Đây là một trong những hoạt động nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người có rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 – 2020 (gọi tắt là Đề án 1215). Tham dự Lễ khai giảng, có TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội; TS. Hà Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động - Xã hội; TS.Trần Hữu Hà, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, cùng các giảng viên đến từ Khoa Công tác xã hội (Trường Đại học Lao động - Xã hội) và 50 học viên là lãnh đạo các Sở LĐTBXH, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, lãnh đạo và chuyên viên các Trung tâm chăm sóc, phục hồi chức năng người bệnh tâm thần, Trung tâm Công tác xã hội các tỉnh, thành phố.
Các đại biểu tham dự chủ trì
Phát biểu khai mạc Khóa đào tạo, TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội khẳng định: Qua gần 10 năm triển khai thực hiện Đề án 1215, chúng ta đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng về lĩnh vực chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đặc biệt là 2 ngành LĐTBXH và ngành Y tế. Theo Nghị định 136, cả nước có khoảng 30.000 người tâm thần nặng, phân liệt đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng với mức hệ số 2, 3, thậm chí có người hưởng mức hệ số 4. Số người bệnh tâm thần nặng đang được chăm sóc tại các cơ sơ y tế là hơn 20.000 người. Thống kê trên thế giới, có khoảng 10% đối tượng mắc bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, với những đối tượng tâm thần không dùng thuốc thì vai trò của ngành LĐTBXH là rất lớn trong đó phải kể đến vai trò của các Trung tâm CTXH, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm chăm sóc người bệnh tâm thần.
Thực hiện Quyết định số 1215/QĐ-TTg, đến nay cả nước đã hình thành và phát triển được 50 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, đạt công suất tiếp nhận, chăm sóc và phục hồi chức năng cho 13.000 giường đối tượng. Bên cạnh hoạt động chuyên môn, phần lớn các cơ sở đều liên kết với tiểu thương, tổ chức, cá nhân tổ chức lao động sản xuất, hướng nghiệp và dạy nghề, tạo việc làm cho người tâm thần, với các nghề như: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng nấm, sản xuất hương, vàng mã, giấy bản, trồng cây cảnh..., tạo thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng đời sống và tinh thần cho đối tượng. Điển hình trong số đó là Trung tâm Điều dưỡng và phục hồi chức năng tâm thần các tỉnh, thành phố: Hải Dương, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Việt Trì, Ninh Bình, Hà Nội, Sơn La, Nghệ An và Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An. Nhiều trung tâm đã tự bảo đảm thực phẩm hàng ngày cho đối tượng và còn cung cấp thực phẩm, sản phẩm ra ngoài thị trường; tổ chức hội thi giọng hát hay, tập cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, tổ chức kéo co và các hoạt động tự quản, văn hoá, thể thao, các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khoẻ của từng nhóm đối tượng. Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương đưa đối tượng đủ điều kiện hoặc tự nguyện xin ra khỏi trung tâm trở về với gia đình, tái hoà nhập cộng đồng; hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối tượng ổn định cuộc sống.
TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động - Xã hội phát biểu tại Lễ khai giảng
Chia sẻ tại Lễ khai giảng, TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động - Xã hội cho rằng: Chăm sóc sức khỏe tâm thần chính là chăm sóc con người cụ thể và sức khỏe tâm thần luôn tiềm ẩn trong mỗi con người chúng ta, ai cũng có thể có, chứ không phải chỉ riêng người khuyết tật mới có. Vì vậy, việc học nâng cao nhận thức, làm tốt công tác của mình là nhiệm vụ quan trọng của mỗi học viên. Với tư cách là đơn vị truyền thông của Bộ LĐTBXH, Tạp chí Lao động và Xã hội rất mong muốn được phối hợp, chia sẻ thông tin để đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng xã hội, cho mọi người hiểu được hoạt động của việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho xã hội.
TS. Trần Ngọc Diễn cũng mong muốn, qua những khóa học được tổ chức như thế này, sẽ có những học viên trở thành những cộng tác viên viết bài chia sẻ với cơ quan báo chí truyền thông về những công việc thầm lặng, ý nghĩa mà họ đang làm để các cơ quan báo chí có cơ hội đưa tin về những câu chuyện cổ tích đời thường, những đối tượng tâm thần nếu không có người chăm sóc thì không thể có được cuộc sống bình thường. Đồng thời, thông qua đó để cộng đồng xã hội hiểu biết được nhiều hơn những hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần, những vấn đề chúng ta đang phải đối mặt hàng ngày. Các thầy, cô chính là những người truyền thêm cảm hứng cho học viên, không chỉ trong học tập mà còn cả trong công tác chuyên môn.
TS. Hà Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động - Xã hội phát biểu tại Lễ khai giảng
Theo TS. Hà Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động - Xã hội, lĩnh vực công tác xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe cho đối tượng tâm thần nói riêng luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta. Đề án 1215 được ban hành với mục tiêu huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng để trợ giúp về vật chất, tinh thần, phục hồi chức năng cho người tâm thần, giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, đồng thời giúp phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí bị tâm thần góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để thực hiện được mục tiêu này, công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần là hết sức quan trọng. Do vậy, để khóa học thành công, trong quá trình học, các học viên cần tích cực trao đổi, thảo luận những vấn đề vướng mắc, khó khăn thực tế ở địa phương, cơ sở.
Trong năm 2019, Cục Bảo trợ xã hội sẽ phối hợp tổ chức 3 lớp Đào tạo cán bộ quản lý chăm sóc sức khỏe tâm thần tại 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Thông qua khóa học, sẽ giúp các cán bộ quản lý trợ giúp xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần nâng cao năng lực chuyên môn trong việc đáp ứng các nhu cầu trợ giúp cho người tâm thần, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí./.
Hồng Phượng