An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Quảng Ninh: Chăm lo tốt cho đối tượng bảo trợ xã hội
10:15 AM 14/01/2017
Những năm qua, công tác bảo trợ xã hội (BTXH) đã được tỉnh quan tâm, nhất là đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật (NKT), góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh các chính sách chung của T.Ư, Quảng Ninh đã quan tâm, huy động nguồn lực để nâng mức trợ cấp của tỉnh cao hơn 1,7 lần so với quy định của T.Ư và tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng.

Từ những chính sách riêng của tỉnh

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện có trên 32.700 đối tượng BTXH. Ngay khi Chính phủ ban hành Nghị định số 136/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối t­ượng BTXH, Sở LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp với một số sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1899/QĐ-UBND quy định mức trợ giúp đối tượng BTXH và mức chi cho công tác quản lý thực hiện chính sách BTXH trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2010 đến nay, ngoài việc thực hiện tốt các chính sách quy định của T.Ư, Quảng Ninh đã chủ động xây dựng chính sách địa phương phù hợp với tình hình thực tiễn, điều kiện kinh tế - xã hội nhằm giải quyết tốt nhất chính sách BTXH cho đối tượng theo quy định. Tỉnh đã nâng mức chuẩn trợ giúp hằng tháng cho đối tượng BTXH từ 180.000 đồng lên 300.000 đồng, gấp hơn 1,7 lần so với mức trợ giúp xã hội tại cộng đồng do Chính phủ quy định. Hiện trung bình một năm, mức kinh phí thực hiện chi trả cho công tác trợ cấp xã hội hằng tháng của tỉnh là trên 150 tỷ đồng. Năm 2016, mức chi an sinh xã hội của tỉnh ước đạt trên 1.100 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015.

Chăm sóc các đối tượng tại Trung tâm BTXH tỉnh

Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định về việc hỗ trợ chi phí phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng lao động cho NKT hệ vận động trên địa bàn tỉnh. Với chính sách này, NKT hệ vận động được khám sàng lọc miễn phí, được chỉ định phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng; được hỗ trợ viện phí và các dịch vụ y tế, hỗ trợ tiền ăn, đi lại khi đi điều trị; được trang cấp dụng cụ chỉnh hình như chân, tay giả, nạng, nẹp hỗ trợ cho vận động cá nhân NKT. Việc tổ chức khám sàng lọc và đưa đối tượng đi phẫu thuật được thực hiện chu đáo, an toàn và được đối tượng yên tâm, tin tưởng. Riêng trong năm 2016, toàn tỉnh đã phối hợp khám sàng lọc cho 108 đối tượng NKT hệ vận động, chỉ định phẫu thuật 56 trường hợp; tổ chức chương trình “Nối vòng tay nhân ái vì NKT” và đã có 41 đơn vị, cá nhân tham gia ủng hộ số tiền gần 2,1 tỷ đồng.

Đa dạng các hoạt động trợ giúp

Trong những năm qua, các hoạt động trợ giúp đối tượng yếu thế tại cộng đồng cũng được ngành LĐ-TB&XH, các địa phương, tổ chức, đoàn thể dành nhiều sự quan tâm. Ngành LĐ-TB&XH và các địa phương phối hợp triển khai các dịch vụ chăm sóc khẩn cấp, chăm sóc dài hạn, hỗ trợ đối tượng, hỗ trợ sinh kế,... đối với các đối tượng yếu thế tại cộng đồng. Đồng thời duy trì các hoạt động trợ giúp thường xuyên, đột xuất cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, NKT theo quy định.

Năm 2016, Trung tâm Công tác xã hội (Sở LĐ-TB&XH) đã tư vấn trực tiếp cho 46 đối tượng yếu thế tại Trung tâm, 55 trường hợp tư vấn tại cộng đồng và trên 1.300 cuộc tư vấn qua tổng đài 18001769. Đồng thời thực hiện nhiều mô hình, như: Mô hình thí điểm cá nhân và gia đình nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với 75 gia đình tham gia; mô hình hỗ trợ dạy nghề gắn tạo việc làm cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; mô hình câu lạc bộ xanh ước mơ... Theo đó, các hình thức trợ giúp cộng đồng được thực hiện đa dạng, phong phú và được mở rộng nhằm giúp cho các đối tượng tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ công tác xã hội một cách gần gũi, thân thiện.

Song song với công tác trợ giúp tại cộng đồng, các đối tượng BTXH của tỉnh được chăm sóc chu đáo tại các cơ sở chăm sóc tập trung, các đơn vị trực thuộc Sở LĐ-TB&XH, như Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (TP Hạ Long), Trung tâm Bảo trợ xã hội (TP Uông Bí)... Tuy nhiên, hiện công suất của các trung tâm này mới đáp ứng khoảng 250 đối tượng. Trong khi đó, số người có nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội, nhất là đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng, nhất là nhóm đối tượng người cao tuổi, NKT. Trước thực trạng trên, hiện ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã và đang đề xuất tỉnh đầu tư, nâng cấp và mở rộng mô hình chăm sóc đối tượng tự nguyện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ Dự án Trung tâm Công tác xã hội cơ sở 2 và mở rộng các hoạt động trợ giúp xã hội có hiệu quả hơn. Ngành tiếp tục tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hoá việc trợ giúp xã hội cho các đối tượng BTXH nói riêng và đối tượng yếu thế cần trợ giúp nói chung trong cộng đồng.

Phương Thúy

TAG:
Tin khác
Đào đông đỏ giá cả trăm triệu đồng chờ đại gia rước về trưng Tết
Hà Nội: Nút giao Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến bớt 'ngộp thở'
Hà Nội: Tàu điện trên cao cũng chen chúc
Hà Nội: Tiểu thương thức trắng đêm, cây Tết vẫn ế ẩm
Đi mua cá chép cúng ông Táo tại chợ cá lớn nhất miền Bắc
Cụ bà 124 tuổi thích ăn cơm trộn mỡ lợn, chia sẻ bí quyết sống lâu
Từ 1/7, người đủ 75 tuổi sẽ nhận trợ cấp hưu trí 500.000 đồng/tháng
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025
Chuyến xe yêu thương dành cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn