An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Khó khăn ở Trung tâm bảo trợ xã hội Thừa Thiên Huế
11:09 AM 08/04/2019
(LĐXH) – Trung tâm bảo trợ xã hội (TTBTXH) tỉnh TT- Huế nằm ở P. Hương Hồ (TX Hương Trà, TT-Huế) thuộc sở LĐ-TB&XH đang nhận chăm sóc, dạy nghề và phục hồi chức năng cho hơn 500 bệnh nhân đang có vấn đề về tâm lý cùng nhiều đối tượng đang cai nghiện ma túy của tỉnh và các tỉnh miền Trung.
TTBTXH tỉnh TT-Huế tiền thân là Trại tâm thần kinh Kim Long với chức năng, nhiệm vụ nuôi dưỡng, kết hợp điều trị, phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần. Hơn 30 năm nay, trung tâm đã nuôi dưỡng, chăm sóc miễn phí hàng ngàn lượt BN và có hơn 500 lượt bệnh nhân tái hòa nhập cộng đồng. Ông Ngô Duy Bình- Giám đốc TTBTXH cho biết, chỉ từ năm 2014 đến nay, trung tâm đã có quyết định cho hơn 100 bệnh nhân đủ điều kiện sức khỏe và được người thân đón trở về gia đình, tái hòa nhập cộng đồng. Hiện trung tâm đang quản lý theo hồ sơ 546 BN tâm thần, trong đó hơn 400 bệnh nhân thường trú tại tỉnh TT-Huế, còn lại là bệnh nhân của các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh...
Tạo việc làm cho bệnh nhân...
Cũng theo ông Bình, số bệnh nhân của trung tâm hiện đang quá tải bởi theo đúng chuẩn được phê duyệt thì chỉ tiếp nhận được khoảng 400 lượt người, tuy nhiên, hiện số lượng bệnh nhân đã vượt hơn 150 người. Do không có đủ chỗ ở cũng như đảm bảo giáo dục, dạy nghề nên trung tâm buộc phải chuyển hơn 150 bệnh nhân nữ tâm thần sang ở chung với cơ sở của các học viên cai nghiện. Đây cũng là bất cập đáng lo ngại của trung tâm. Ngoài ra, trung tâm có hơn 10 học viên cai nghiện ma túy, hầu hết các bệnh nhân vào đây ngoài điều trị thuốc để cắt cơn nghiện còn được tham gia học nghề và các hoạt động lao động trị liệu.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài việc được đào tạo dạy nghề, nuôi dưỡng, chăm sóc y tế, điều trị bệnh…, các học viên còn được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao giúp họ có thêm động lực, niềm vui trong cuộc sống. Em T.T.H (25 tuổi) chia sẻ: Em vào trung tâm này nhiều năm rồi, bệnh của em cũng đã giảm nhiều so với trước. Nhưng giờ em không muốn trở về vì không còn người thân thích nào cả và giờ đây, trung tâm như là ngôi nhà thứ hai của em". Bà Hà Thị Hồng Phương- phụ trách giáo dục hướng nghiệp và các hoạt động tại trung tâm cho biết, trong những năm qua, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho BN luôn được trung tâm chú trọng quan tâm. Đây là một trong những hoạt động rất quan trọng trong chuỗi hoạt động trị liệu cho bệnh nhân, giúp họ có thể thuyên giảm bệnh, đồng thời cải thiện bữa ăn của mình. Các ngành nghề được trung tâm triển khai dạy cho người bệnh như: may công nghiệp, làm hương, xâu chuỗi hạt... Theo bà Phương, để tạo việc làm cho các học viên, TTBTXH TT-Huế tranh thủ nguồn kinh phí từ các dự án xã hội như: dự án nuôi vịt và cải tạo đất màu trồng rau sạch; dự án hỗ trợ cho học viên về chăn nuôi heo, gà do Đại sứ quán một số nước giúp đỡ...
...là một trong những hoạt động quan trọng trong chuỗi hoạt động trị liệu tại Trung tâm
Chia sẻ với phóng viên, ông Ngô Duy Bình cho biết, trước tình trạng quá tải, trung tâm đã nhiều lần đề xuất và hiện, tỉnh đã có chủ trương cho mở rộng thêm 3,5 ha để xây dựng các khu hoạt động như sân bóng, công viên, phòng ở cho bệnh nhân... Nhưng, đến nay vẫn chưa thể xây dựng vì trung tâm không có kinh phí đền bù giải tỏa cho những hộ dân nằm trong diện đền bù. "Để bệnh nhân được điều trị cũng như có những không gian tập luyện giúp quá trình trị liệu có hiệu quả, trung tâm rất mong đươc sự quan tâm của các cấp chính quyền sớm hỗ trợ mở rộng diện tích"- ông Bình nói. Và, một khao khát lớn nhất của những người đang làm việc tại TTBTXH tỉnh TT-Huế là có 1 bác sĩ đa khoa (BSĐK) về công tác tại đây để điều trị, khám bệnh cho BN. Với số lượng bệnh nhân quá đông nhưng do nhiều năm nay, tuyển không ra BS nên việc chăm sóc sức khỏe cho toàn bộ bệnh nhân tại trung tâm đều phụ thuộc vào đội y sĩ vỏn vẹn chưa đến 10 người. Như vậy, cứ trung bình một cán bộ y tế phải chăm sóc gần 100 bệnh nhân. "Chúng tôi làm việc dường như không kể giờ giấc, làm khi nào hết việc mới về. Dù công việc rất vất vả nhưng nghĩ lại hoàn cảnh của những người bệnh rất đáng thương, nhiều người họ vào đây hơn chục năm nhưng chưa khi nào có người thân đến thăm nên dù khó khăn đến mấy mình cũng luôn sát cánh để giúp đỡ, chia sẻ với bệnh nhân"- một nữ y sĩ chia sẻ.
Tuy nhiên, mặc dù đã nhiều lần đăng tuyển và thậm chí có cơ chế đãi ngộ để mời BS về trung tâm làm việc nhưng vẫn không có ai tình nguyện về. "Từ ngày trung tâm thành lập đến nay đã gần 33 năm nhưng chưa có một BS nào về đây công tác. Có lẽ do trung tâm cách xa thành phố, ngoài ra, do điều kiện làm việc ở đây khó khăn và một BSĐK khi về công tác tại đây rất khó phát huy tay nghề nên đó cũng có thể là lý do khiến nhiều người từ chối"- ông Bình chia sẻ. Trước mắt, để đảm bảo quá trình điều trị cho các BN, hàng tuần, trung tâm phối hợp với Bệnh viện Tâm thần Huế hỗ trợ các bác sĩ thăm, khám. Tuy nhiên, hiện trung tâm có nhiều học viên cai nghiện, hàng ngày phải sử dụng thuốc cắt cơn nên về lâu dài rất cần một BS chuyên môn. Đây sẽ là cơ hội giúp các học viên, người bệnh sớm có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng.
T. Quyên

 

TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
“Bữa ăn hạnh phúc” cùng 662 phần quà được trao cho học sinh trường Khao Mang
Đắk Lắk: Chăm lo chu đáo đời sống đối tượng bảo trợ xã hội
Chương trình “Xuân biên cương - Tết ấm cho em – Hội chợ Tết 0 đồng”
Người dân Hà Nội 'xé rào', đi ngược chiều trên đường Lê Quang Đạo
Mang chim thú, cây lạ về nhà, coi chừng phạm pháp
Chương trình Tết đồng bào 2025: Mang Tết sớm đến với đồng bào vùng cao huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng
Bắc Giang: Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Chương trình 'Tết cho trẻ em nghèo' trao tặng hàng chục suất quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn
Hà Nội: Chợ đồ cũ Vạn Phúc sầm uất, tiểu thương vẫn gặp khó