An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Huyện Tuy Phước (Bình Định): Đẩy mạnh đào tạo nghề, góp phần giảm nghèo bền vững
02:41 PM 13/09/2020
(LĐXH) – Trong những năm qua, huyện Tuy Phước (Bình Định) luôn xác định Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là giải pháp quan trọng góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững và mang lại cơ hội lập nghiệp, tạo dựng cuộc sống ổn định cho người dân.
Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), giai đoạn 2010 – 20202, các cấp, các ngành, hội đoàn thể trên địa bàn huyện Tuy Phước đã phối hợp với các đơn vị dạy nghề của tỉnh, huyện mở 183 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 6.597 LĐNT (trong đó 95 lớp nghề phi nông nghiệp với 3.710 học viên; 88 lớp nghề nông nghiệp với 2.887 học viên)với tổng kinh phí thực hiện trên 7 tỷ đồng. Sau khi học nghề, tất cả học viên đều có việc làm hoặc tự tạo việc làm cho bản thân và gia đình người học. Nhìn chung, việc triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn đã góp phần nâng cao chất lượng, kỹ năng nghề nghiệp cho LĐNT, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện tăng lên hàng năm, từ 32,39% năm 2010 lên 53,25% cuối năm 2019. Kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã tác động đáng kể đến công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Tuy Phước.

Mô hình đan lát thủ công góp phần giải quyết việc làm cho người dân huyện Tuy Phước
Tính đến cuối năm 2019, toàn huyện có 4.091 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 8,65% cuối năm 2015 xuống còn 2,58% cuối năm 2019 (giảm 6,07%, vượt 1,07% so với kế hoạch). Đáng chú ý, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, như liên kết đào tạo nghề may công nghiệp giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp (đã phối hợp đào tạo nghề cho 150 công nhân tại Công ty TNHH SX-TM-DV may Phước Sơn); đào tạo nghề do các doanh nghiệp trực tiếp đào tạo gắn với giải quyết việc làm tại chỗ; thành lập các tổ, nhóm hợp tác làm nghề đan nhựa giả mây, may công nghiệp, tạo dáng và chăm sóc cây cảnh,...
Đặc biệt, trong những năm gần đây, Tuy Phước cũng đã tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành Du lịch với các nghề kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng; có trên 90% lao động sau đào tạo được tuyển dụng và có việc làm ổn định. Nhiều lao động nữ ở nông thôn sau khi học nghề đã thành lập các tổ, nhóm dịch vụ nấu ăn phục vụ tiệc cưới hỏi, hội nghị, mở nhà hàng... Đối với lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, LĐNT được hỗ trợ học nghề đã đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, như nghề trồng và nhân giống nấm, trồng hoa cúc, hồng, đồng tiền, trồng rau an toàn,.....
Quá trình tổ chức thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT, huyện đã chủ trương, khuyến khích các địa phương chủ động tìm kiếm, liên kết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia dạy nghề gắn với giải quyết việc làm; trong đó, nghề đan nhựa giả mây, may công nghiệp phù hợp điều kiện, sở thích, nhu cầu của đa số lao động, nhất là góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho phụ nữ, thanh nhiên và lao động tranh thủ thủ thời gian nhàn rỗi, nhận hàng về gia công, tăng thu nhập từ 3 triệu - 5 triệu đồng/người/tháng, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình.Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 50 cơ sở nhận hàng gia công đồ may mặc và sản xuất hàng đan nhựa giả mây ở các địa phương như: thị trấn Tuy Phước, Phước An, Phước Nghĩa, Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Hiệp,… đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động ở địa phương. 
Để thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề cho LĐNT, hằng năm UBND huyện xây dựng kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng cho LĐNT trên địa bàn huyện làm cơ sở để cơ quan thường trực, các ngành, đoàn thể liên quan và các địa phương triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đến nay, huyện đã tổ chức 161 lớp đào tạo nghề lưu động với hàng ngàn lượt LĐNT trên địa bàn huyện tham gia. Nhờ vậy, số lượng lớn LĐNT sau khi học nghề đã tiếp cận,cập nhật được kiến thức mới về lĩnh vực được đào tạo, áp dụng vào sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm, góp phần tích cực trong việc thay đổi tư duy lao động sản xuất, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững trong khu vực nông thôn.
Vốn vay từ NHCSXH huyện góp phần giúp người nghèo có việc làm ổn định
Ngoài tập trung công tác đào tạo nghề cho LĐNT, Tuy Phước còn phối hợp với NHCSXH huyện triển khai ưu tiên cho địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cao vay vốn. Riêng trong 6 tháng đầu của năm 2020, Ngân hàng CSXH huyện Tuy Phước đã đẩy mạnh giải ngân, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 373,85 tỷ đồng, đạt 99,3% kế hoạch tỉnh giao, tăng 47,9 tỷ đồng, với hơn 11.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Đến nay toàn huyện đã xây dựng 13 điểm giao dịch tại xã với 232 tổ tiết kiệm và vay vốn. Tổng số tiền gửi từ các tổ tiết kiệm và vay vốn đạt gần 26 tỷ đồng, tiền gửi từ dân cư hơn 10,2 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ tham gia gửi tiết kiệm qua tổ đạt 98% trở lên. Đến nay, doanh số cho vay của Ngân hàng CSXH huyện Tuy Phước đạt 115,5 tỷ đồng, tăng gần 48 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước; với 3.349 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Doanh số cho vay tập trung chủ yếu vào một số chương trình, như: Cho vay duy trì và mở rộng việc làm gần 33,7 tỷ đồng, cho vay hộ nghèo gần 13 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo gần 18,5 tỷ đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo hơn 9,1 tỷ đồng, cho vay xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn gần 23,6 tỷ đồng, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn hơn 7 tỷ đồng...
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Phòng Lao động - TB&XH huyện Tuy Phước cho biết: “Trong thời gian đến, huyện Tuy Phước sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng các ngành nghề theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 - 2025, góp phần giảm nghèo bền vững. Phấn đấu tỷ lệ LĐNT có việc làm sau khi học nghề đạt trên 85%; 100% LĐNT được tuyên truyền, phổ biến về chính sách học nghề theo quy định”./.
Thục Quyên
 
 
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Hà Tĩnh giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo
Phòng chống bạo lực học đường dưới góc nhìn của các đại biểu Quốc hội trẻ em
Phú Yên tập trung xóa nhà tạm cho người nghèo
Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị hướng dẫn thực hiện Hiệp định Việt Nam - Hàn Quốc về BHXH tại TPHCM
100% đại biểu “Quốc hội trẻ em” biểu quyết thống nhất cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Huyện Phù Cát: Tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Hòn Đất: Cuối năm 2024 dự kiến tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 1,24%...
Lai Châu: Nhiều hoạt động thăm hỏi và tặng quà trong dịp Trung thu cho trẻ em
'Quốc hội trẻ em' kỳ họp lần thứ 2 chính thức khai mạc