Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) quan tâm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng
07:39 PM 20/07/2021
(LĐXH)- Phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, việc thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với nước được huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) đặc biệt quan tâm, chăm lo, trong đó tập trung giải quyết dứt điểm hồ sơ thương binh, liệt sĩ còn tồn đọng.
Thống kê cho thấy, toàn huyện Vĩnh Linh có gần 5.300 liệt sĩ; trên 3.300 thương binh, bệnh binh; gần 1.100 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ bị nhiễm di chứng; 732 Bà mẹ Việt Nam anh hùng...​
Huyện Vĩnh Linh tặng quà cho các gia đình người có công
Từ năm 2013 - 2020, trung bình mỗi năm huyện Vĩnh Linh trình Sở LĐTB&XH và các cơ quan liên quan khoảng 1.560 hồ sơ, chính sách các loại.
Thực hiện Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLTBLĐTBXH- BQP ngày 22/10/2013 của liên Bộ LĐTB&XH, BQP về việc hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ; Quyết định 408/QĐLĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH về việc ban hành Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công và Kế hoạch số 4374/KHUBND ngày 31/8/2017 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng trên địa bàn tỉnh, UBND huyện Vĩnh Linh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch triển khai về các địa phương xem xét, đề nghị xác nhận người có công với cách mạng, chủ yếu hồ sơ thương binh, liệt sĩ tồn đọng.
Huyện Vĩnh Linh yêu cầu việc xem xét, đề nghị xác nhận người có công với cách mạng nói chung, hồ sơ thương binh, liệt sĩ nói riêng phải được thực hiện theo đúng quy trình chặt chẽ, nghiêm túc, bám sát các văn bản quy phạm pháp luật.
Vận dụng linh hoạt, cụ thể từng trường hợp, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của địa phương, đồng thời tích cực tìm kiếm, khai thác mọi nguồn thông tin có căn cứ, cơ sở để phục vụ việc xác nhận.
Đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các cá nhân, tổ chức liên quan, chú trọng dựa vào dân. Đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, tạo điều kiện để Nhân dân tham gia giám sát quá trình xét duyệt hồ sơ. 
Sau khi rà soát hồ sơ người có công tồn đọng, theo thống kê toàn huyện có 24 hồ sơ người có công đề nghị xác nhận liệt sĩ thực hiện theo Thông tư 28/TTLTBLĐTBXH- BQP thuộc lực lượng dân chính; 18 hồ sơ liệt sĩ thuộc ngành quân đội, công an; 4 hồ sơ theo Quyết định 408/2017/QĐ- BLĐTBXH, 1 hồ sơ thương binh.
Về tiến độ thực hiện, đối với các hồ sơ người có công thuộc lực lượng dân chính, trong giai đoạn 2013- 2018, huyện Vĩnh Linh đã lập hồ sơ, xét duyệt và trình lên Sở LĐTB&XH, UBND tỉnh, Bộ LĐ-TB&XH. Kết quả, hiện nay đã có 12 hồ sơ xét theo Thông tư 28/TTLT- BLĐTBXHBQP đã được xác nhận liệt sĩ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công.
Trong quý I/2021, Chính phủ đã công nhận thêm 3 trường hợp hồ sơ người có công theo Quyết định 408/2017/QĐ- BLĐTBXH là liệt sĩ, gồm các liệt sĩ: Ngô Ánh Dương, xã Vĩnh Giang; Trần Hữu Hoạch, xã Vĩnh Sơn; Nguyễn Thị Nậy, xã Hiền Thành và thực hiện chế độ trợ cấp liên quan. Tiếp tục rà soát, bổ sung trường hợp liệt sĩ Nguyễn Văn Cân ở xã Vĩnh Sơn, hồ sơ liệt sĩ đã được giải quyết và cấp bằng Tổ quốc ghi công trước năm 2005. 
Đối với hồ sơ liệt sĩ thuộc ngành quân đội, công an có 18 hồ sơ của các địa phương đề nghị, UBND huyện đã đôn đốc các cơ quan chuyên môn tiến hành thẩm tra, xác minh; hướng dẫn công dân kê khai nộp hồ sơ theo quy định, phấn đấu trước 30/4/2021 cơ bản thụ lý, xét duyệt những hồ sơ đủ điều kiện để trình cấp có thẩm quyền giải quyết.
Về hồ sơ thương binh, Bộ LĐTB&XH đã có thông báo khám thương tật cho bà Nguyễn Thị Thành ở xã Vĩnh Giang.
Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Vĩnh Linh Nguyễn Ái Tân cho biết, hiện tại đối với người có công đề nghị khám thương tật, huyện Vĩnh Linh không còn tồn đọng hồ sơ của công dân. Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các chính sách ưu đãi người có công đã được huyện Vĩnh Linh thực hiện triệt để, hiệu quả. Từ đó từng bước giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, liệt sĩ.
Đảm bảo người có công với cách mạng được hưởng đúng, hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước; thể hiện sự ghi nhận và biết ơn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với công lao của những người đã không tiếc máu xương, tuổi xuân cống hiến vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Có thể khẳng định, cùng với cả hệ thống chính trị, ngoài tập trung phát triển kinh tế để đảm bảo đời sống cho nhân dân, việc thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, vận động toàn xã hội tham gia vào các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, nâng cao mức sống của người có công và thân nhân người có công với cách mạng được huyện Vĩnh Linh triển khai nghiêm túc, đồng bộ./.  
Nguyên Đồng
TAG:
Tin khác
Trách nhiệm và nghĩa tình ở vùng đất cách mạng Trường Sơn
Cẩm Xuyên: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
Người thầy thuốc bước ra từ cửa phật, lan tỏa yêu thương giữa đời
Huyện Thạch Hà: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững
Đoàn công tác của Quỹ Châu Á thăm điểm giao dịch  xã và khách hàng vay vốn của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội
Vốn vay ưu đãi giúp người dân Hà Tĩnh vươn lên thoát nghèo bền vững
Mỗi học sinh là một đại sứ trong công cuộc phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ
Hà Giang: Nỗ lực giải phóng những “vùng đất chết” trả lại đất đai an toàn để phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Hỗ trợ nạn nhân mua bán người trở về tái hòa nhập xã hội bền vững