Nghiên cứu - trao đổi
Trang chủ / Nghiên cứu - trao đổi / Nghiên cứu - trao đổi
Khung trình độ quốc gia: Cơ hội và thách thức đối với giáo dục nghề nghiệp Việt Nam
09:29 AM 22/11/2016
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, bản dự thảo cuối cùng về Khung TĐQG của Việt Nam đang được gấp rút hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong bối cảnh này, việc nắm rõ các tác động dự kiến của Khung TĐQG để triển khai có hiệu quả sau khi được phê duyệt là hết sức cần thiết.
Tổng quan về Khung TĐQG
Xây dựng và triển khai Khung trình độ quốc gia (TĐQG) đã trở thành một xu hướng quốc tế trong cải cách giáo dục từ những năm cuối thập niên 90 thế kỷ XX. Đến nay, có trên 130 quốc gia đã triển khai Khung TĐQG. Khu vực ASEAN, chỉ còn 3 quốc gia chưa ban hành Khung TĐQG là Brunei, Lào và Việt Nam.
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) định nghĩa Khung trình độ là một công cụ để xây dựng và phân loại các trình độ đào tạo căn cứ các tiêu chí xác định đối với từng mức độ kết quả học tập đạt được. Khung trình độ thể hiện các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng người học cần đạt được (kết quả đầu ra) của một trình độ đào tạo cụ thể và phản ánh sự liên thông giữa các trình độ đào tạo.
Dự thảo Khung TĐQG Việt Nam có 8 bậc, mỗi bậc mô tả chuẩn hay những yêu cầu người tốt nghiệp khóa đào tạọ phải đạt được
Khung TĐQG là một chính sách của quốc gia, các trình độ đào tạo trong Khung TĐQG không thuộc sở hữu của các cơ sở đào tạo mà thuộc ‘tài sản quốc gia’. Khung TĐQG có thể là Khung tổng thể bao quát toàn bộ các bậc và loại hình đào tạo bao gồm đào tạo hàn lâm và đào nghề hoặc là Khung trong một ngành đào tạo hoặc một ngành nghề cụ thể. Khung TĐQG của các nước phổ biến từ 8 đến10 bậc trình độ. Các quốc gia đặt ra những mục tiêu khác nhau khi xây dựng Khung TĐQG. Tuy nhiên bất kỳ quốc gia nào cũng hướng các mục tiêu gồm: (i) Làm rõ các trình độ đào tạo và tăng sự kết nối, liên thông giữa các trình độ đào tạo; (ii) Thúc đẩy việc học tập suốt đời; (iii) Hỗ trợ việc công nhận, chuyển đổi tín chỉ, công nhận kết quả học tập trước đó; (iv) Đẩy mạnh gắn kết giữa giáo dục đào tạo và thị trường lao động; và (v) Thúc đẩy công nhận quốc tế đối với trình độ/bằng cấp của quốc gia.  
Đối chiếu Khung TĐQG với Khung trình độ khu vực
Khung trình độ khu vực bao quát các trình độ đào tạo của các quốc gia trong một khu vực địa lý cụ thể. Khung trình độ khu vực là công cụ đảm bảo đối chiếu được giữa một trình độ đào tạo cụ thể trong một Khung TĐQG với một trình độ đào tạo khác quy định tại một Khung TĐQG khác. Hãy xem xét một số khung trình độ khu vực hiện nay:
Khung trình độ châu Âu (EQF)
