An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Khó khăn trong công tác trợ giúp xã hội tỉnh Quảng Ninh
02:06 PM 17/04/2017
(LĐXH) – Những năm qua, Quảng Ninh luôn là một trong những địa phương đi đầu trong công tác bảo trợ xã hội (BTXH), tỉnh luôn chú trọng thực hiện tốt việc chăm sóc các đối tượng là người cao tuổi, người khuyết tật (NKT), trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Bên cạnh các chính sách chung của T.Ư, Quảng Ninh đã quan tâm, huy động nguồn lực để nâng mức trợ cấp của tỉnh cao hơn 1,7 lần so với quy định của T.Ư và tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng.
Giai đoạn 2010 – 2015, Quảng Ninh đã chi trả trợ cấp cho 29.751 lượt đối tượng, tăng trên 14.670 đối tượng so cuối năm 2010, tập trung chủ yếu là nhóm người cao tuổi và người khuyết tật. Tổ chức buôi dưỡng tập trung cho 180 người ở các Trung tâm Bảo trợ xã hội, trong đó có 70 người là NKT, NCT; 110 trẻ em  có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức trợ cấp trung bình từ 1.200.000 đồng – 2.000.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra các đối tượng còn được hưởng mức sinh hoạt phí bằng 10 tháng lương tối thiểu chung/người/năm.
Trong 5 năm qua, tỉnh cũng đã cấp 146.699 lượt thẻ BHYT cho những đối tượng hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng và đối tượng được nuôi dưỡng trong cơ sở BTXH; hỗ trợ mai táng phí cho 3.957 cá nhân, gia đình có đối tượng BTXH chết. Riêng từ tháng 7/2015, mức hỗ trợ mai táng phí cho đối tượng thuộc diện hưởng chế độ theo Nghị định 136 được tăng lên 6.000.000 đồng/trường hợp. Riêng trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức mai táng cho cá nhân chết không phải địa bàn cấp xã nơi cư trú là 9.000.000 đồng/trường hợp.
Trao tặng quà, xe lăn cho đối tượng người khuyết tật trên địa bàn thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh
Nhằm động viên tinh thần, chăm lo đời sống cho đối tượng trong các dịp Lễ tết, hằng năm tỉnh đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các các nhân, gia đình có đối tượng BTXH; vận động các doanh nghiệp và đơn vị đóng trên địa bàn ủng hộ vào Quỹ hội bảo trợ người tàn tật, 1.600 triệu đồng/năm, góp phần chăm lo đời sống của người khuyết tật, trẻ em mồ côi, các đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh khó khăn với nhiều hình thức như tặng quà, hỗ trợ bằng tiền, góc học tập, xe đạp, xe lăn, xây dựng nhà ở... Nhìn chung, các hình thức trợ giúp cộng đồng được thực hiện đa dạng, phong phú và được mở rộng nhằm giúp cho các đối tượng tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ công tác xã hội một cách gần gũi, thân thiện.
Việc tổ chức khám sàng lọc và đưa đối tượng đi phẫu thuật cũng được thực hiện chu đáo, an toàn và được đối tượng yên tâm, tin tưởng. Riêng trong năm 2016, toàn tỉnh đã phối hợp khám sàng lọc cho 108 đối tượng NKT hệ vận động, chỉ định phẫu thuật 56 trường hợp; tổ chức chương trình “Nối vòng tay nhân ái vì NKT”  với 41 đơn vị, cá nhân tham gia ủng hộ số tiền gần 2,1 tỷ đồng.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, công tác trợ giúp xã hội tỉnh Quảng Ninh vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Chính sách bảo trợ xã hội có sự thay đổi liên tục khiến việc triển khai thực hiện còn lúng túng. Các văn bản về chế độ chính sách vẫn còn chưa đồng bộ và một số nội dung hướng dẫn còn chưa cụ thể khiến cho công tác xét duyệt đối tượng hưởng chính sách còn gặp khó khăn. Mức trợ giúp xã hội của Nhà nước còn thấp, số đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội ngày càng gia tăng, đặc biệt là nhóm đóm tượng người cao tuổi, người khuyết tật, tuy nhiên biên chế cho công tác xã hội còn hạn chế. Việc xác định mức độ khuyết tật cho các đối tượng bảo trợ xã hội còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cơ sở vật chất ở các trạm y tế, nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu xác định dạng tật và mức độ khuyết tật, một số thành viên trong Hội đồng không có kỹ năng về chuyên môn; việc thẩm định mức độ khuyết tật đôi khi còn chưa chính xác...
