Nghiên cứu - trao đổi
Trang chủ / Nghiên cứu - trao đổi / Nghiên cứu - trao đổi
Kinh nghiệm của Indonesia về Đào tạo nghề nghiệp và cấp chứng chỉ dựa trên năng lực
09:42 AM 20/12/2024
(LĐXH)- Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang trỗi dậy mạnh mẽ trong khu vực châu Á và trên thế giới. Một trong những bài học thành công của nền kinh tế của quốc gia “xứ sở vạn đảo” là chú trọng phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng thông qua hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, gắn với yêu cầu của doanh nghiệp.
Indonesia là quốc gia có quy mô dân số lớn (khoảng 300 triệu người), yêu cầu và thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao đối với phát triển kinh tế cũng như đáp ứng nhu cầu dịch vụ của người dân, doanh nghiệp rất cao. Thí dụ trong lĩnh vực Điện lạnh và Điều hòa không khí (RAC), trung bình mỗi ngày cần khoảng 334.000 dịch vụ về lắp đặt, sửa chữa, bảo trì thiết bị lạnh và điều hòa không khí.
Trong 3 năm tới, nhu cầu kỹ thuật viên RAC theo dự báo vào khoảng 83.000 người. Tuy nhiên, mỗi năm các cơ sở đào tạo nghề của Indonesia chỉ cung ứng được khoảng 16.000 kỹ thuật viên, trong đó chỉ có trên dưới 10.000 được cấp chứng chỉ năng lực. Điều này là thách thức đối với cơ sở đào tạo nghề và việc công nhận năng lực cho người học.
Để đáp ứng nhu cầu về nhân lực chất lượng cao, Chính phủ Indonesia tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp song song với việc hoàn thiện thể chế, quy định. Trong đó, Khung trình độ quốc gia của Indonesia (Kerangka Kualifikasi Nasional Indonesia - KKNI) được ban hành từ năm 2011 và chính thức đưa vào áp dụng trong hệ thống giáo dục quốc dân từ năm 2012 thông qua Sắc lệnh số 08 năm 2012 của Tổng thống Indonesia.
Khung trình độ quốc gia Indonesia là để phân loại các trình độ năng lực quốc gia (gồm 9 bậc) nhằm so sánh, cân bằng và tích hợp giữa các lĩnh vực thuộc thiết chế giáo dục chính quy với đào tạo tại doanh nghiệp, kinh nghiệm làm việc thực tiễn của người học, theo đó công nhận năng lực nghề nghiệp của người học tương ứng với cấu trúc vị trí việc làm (được chia theo 03 nhóm chuyên môn: Người vận hành (Operator) - từ bậc 1 đến bậc 3, Kỹ thuật viên (Technician) - từ bậc 4 đến bậc 6, Chuyên gia (Expert) - từ bậc 7 đến bậc 9) trong các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau của Indonesia; là cơ sở để xây dựng các tiêu chuẩn năng lực quốc gia (Standar Kompetensi Kerja Nasional Indonesia - SKKNI) phục vụ phát triển các chương trình đào tạo, cấp chứng chỉ năng lực trong giáo dục nghề nghiệp.
 
Sinh viên Indonesia hực hành nghề điện lạnh và điều hòa không khí

Việc xây dựng, phát triển các tiêu chuẩn năng lực quốc gia là nhiệm vụ quan trọng mang ý nghĩa cốt lõi để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Chính vì vậy, Chính phủ Indonesia đã sớm xây dựng hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn việc xây dựng tiêu chuẩn năng lực quốc gia, kết nối các tiêu chuẩn năng lực với đào tạo nghề nghiệp. Thí dụ: Chính phủ ban hành Luật phát triển nhân lực năm 2003; Nghị định số 31 năm 2006 quy định về nhân lực và hệ thống đào tạo kỹ năng quốc gia; Nghị định số 02 năm 2016 quy định về tiêu chuẩn năng lực quốc gia; Nghị định số 23 năm 2004 quy định về hệ thống chứng chỉ chuyên môn quốc gia; Chỉ thị số 09 năm 2016 của Tổng thống về khôi phục các trường trung học nghề,…  
Hệ thống chính sách, quy định dẫn có tác động thúc đẩy tiến trình xây dựng tiêu chuẩn năng lực quốc gia ở mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội và phát triển nhân lực có kỹ năng dựa trên 03 trụ cột gắn kết chặt chẽ với nhau: Tiêu chuẩn năng lực quốc gia; đào tạo dựa vào tiêu chuẩn năng lực; đánh giá, công nhận năng lực nghề nghiệp dựa vào tiêu chuẩn năng lực.
Theo quy định của pháp luật Indonesia, trách nhiệm xây dựng, cập nhật các tiêu chuẩn năng lực quốc gia thuộc về các bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Vì vậy, mỗi bộ, ngành thuộc Chính phủ Indonesia đều thành lập một ủy ban chuyên trách có nhiệm vụ lập kế hoạch trung hạn, dài hạn về phát triển hệ thống các tiêu chuẩn năng lực quốc gia thuộc lĩnh vực bộ, ngành quản lý, đồng thời tổ chức xây dựng, cập nhật các tiêu chuẩn năng lực quốc gia. Trong đó, giải pháp “vòng đời” (life – cycle approach) được xác định ưu tiên cho tiến trình xây dựng, cập nhật tiêu chuẩn năng lực. Việc xây dựng tiêu chuẩn năng lực có sự tham gia của nhiều đối tác xã hội như: cơ sở đào tạo nghề, chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội nghề nghiệp, tập đoàn, doanh nghiệp.
Ở Indonesia, đào tạo nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ năng lực được vận hành tương đối độc lập. Tuy nhiên, có sự thống nhất và gắn kết chặt chẽ giữa việc phát triển chương trình, tổ chức đào tạo nghề với đánh giá, cấp chứng chỉ năng lực quốc gia là vì: việc phát triển chương trình đào tạo nghề nghiệp và các bộ công cụ thực hiện đánh giá, công nhận năng lực nghề nghiệp đều dựa vào các tiêu chuẩn năng lực quốc gia. Các chủ thể trong xã hội tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ năng lực khá đa dạng: cơ sở giáo dục, đào tạo nghề, các viện thuộc chính phủ, nghiệp đoàn, các hiệp hội nghề nghiệp, tập đoàn, doanh nghiệp.
Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, ở Indonesia, một lĩnh vực nghề nghiệp có thể liên quan đến nhiều bộ, ngành quản lý khác nhau. Một lĩnh vực nghề nghiệp có thể tham chiếu tới nhiều tiêu chuẩn năng lực quốc gia khác nhau để triển khai đào tạo, cấp chứng chỉ năng lực cho người học. Nói riêng với lĩnh vực Điện lạnh và điều hòa không khí, đến hết năm 2023, Indonesia có 14 bộ tiêu chuẩn năng lực quốc gia liên quan lĩnh vực này được ban hành từ các bộ, ngành liên quan như: Bộ Năng lượng, Bộ Thủy sản, Bộ Công nghiệp, Bộ Tài nguyên và Lâm nghiệp…
Giữa các bộ liên quan và ngành công nghiệp RAC (cơ sở sản xuất, các nhà thầu và doanh nghiệp chuyên lắp đặt thiết bị RAC) có sự cam kết phối hợp trong hoạt động xây dựng, cập nhật các bộ tiêu chuẩn năng lực quốc gia và áp dụng “giải pháp vòng đời” trong xây dựng tiêu chuẩn năng lực, theo đó, các bộ tiêu chuẩn được cập nhật theo yêu cầu của ngành công nghiệp.
Việc phát triển chương trình, giáo trình đào tạo, đánh giá năng lực chuyên môn người học được dựa trên các đơn vị năng lực được cấu trúc trong bộ tiêu chuẩn năng lực quốc gia. Hoạt động đánh giá, công nhận năng lực, cấp chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật viên RAC được thực hiện bởi 14 tổ chức đánh giá độc lập phân bố trên khắp lãnh thổ Indonesia. Chứng chỉ năng lực kỹ thuật viên RAC có giá trị trong 3 năm. Kỹ thuật viên RAC của Indonesia nếu có chứng chỉ công nhận năng lực sẽ được bố trí việc làm, trả lương theo bậc trình độ năng lực chuyên môn. Các quy định về phí và lệ phí trong đào tạo, đánh giá cấp chứng chỉ năng lực chuyên môn lĩnh vực này được thể hiện cụ thể cho từng nghề, bậc trình độ năng lực.
Ở nước ta, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu cấp thiết nhằm phục vụ phát triển kinh tế gắn với tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Ban bí thư ban hành Chỉ thị số 21/CT-TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với kinh nghiệm của Indonesia về đào tạo nghề và cấp chứng chỉ dựa vào năng lực, một số nội dung sau đây cần được nghiên cứu đề xuất để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung:
Thứ nhất, cần phát triển hệ thống tiêu chuẩn năng lực quốc gia thống nhất, làm cơ sở thực hiện đồng bộ giữa phát triển chương trình, giáo trình, triển khai đào tạo giáo dục nghề nghiệp và đánh giá, công nhận năng lực nghề nghiệp.
Thứ hai, phát triển khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia đồng bộ, kết nối với khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Thứ ba, tăng cường đầu tư về trang thiết bị, công nghệ phục vụ đào tạo nghề nghiệp cho người học làm việc tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ đào tạo giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao.
Thứ tư, tăng cường nghiên cứu, dự báo nhu cầu kỹ năng tương lai trong các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, then chốt của nền kinh tế phục vụ kinh tế số, chuyển đổi xanh./.
                                   Ths Vũ Bá Toản, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
TAG:
Tin khác
Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp
An toàn và sức khỏe của người lao động bị tác động nghiêm trọng bởi biển đổi khí hậu
An toàn vệ sinh thực phẩm trong kinh doanh ăn uống du lịch
Hoạt động du lịch với môi trường tự nhiên
Phát huy nguồn lực thực hiện tự chủ tài chính tại Trường Cao đẳng cơ điện và xây dựng Bắc Ninh
Thiết kế, chế tạo Bộ thực hành PLC phục vụ đào tạo nghề điện tử công nghiệp
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU trong bối cảnh thực thi EVFTA: Cơ hội và thách thức
Giải pháp phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước