(LĐXH)- Chiều 5/12/2017, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình hợp tác Quốc gia Việt Nam –Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Việc làm bền vững giai đoạn 2017 – 2021. Đây là văn kiện đưa ra khuôn khổ hợp tác giữa ILO và các đối tác Việt Nam trong vòng 5 năm tới với mục tiêu hướng tới việc làm bền vững cho tất cả mọi người.
Dự và chủ trì Lễ ký kết có Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH Đào Ngọc Dung; lãnh đạo của các đối tác xã hội gồm các ông: Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee. Tham dự buổi lễ còn có lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Lao động – TBXH…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và lãnh đạo các bên đối tác chủ trì lễ ký kếtPhát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH Đào Ngọc Dung cho rằng: Chương trình nghị sự về Việc làm bền vững được Tổng giám đốc ILO phát động từ năm 1999 với 4 trụ cột chính là tạo việc làm, an sinh xã hội, thúc đẩy quyền của người lao động và đối thoại xã hội. Việc làm bền vững là hướng tới mục tiêu không chỉ tạo ra việc làm nhiều hơn, mà còn phải tạo ra việc làm tốt hơn, nghĩa là người lao động được làm việc trong điều kiện lao động tốt hơn, an toàn hơn, được bảo đảm về mặt an sinh xã hội, có năng suất và thu nhập cao hơn và đảm bảo sự cân bằng giữa các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao quá trình hợp tác của ILO với Việt NamTừ khi Chương trình nghị sự về Việc làm bền vững được ILO phát động trên toàn cầu, Việt Nam và ILO đã cùng nhau xây dựng và ký kết thực hiện 2 chu kỳ hợp tác cho giai đoạn 2006 – 2010 và 2012-2016. Trong hai chu kỳ này, Chính phủ Việt Nam cùng các đối tác xã hội đã hợp tác cùng ILO tập trung vào việc cải thiện chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng thông qua phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy tăng trưởng công bằng và bao trùm thông qua việc cải thiện hệ thống an sinh xã hội và hỗ trợ các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương; tăng cường quản trị thị trường lao động.
Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị của Bộ Lao động - TBXH dự lễ ký kếtCũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong hai chu kỳ hợp tác vừa qua, ILO đã luôn đồng hành cùng với các đối tác ba bên của Việt Nam trong việc triển khai chương trình việc làm bền vững, thúc đẩy công bằng và tiến bộ xã hội. Các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của ILO được thực hiện thông qua các chương trình, dự án hợp tác, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ kỹ thuật trong việc xây dựng chính sách pháp luật về lao động, đào tạo tăng cường năng lực cho các đối tác ba bên ở cấp trung ương và địa phương, cung cấp chia sẻ thông tin, tài liệu, hỗ trợ công tác nghiên cứu, đào tạo trong các lĩnh vực về việc làm, an sinh xã hội, tiền lương, quan hệ lao động, an toàn lao động, phát triển kỹ năng nghề... Trong chu kỳ hợp tác mới, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đặt trọng tâm vào vấn đề việc làm, phát triển nguồn nhân lực và an sinh xã hội trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, cân bằng giữa mục tiêu kinh tế và xã hội, đảm bảo quyền lợi của người lao động, của doanh nghiệp và của xã hội. Khung hợp tác quốc gia về Việc làm bền vững 2017 - 2021 được ILO tại Việt Nam cùng các đối tác ba bên của Việt Nam xây dựng dựa trên những ưu tiên của Chính phủ và của các đối tác xã hội Việt Nam về việc làm, an sinh xã hội, phù hợp với chiến lược và chương trình của ILO ở cấp toàn cầu và kế hoạch chung Một Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Khung hợp tác này là công cụ quan trọng để ILO và các đối tác ba bên sử dụng lập kế hoạch hợp tác hàng năm và huy động các nguồn lực một cách hiệu quả nhất nhằm thúc đẩy mục tiêu việc làm bền vững tại Việt Nam.
Ông Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam phát biểu cam kết cùng chung sức với các đối tác ba bên
Tại lễ ký kết, Bộ Lao động - TBXH (cơ quan quản lý Nhà nước) đề nghị các đối tác xã hội là Phòng Thương mại và Công nghiệp, Liên minh Hợp tác xã (đại diện cho chủ sử dụng lao động), Tổng Liên đoàn Lao động (đại diện cho người lao động) và ILO bắt tay vào xây dựng kế hoạch thực hiện khung hợp tác này. Trước mắt là cần tập trung vào một số hoạt động ưu tiên như: hỗ trợ việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động, thông qua các hoạt động nghiên cứu, tư vấn hỗ trợ dự án sửa đổi toàn diện Bộ luật Lao động trong bối cảnh mới; xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp; hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và tiền lương; nghiên cứu phê chuẩn một số công ước chính của ILO, tăng cường khả năng hội nhập quốc tế về lĩnh vực lao động – xã hội.
Lãnh đạo các bên ký kết Chương trình hợp tác về Việc làm bền vữngÔng Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam phát biểu khẳng định: ILO cam kết cùng chung sức với các đối tác ba bên để đạt được những mục tiêu chung của Chương trình hợp tác. Theo ông, chương trình hợp tác giai đoạn 2017 - 2021 nên được sử dụng như pha chuyển đổi sang một hình thức hợp tác và đối tác mới, từ việc tập trung vào nguồn lực sang tập trung vào kiến thức. Trong giai đoạn này, sự hỗ trợ cần được đồng thời dành cho các đối tác ba bên (Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động) ở cấp địa phương nhằm trang bị cho họ năng lực tổ chức để tiến hành những thay đổi mang tính bền vững.
Chí Tâm