Trao quà cho người cao tuổi tại Trung tâm BTXH tỉnh Quảng Ninh
Bên cạnh đó, việc quản lý bằng sổ sách ở địa phương còn một số hạn chế, việc cập nhật các thông tin liên quan đến đối tượng chưa kịp thời, lọc dữ liệu thủ công khó khăn trong công tác báo cáo, kiểm tra đối tượng trợ giúp xã hội; báo cáo của một số huyện còn mang tính chung chung, không có phân tích cũng như không có đánh giá, nhận xét. Một số biểu mẫu báo cáo làm mang tính có số liệu, chưa hết nội dung, chưa đúng so với yêu cầu báo cáo của đơn vị quản lý cấp trên, chưa thể hiện hết trách nhiệm của người làm báo cáo, cũng như đơn vị, cơ sở.
 Để thực hiện tốt các mục tiêu, khắc phục những khó khăn hạn chế đang gặp phải, UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất Chính phủ  xem xét có chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng cho những NCT từ đủ 70 tuổi trở lên đến dưới 80 tuổi đang sinh sống ở những xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã hải đảo, nhất là nhóm NCT từ 75 đến dưới 80 tuổi là phụ nữ; hoặc xem xét hạ độ tuổi đối với người từ đủ 80 trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hiện đang hưởng trợ cấp hằng tháng (theo Luật NCT) xuống mức tuổi từ đủ 75 trở lên. Có cơ chế chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng đối với những thành viên thuộc hộ nghèo kinh niên, không có khả năng thoát nghèo (cao tuổi, mất sức lao động, khuyết tật, ốm đau bệnh tật, không có lao động,…) đảm bảo mức thu nhập cao hơn chuẩn nghèo để đưa những hộ này ra khỏi nhóm đối tượng phải thực hiện các chính sách hỗ trợ thoát nghèo; hỗ trợ chế độ mai táng phí như đối với các đối tượng BTXH (theo Nghị định 136). Riêng đối với nhóm “Người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hoặc đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội nuôi con nhỏ”, cần điều chỉnh mức trợ cấp xã hội cho các đối tượng BTXH bằng 40%-50% mức lương cơ bản trong từng thời kỳ để đảm bảo nâng cao cuộc sống hoặc điều chỉnh mức chuẩn tối thiếu bằng 50% mức chuẩn nghèo theo từng thời kỳ. Nâng mức hệ số NCT từ 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ hệ số 1,0 lên hệ số 1,5; hỗ trợ cho NCT còn sức lao động vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cần hướng dẫn cụ thể về cách xác định tuổi hưởng trợ cấp cho những NCT mất giấy tờ không có ngày tháng sinh; trường hợp người bị thương nặng hoặc bị chết, mất tích do tai nạn giao thông, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng và các lý do bất khả kháng khác quy định tại khoản 1 Điều 13 và Điều 14 của Nghị định 136. Hướng dẫn các thủ tục trợ giúp đột xuất như: hỗ trợ lương thực, người bị thương nặng; hỗ trợ chi phí mai táng và các thủ tục xây mới và sửa chữa nhà ở để phù hợp với từng đối tượng; Phối hợp với các Bộ Y tế, các Bộ ngành có liên quan nghiên cứu chuyển đổi các đối tượng thần kinh, tâm thần sang cho các cơ quan chuyên môn về y tế để xác định mức độ khuyết tật, để thực hiện việc xác định được chính xác hơn; thống nhất mẫu biểu báo cáo giữa Bộ Lao động TB&XH và Ủy ban Quốc gia NCT Việt Nam về công tác thực hiện chính sách đối với NCT.
Nam Khánh

 

TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Vũng Liêm tích cực giải bài toán giảm nghèo bền vững
Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân Mỏ Cày Bắc giảm nghèo bền vững
Chương trình của Vinamilk hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vùng bão lũ qua Trung ương đoàn
Đề nghị trẻ em không có giấy tờ tùy thân cũng được cấp thẻ BHYT
TPHCM: Long trọng tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024”
BHXH TPHCM chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 10, qua tài khoản từ ngày 1/10
Ủy ban quốc gia về trẻ em làm việc với tỉnh Sơn La về thực hiện công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em
Huyện Can Lộc huy động hệ thống chính trị thực hiện công tác giảm nghèo bền vững
Chăm lo chu đáo cho người có công trên mảnh đất Hà Tĩnh