Châu Âu đã nhận thức được tầm quan trọng việc công nhận bằng cấp lẫn nhau từ  năm 1990. Tháng 3/2005, các nước trong Liên minh đưa ra Đề xuất xây dựng EQF và Bản đề xuất này đã được Hội đồng Liên Minh châu Âu thông qua ngày 23-4-2008.  EQF được thiết kế với 8 bậc trình độ, mỗi bậc được định nghĩa bởi kiến thức, kỹ năng, và năng lực (kết quả đầu ra) cần đạt được. Mỗi bậc trình độ có thể đạt được thông qua các ‘con đường’ học tập khác nhau (chính quy hoặc không chính quy). Bản Đề xuất EQF đã đưa ra 2 mục tiêu và khuyến nghị các nước thành viên, bao gồm: (i) Hoàn thành việc đối chiếu các bậc trình độ trên Khung TĐQG với 8 bậc trình độ với 10 tiêu chí đối chiếu và (ii) Thể hiện bậc trình độ của EQF trên các bằng cấp hay chứng chỉ sau khi đã hoàn thành đối chiếu khung TĐQG với EQF. Tính đến tháng 4/2016, đã có 30 quốc gia hoàn thành báo cáo đối chiếu với EQF (gồm 25 nước thành viên EU và 5 nước ngoài EU) và 15 quốc gia đã thể hiện các bậc trình độ EQF trên các văn bằng, chứng chỉ của quốc gia mình. Dự kiến đến cuối năm 2016 đa số các nước thành viên sẽ hoàn thành 2 mục tiêu này.
Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF)
AQRF được xây dựng dựa trên các thỏa thuận khu vực gồm: Thỏa thuận Khung ASEAN về Dịch vụ, Thỏa thuận về công nhận lẫn nhau đối với trình độ đào tạo của một số ngành dịch vụ chính, Kế hoạch Kinh tế ASEAN. Bản dự thảo Đề xuất AQRF đầu tiên được xây dựng trong khuôn khổ một hợp phần dự án của Chương trình hợp tác kinh tế khu vực tự do thương mại ASEAN- New Zealand- Úc (AANZFTA), được Hội nghị lần thứ nhất của Ủy ban AANZFTA xem xét vào tháng 5/2010 tại Manila. AQRF đã được thông qua vào tháng 9/2014 tại Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 8 tổ chức tại Lào.
Các nước thành viên tham gia AQRF dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Tương tự như Khung EQF, AQRF được thiết kế với 8 bậc trình độ, mỗi bậc quy định 2 nội dung gồm (i) kiến thức và kỹ năng, (2) khả năng tự chủ và tự chịu trách nhiệm. AQRF đặt nền móng cho hội nhập giáo dục, hội nhập thị trường lao động ASEAN và thúc đẩy dịch chuyển lao động trong khu vực. Để đảm bảo sự thống nhất và minh bạch trong quá trình đối chiếu Khung TĐQG với AQRF, các nước ASEAN đã thống nhất 11 tiêu chí cho quá trình đối chiếu, trong đó đáng lưu ý là tiêu chí thứ 11 quy định về việc sau quá trình đối chiếu, cơ quan chứng nhận và cấp phát văn bằng thể hiện sự tham chiếu với các bậc trình độ AQRF trên các văn bằng, chứng chỉ của quốc gia. Các nước Indonesia, Philipines, Thái Lan và Malaysia đề ra kế hoạch hoàn thành việc đối chiếu Khung TĐQG với AQRF trước năm 2018.
Dự thảo Khung TĐQG Việt Nam
Bảng so sánh dưới đây cho thấy dự thảo Khung TĐQG Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với các Khung TĐQG một số nước trong khu vực và AQRF. Dự thảo Khung TĐQG Việt Nam có 8 bậc, mỗi bậc mô tả chuẩn hay những yêu cầu người tốt nghiệp khóa đào tạọ phải đạt được gồm (i) kiến thức, (2) kỹ năng, (3) mức tự chủ và trách nhiệm. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng Khung TĐQG của Việt Nam, trong đó Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì việc chuẩn bị bậc 1 đến bậc 5 thuộc giáo dục nghề nghiệp, Bộ Giáo dục và đào tạo chủ trì chuẩn bị các trình độ 6, 7, 8 thuộc giáo dục đại học.
 Khung tham chiếu trình độ ASEAN và Khung TĐQG của một số nước thành viên

