác
Từ 1/7, người đủ 75 tuổi sẽ nhận trợ cấp hưu trí 500.000 đồng/tháng
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025
Chuyến xe yêu thương dành cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Xe ôm công nghệ tắt app, kiếm tiền triệu nhờ vận chuyển cây cảnh dịp Tết
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức họp mặt chúc tết cán bộ hưu trí của Sở qua các thời kỳ
Hưng Yên: Thực hiện kịp thời trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 64.000 đối tượng
Năm 2030 sẽ triển khai tàu khách tốc độ 120 km/h
Nhộn nhịp chợ hoa Quảng An, Hà Nội ngày cận Tết Ất Tỵ 2025
Hội chợ Tết 3 miền Xuân Ất Tỵ: “Đậm tình nguồn cội, Trọn nghĩa yêu thương”