Huyện Vĩnh Bảo tích cực thực hiện cho vay tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm
(LĐXH)-Vĩnh Bảo là một huyện thuần nông nằm cách xa trung tâm thành phố 40km, có 30 xã thị trấn, mức thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Tổng số hộ trên địa bàn huyện là 65.926 hộ, trong đó số hộ nghèo là 1.492 hộ, chiếm tỷ lệ 2.26%, số hộ cận nghèo là 2.144 hộ, chiếm tỷ lệ 3.25%.
Tốc độ đô thị hóa trên địa bàn huyện đã dẫn đến tình trạng đất nông nghiệp thu hẹp đầu tư vào các dự án khu công nghiệp, nông dân không còn tư liệu sản xuất, nhu cầu về đào tạo tay nghề, giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người lao động trở nên cấp thiết. Mặt khác, nhu cầu mở rộng các mô hình chăn nuôi trang trại, chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện thời gian gần đây rất phát triển.
Trong những năm qua, Đảng bộ và UBND huyện Vĩnh Bảo luôn coi trọng và gắn phát triển kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội, chú trọng giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội bức xúc về việc làm, xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội... Bám sát mục tiêu đó, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Vĩnh Bảo đã phối kết hợp chặt chẽ với các phòng, ban ngành của huyện, các cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể triển khai thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi, đặc biệt là Chương trình tín dụng giải quyết việc làm để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động.
Theo đánh giá, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã bám sát nghị quyết Đảng bộ, nghị quyết Ban đại diện HĐQT thành phố, huyện và sự chỉ đạo của Chi nhánh NHCSXH thành phố để triển khai và thực hiện nhiệm vụ đảm bảo đúng cơ chế, chế độ quy định. Đồng thời phối kết hợp chặt chẽ với Phòng Lao động Thương binh và xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức hội nhận ủy thác, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, tìm dự án, hướng dẫn và định hướng cách thức SXKD, khoa học kỹ thuật…hướng dẫn lập hồ sơ và thực hiện cho vay nhanh chóng, kịp thời, không gây phiền hà, chậm chễ. Phòng cũng thường xuyên theo dõi kiểm tra, giám sát việc vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích và bám sát đôn đốc các dự án không để tồn đọng nợ, hạn chế thấp nhất việc phát sinh nợ quá hạn.
Tính đến 31/10/2022, tổng nguồn vốn chương trình tín dụng giải quyết việc làm của huyện Vĩnh Bảo đạt 45.748 triệu đồng, tăng 16.991 triệu đồng, tỷ lệ tăng 59% so với năm 2021. Trong đó: Nguồn vốn trung ương là 25.943 triệu đồng và nguồn vốn địa phương là 19.805 triệu đồng.
Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã cho 418 dự án vay với tổng doanh số cho vay là 25.783 triệu đồng. Doanh số thu nợ là 9.138 triệu đồng. Dư nợ là 45.748 triệu đồng của 849 dự án vay vốn với 849 hộ vay vốn.
Nhìn chung, nguồn vốn đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập và tạo việc làm cho người lao động. Từ đó góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, giảm tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm khu vực nông thôn.
Bình quân hàng năm, hoạt động vay vốn đã tạo việc làm cho trên 150 người lao động tại địa phương thông qua các dự án vay vốn để nuôi trồng thủy sản; làm trang trại gà, lợn, thuỷ cầm; sản xuất và khai thác VLXD; các dự án tiểu thủ công nghiệp;... Nhờ đó, góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động và tác động tích cực đến đời sống kinh tế của người dân tại những vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. So với 5 năm trước, số hộ nghèo của địa phương từ trên 3,5% đến nay chỉ còn hơn 1%.
Bên cạnh việc cho vay các dự án cơ sở sản xuất kinh doanh, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Vĩnh Bảo còn cho vay đến các hộ gia đình thông qua phương thức ủy thác cho vay qua các tổ chức Hội. Nhờ hoạt động vay vốn, người dân được hướng dẫn cách thức làm ăn, áp dụng những tiến bộ mới vào sản xuất, cách sử dụng vốn có hiệu quả, có điều kiện thực hiện thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần tăng thêm sản phẩm xã hội. Đồng vốn cho vay đã chuyển tải tới các xã, thị trấn, với bình quân dư nợ 20 triệu đồng/hộ. Tuy là số tiền nhỏ nhưng bước đầu tập dượt cho hộ vay biết sử dụng vốn tín dụng, có ý nghĩa thiết thực và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của hộ gia đình.
Cũng nhờ có đồng vốn vay của NHCSXH nhiều địa phương đã xây dựng được các mô hình phát triển kinh tế điển hình, thúc đẩy hội viên thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết tương trợ, giúp đỡ nhau giảm nghèo, tạo việc làm ổn định, làm giàu chính đáng. Những xã nghèo, huyện nghèo đã có nhiều sự khởi sắc, thay đổi về bộ mặt kinh tế ở nông thôn./.
Mỹ Hằng
TAG: