Kỷ niệm 15 năm chương trình Giải thưởng L'Oréal-UNESCO Vì sự phát triển Phụ nữ trong Khoa học tại Việt Nam
(LĐXH)- Ngày 9/9/2024, tại Ngôi nhà Xanh Một Liên Hợp Quốc (304, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) diễn ra sự kiện kỷ niệm 15 năm hành trình tại Việt Nam của Chương trình Giải thưởng khoa học L’Oréal – Unesco "Vì sự phát triển Phụ nữ trong Khoa học” với sứ mệnh thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp nghiên cứu.
Buổi lễ được tổ chức cũng nhằm để tôn vinh 38 nhà khoa học nữ xuất sắc của Việt Nam đã nhận Giải thưởng khoa học L’Oréal – Unesco "Vì sự phát triển Phụ nữ trong Khoa học" từ năm 2009 đến năm 2023.
Trong khuôn khổ hợp tác giữa UNESCO và Quỹ L'Oréal Foundation, Giải thưởng L'Oréal-UNESCO “Vì sự phát triển Phụ nữ trong Khoa học” được lập ra để tôn vinh các nhà khoa học nữ có thành tựu xuất sắc, đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực nghiên cứu. Đây cũng là cách thúc đẩy nhân lực và năng lực khoa học để giải quyết các thách thức lớn của thời đại.
Chương trình Giải thưởng khoa học L’Oréal – Unesco "Vì sự phát triển Phụ nữ trong Khoa học" hàng năm quy tụ những nhà khoa học nữ Việt Nam ưu tú, với những nghiên cứu tiên phong góp phần thay đổi thế giới thông qua việc phát triển các ứng dụng khoa học mới và những công trình nghiên cứu quan trọng trong các lĩnh vực như y tế, an ninh lương thực, môi trường, và nhiều lĩnh vực khác.
Kể từ khi triển khai tại Việt Nam năm 2009, Giải thưởng khoa học L’Oréal – Unesco "Vì sự phát triển Phụ nữ trong Khoa học" đã vinh danh và trao học bổng nghiên cứu cho 38 nhà khoa học nữ trẻ tài năng của Việt Nam (trong đó có ba người đã được trao giải Tài năng trẻ triển vọng quốc tế năm 2015, 2018 và 2022) vì những đóng góp nổi bật của họ trong lĩnh vực Khoa học sự sống và Khoa học vật liệu. Chương trình Giải thưởng khoa học L’Oréal – Unesco "Vì sự phát triển Phụ nữ trong Khoa học" đã hỗ trợ họ tiếp tục theo đuổi niềm đam mê khoa học và tiến xa hơn nữa trong sự nghiệp nghiên cứu của mình, góp phần thu hẹp khoảng cách về giới trong khoa học.
Đây là dịp để ghi nhận những nỗ lực không ngừng của các nhà khoa học nữ ưu tú và vinh danh những thành tựu mới mà họ đạt được trong nghiên cứu từ sau khi nhận được Giải thưởng. Bên cạnh đó, sự kiện cũng đồng thời tôn vinh cam kết mạnh mẽ của 38 nhà khoa học nữ trong chương trình Giải thưởng khoa học L’Oréal – Unesco "Vì sự phát triển Phụ nữ trong Khoa học trong nỗ lực theo đuổi con đường khoa học, thúc đẩy sự phát triển bền vững tại Việt Nam và trên toàn cầu.
Sự kiện mở đầu với phần khai mạc của Phó Tổng giám đốc UNESCO, bà Lidia Brito, tiếp nối với các bài phát biểu của Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc, bà Pauline Tamesis, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, ông Olivier Brochet, Tổng giám đốc L'Oréal Việt Nam, ông Benjamin Rachow, và Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Jonathan Wallace Baker.
Tại Lễ kỷ niệm, các nhà khoa học nữ của chương trình Giải thưởng khoa học L’Oréal – Unesco "Vì sự phát triển Phụ nữ trong Khoa học" được trao tặng kỷ niệm chương vì những đóng góp to lớn của họ cho khoa Việt Nam nói riêng và quốc tế nói chung. Sự kiện cũng bên cạnh đó truyền cảm hứng cho thế hệ nhà khoa học nữ trẻ tiếp theo để theo đuổi con đường thay đổi thế giới bằng khoa học.
Trong khuôn khổ Sự kiện, chương trình cũng giới thiệu triển lãm về hành trình nghiên cứu của các nhà khoa học nữ từ khi họ nhận Giải thưởng khoa học L’Oréal – Unesco "Vì sự phát triển Phụ nữ trong Khoa học" và Hội thảo khoa học với 6 nghiên cứu mới:
- - GS. Trần Vân Khánh, Trưởng Khoa Dị ứng học phân tử, thuộc Khoa Công nghệ Y học Đại học Y Hà Nội với đề tài : Bệnh lý di truyền và ứng dụng trong chấn đoán phôi tiền làm tổ.
- - GS. Nguyễn Thị Lang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao đồng bằng sông Cửu Long với đề tài : Thiết lập gen chống chịu mặn cho cây lúa Việt Nam
- - PGS Nguyễn Thị Hiệp - Trưởng khoa Kỹ thuật Y sinh Đại học Quốc tế - Đại học quốc gia HCM với đề tài: Nghiên cứu chế tạo mực in sinh học (Bioink) và các ứng dụng của chúng trong y học tái tạo.
- - PGS. Nguyễn Thị Vân Anh, Cố vấn Khoa học Trung tâm Nghiên cứu bào tử lợi khuẩn công ty TNHH ANABIO R&D với đề tài: Probiotic xịt mũi - Hỗ trợ điều trị và phòng ngừa viêm hô hấp, hướng đến tương lai không kháng sinh.
- - Phó Giáo Sư Hồ Thị Thanh Vân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Sinh học Nông nghiệp tiên tiến, trường ĐH. Nguyễn Tất Thành với đề tài: Năng lượng, Môi trường và Nông Nghiệp bền vững hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hơp Quốc.
- - Bác sĩ CK2 Hồ Phạm Thục Lan, Trưởng khoa Cơ xương khớp ĐH. Y Phạm Ngọc Thạch với đề tài : Phát hiện sớm ung thư vú dựa vào sinh thiết lỏng và AI nhũ ảnh.
Nhân dịp này, L'Oréal Việt Nam và UNESCO Việt Nam tái khẳng định quan hệ hợp tác trong khuôn khổ hỗ trợ và thúc đẩy hơn nữa vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong khoa học, cũng như nâng cao bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học tại Việt Nam.
“Sự kiện hôm nay tôn vinh những thành tựu ấn tượng của 38 nhà khoa học nữ tại Việt Nam, trong đó có những cá nhân xuất sắc đã tạo ra ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới quốc gia Mối quan hệ đối tác giữa UNESCO và L'Oréal là một minh chứng cho việc Liên Hợp Quốc và doanh nghiệp tư nhân có thể cùng nhau tạo ra tác động thiết thực cho cộng đồng. Tôi hy vọng rằng, thông qua chương trình này, cùng với các nhà khoa học nữ, chúng ta sẽ ngày càng thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực khoa học tại Việt Nam.” – Ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu.
“L’Oréal Việt Nam luôn cam kết mạnh mẽ sứ mệnh hỗ trợ phụ nữ trong lĩnh vực khoa học. Đây là một truyền thống đáng tự hào của tập đoàn mà chúng tôi kế thừa và liên tục phát huy, bằng cách thúc đẩy tri thức và nhân lực trong lĩnh vực khoa học tại Việt Nam.” ông Benjamin Rachow, Tổng giám đốc điều hành của L’Oréal Việt Nam cho biết. “Trong suốt 15 năm qua, chúng tôi đã cùng UNESCO vinh danh 38 nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam qua Giải thưởng khoa học L’Oréal – Unesco "Vì sự phát triển Phụ nữ trong Khoa học" để giới thiệu những thành tựu khoa học của họ trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Công trình nghiên cứu của những nhà khoa học nữ xuất sắc này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức mang tính thời đại, mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ nhà khoa học nữ trẻ kế tiếp sẽ tiếp tục các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực STEM”.
Thảo Lan