AQRF

(8 bậc)

Khung TĐQG Ma-lai-xi-a

(8 bậc)

Khung TĐQG In-đô-nê-xi-a 

 (9 bậc)

Khung TĐQG Phi-líp-pin

 (8 bậc)

Dự thảo Khung TĐQG Việt Nam (tháng 7/2016)

(8 bậc)

8

Tiến sỹ (8)

Tiến sỹ

Tiến sỹ và Sau Tiến sỹ (8)

Tiến sỹ (8)

(90 tín chỉ)

7

Thạc sỹ (7)

Thạc sỹ

Sau đại học (7)

Thạc sỹ (7)

 (30-60 tín chỉ)

6

Cử nhân (6)

Cử nhân

Cử nhân (6)

Cử nhân (6)

(120 – 180 tín chỉ)

5

Bằng cấp cao (Adv. Diploma) (5)

Bằng (5)

Cao đẳng (5)

 (60 tín chỉ)

4

Bằng (4)

Bằng (4)

Chứng chỉ (4)

Trung cấp (4)

(40-60 tín chỉ)

3

Chứng chỉ (3)

Bằng (3)

Chứng chỉ (3)

Chứng chỉ (3)

(30 tín chỉ)

2

Chứng chỉ (2)

Bằng (2)

Chứng chỉ (2)

Chứng chỉ (2)

(20 tín chỉ)

1

Chứng chỉ (1)

Bằng (1)

Chứng chỉ (1)

Chứng chỉ (1)

(10 tín chỉ)

 

 

Giáo dục trung học

 

 

 

 

Giáo dục phổ thông

 

 

Cơ hội, thách thức của Khung TĐQG đối với giáo dục nghề nghiệp Việt Nam
Cơ hội
- Tăng sức ‘thu hút’ của giáo dục nghề nghiệp (GDNN):
 Dự thảo Khung TĐQG được thiết kế phù hợp quy định của Luật GDNN, các trình độ đào tạo GDNN gồm sơ cấp, trung cấp, cao đẳng lần lượt tương ứng với bậc 3 (chứng chỉ 3), bậc 4 (trung cấp) và bậc 5 (cao đẳng) trong 8 bậc trình độ đào tạo của Khung TĐQG. Với quy định như vậy, các bậc trình độ đào tạo GDNN trở nên rõ ràng, dễ hiểu hơn đối với mọi đối tượng trong xã hội, tránh sự trùng lắp, trùng chéo các loại văn bằng, góp phần nâng cao hình ảnh của GDNN. Chuẩn đầu ra được quy định thống nhất cho mỗi bậc trình độ trên Khung TĐQG tạo niềm tin hơn cho người học đối với văn bằng, chứng chỉ được nhận dù học ở cơ sở đào tạo nào. Đặc biệt, với  xu hướng chung của xã hội là muốn con em có được tấm bằng đại học, GDNN sẽ trở nên ‘thu hút và ‘hấp dẫn’ hơn do Khung TĐQG thể hiện con đường liên thông rộng mở và dễ dàng hơn giữa GDNN lên giáo dục đại học. Cần nói thêm là, việc liên thông từ cao đẳng nghề lên đại học mặc dù được quy định từ năm 2010 nhưng thực tế đã phát sinh ‘rào cản’ do nhiều ý kiến cho rằng, hệ đào tạo nghề học thực hành nhiều hơn và không thi tuyển đầu vào do đó việc liên thông từ cao đẳng nghề lên đại học là rất khó...Tới đây triển khai Luật GDNN trong điều kiện Khung TĐQG được phê duyệt, rào cản đó sẽ được giải quyết. Đây là một trong các mục tiêu của bất kỳ Khung TĐQG nào nhằm đáp ứng nhu cầu học và khuyến khích học tập suốt đời.
- Tạo cú huých và đặt nền tảng để đổi mới chương trình đào tạo GDNN theo chuẩn đầu ra; đổi mới việc đánh giá, công nhận, cấp văn bằng, chứng chỉ GDNN.
Chính phủ đã chỉ đạo đổi mới GDNN theo xu hướng quốc tế, từ đào tạo dựa trên chương trình sẵn có sang đào tạo theo chuẩn đầu ra. Tuy nhiên căn cứ nào để xác định chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo còn là một câu hỏi. Khung TĐQG giúp trả lời câu hỏi này do mỗi bậc trình độ của Khung TĐQG đã xác định và mô tả chi tiết cụ thể chuẩn/kết quả đầu ra mà người tốt nghiệp phải đạt được. Theo Luật GDNN, Nhà nước không ban hành chương trình khung mà giao cho các cơ sở GDNN tự chủ xây dựng chương trình đào tạo. Do vậy, căn cứ chuẩn đầu ra quy định tại Khung TĐQG, căn cứ các tiêu chuẩn kỹ năng nghề và số lượng tín chỉ được quy định cho mỗi bậc trình độ, các cơ sở GDNN chủ động xây dựng chương trình đào tạo đảm bảo cho người học sau khi tốt nghiệp phải đạt được chuẩn chung của quốc gia, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Theo Luật GDNN, đối với chương trình đào tạo tích lũy mô-đun, tín chỉ, nếu người học tích lũy đủ mô-đun, tín chỉ theo quy định thì được xét công nhận tốt nghiệp và được cấp bằng tốt nghiệp, không phải thi tốt nghiệp cuối khóa. Như vậy, Khung TĐQG quy định cụ thể số lượng tín chỉ của từng bậc trình độ sẽ tạo điều kiện cho người học tích lũy và chuyển đổi tín chỉ giữa các chương trình đào tạo trong một cơ sở đào tạo hay giữa các cơ sở đào tạo, đồng thời tạo điều kiện đổi mới việc công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp.
 - Thúc đẩy khu vực và quốc tế công nhận bằng cấp GDNN của Việt Nam
Bằng cấp GDNN của Việt Nam được các nước công nhận là điều kiện quan trọng để lao động Việt Nam hội nhập thị trường lao động quốc tế. Để đạt được mục tiêu này thì GDNN phải dựa trên chuẩn chung của khu vực và quốc tế. Khung TĐQG Việt Nam được xây dựng dựa trên AQRF, EQF và có nhiều điểm tương đồng với các Khung TĐQG các nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này. Đặc biệt sau khi Việt Nam hoàn thành việc đối chiếu giữa Khung TĐQG với Khung trình độ ASEAN sẽ thúc đẩy quá trình công nhận bằng cấp lẫn nhau giữa các nước ASEAN để tận dụng cơ hội lao động được tự do dịch chuyển do Cộng đồng Kinh tế ASEAN mang lại. Mặc dù AQRF không quy định số lượng tín chỉ cho mỗi bậc đào tạo, nhưng dự thảo Khung trình độ Việt Nam quy định cụ thể về vấn đề này sẽ tạo thuận lợi khi đối chiếu với các bậc trình độ trong các Khung TĐQG khác, đảm bảo thuận tiện cho việc chuyển đổi hay công nhận tín chỉ lẫn nhau.
- Nâng cao chất lượng GDNN:
Khung TĐQG ngoài tác động tới chuẩn đầu ra trong chương trình đào tạo đối với người học, GDNN còn đặt ra yêu cầu phải rà soát, chỉnh sửa hệ thống các chuẩn khác trong GDNN như chuẩn nhà giáo, chuẩn cán bộ quản lý, các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng hay các tiêu chí trường nghề chất lượng cao cho phù hợp với Khung TĐQG. Hệ thống các chuẩn trong GDNN được rà soát, chỉnh sửa đồng bộ sẽ là đòn bẩy nâng cao chất lượng GDNN.
 Một vài thách thức
- Triển khai Khung TĐQG phải nhiều thời gian và cần nhiều nguồn lực
Xây dựng Khung TĐQG có thể nhanh nhưng thời gian để nó đi vào thực tế cuộc sống và đạt mục tiêu đề ra lại cần rất nhiều thời gian, công sức và kinh phí (nguồn lực nói chung). Đây là thách thức không nhỏ với GDNN, đặc biệt trong bối cảnh tài chính cho dạy nghề còn eo hẹp (bình quân 10 năm qua mới đạt khoảng 6,6% trong tổng chi NSNN cho giáo dục đào tạo). Thời gian tới, Nhà nước phải tập trung nguồn lực cho việc triển khai Luật GDNN (đã có hiệu lực từ tháng 7/2015) như xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, kiện toàn, sắp xếp cơ sở đào tạo…cũng ảnh hưởng tới việc triển khai Khung TĐQG.
- Yêu cầu tăng cường, phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng GDNN
Khung TĐQG chỉ đem lại hiệu quả khi nó được xây dựng chính xác và được xã hội tin tưởng. Niềm tin này lại được xây dựng trên chất lượng đào tạo. Cần phải nhìn nhận một cách thực tế rằng, mặc dù chất lượng GDNN đã có những bước tiến đáng kể, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và thị trường lao động. Nhiều nghiên cứu đã nhấn mạnh, Khung TĐQG và hệ thống đảm bảo chất lượng phải đồng bộ và song hành với nhau. Đây là một thách thức lớn đối với GDNN Việt Nam. Số lượng cơ sở dạy nghề được kiểm định từ năm 2008 đến này mới chỉ chiếm 12,6% trong tổng số cơ sở dạy nghề. Kiểm định chương trình mới kết thúc giai đoạn thí điểm. Luật GDNN đã quy định việc đánh giá và công nhận kiểm định do tổ chức kiểm định độc lập thực hiện, nhưng đến nay GDNN chưa có tổ chức kiểm định độc lập.
- Triển khai Khung TĐQG cần có sự tham gia chặt chẽ của các doanh nghiệp
‘Chuẩn’ và ‘đánh giá’ là các yếu tố then chốt của bất kỳ một Khung TĐQG nào. Để Khung TĐQG được áp dụng hiệu quả, cả 2 nội dung này đều cần có sự tham gia của doanh nghiệp vì chính doanh nghiệp là nơi thụ hưởng kết quả của GDNN. Ở nhiều nước có hệ thống GDNN phát triển, doanh nghiệp (hay ngành) trực tiếp xây dựng các chuẩn đầu ra và đánh giá năng lực học sinh học nghề. Trong khi đó ở nước ta, việc gắn kết doanh nghiệp với đào tạo nghề còn rất lỏng lẻo, việc tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng, xây dựng chương trình đào tạo còn rất hạn chế. Rất ít các cơ sở đào tạo mời doanh nghiệp tham gia quá trình đánh giá kết quả học tập của học sinh.Đây là thách thức rất lớn của ta khi triển khai Khung TĐQG.
 Một số kiến nghị bước đầu
- Để khai thác cơ hội và vượt qua các thách thức thì sau khi Khung TĐQG được ban hành, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng một chiến lược tổng thể về triển khai áp dụng Khung TĐQG. Cần đẩy mạnh hệ thống đảm bảo chất lượng GDNN để đảm bảo niềm tin của xã hội đối với Khung TĐQG.
- Cần tăng cường sự tham gia của các bên liên quan trong xây dựng và triển khai Khung TĐQG, đặc biệt là sự tham gia của doanh nghiệp – nơi có yêu cầu cao chuẩn đầu ra đối với người học, đó là phải đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.
- Trong điều kiện nguồn lực tài chính còn hạn chế thì cần xác định rõ các ưu tiên khi triển khai Khung TĐQG. Trước hết Chính phủ cần tập trung chỉ đạo rà soát việc đăng ký, công nhận các trình độ, các văn bằng theo Khung TĐQG của một số ngành nghề trọng điểm, có nhu cầu lớn từ thị trường.
- Bố trí nguồn lực cho cơ quan phụ trách Khung TĐQG, có chính sách hỗ trợ các trường xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở Khung TĐQG. Tăng cường năng lực cán bộ để xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề, các căn cứ xác định chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo…Cần tận dụng lợi thế của nước đi sau, học hỏi có chọn lọc các kinh nghiệm từ các quốc gia đã triển khai có hiệu quả Khung TĐQG để tiết kiệm thời gian và nguồn lực./.
                          ThS. Phạm Thị Minh Hiền
                                Tổng cục Dạy nghề
TAG:
Tin khác
Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp
An toàn và sức khỏe của người lao động bị tác động nghiêm trọng bởi biển đổi khí hậu
An toàn vệ sinh thực phẩm trong kinh doanh ăn uống du lịch
Hoạt động du lịch với môi trường tự nhiên
Phát huy nguồn lực thực hiện tự chủ tài chính tại Trường Cao đẳng cơ điện và xây dựng Bắc Ninh
Thiết kế, chế tạo Bộ thực hành PLC phục vụ đào tạo nghề điện tử công nghiệp
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU trong bối cảnh thực thi EVFTA: Cơ hội và thách thức
Giải pháp phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước