An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Huyện Yên Châu (Sơn La): Nỗ lực giảm nghèo nhanh và bền vững
04:01 PM 27/10/2020
Những năm qua, nhờ lựa chọn được hướng đi đúng, huyện miền núi Yên Châu (Sơn La) đã “gặt hái” được nhiều thành công trong công tác giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm mạnh. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong huyện ngày càng cải thiện, nâng cao.
Chú trọng công tác đào tạo nghề
Huyện Yên Châu có 5 dân tộc sinh sống, trong đó dân số thuộc dân tộc thiểu số chiếm hơn 70%. Đời sống của người dân trong huyện còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trên cơ sở phân tích thực trạng, nguyên nhân, huyện Yên Châu đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, với quyết tâm giảm mạnh hộ nghèo trên địa bàn. Huyện đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, giai đoạn 2015 – 2020 về việc làm, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Nhờ được đào tạo nghề trồng trọt, nhiều lao động nông thôn đã biết áp dụng kiến thức vào phát triển sản xuất, tăng thu nhập
Trao đổi với phóng viên, ông Hà Như Huệ - Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: "Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện về việc làm, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, Đảng bộ huyện luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy. Đặc biệt, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ huyện đã có sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành trong huyện và sự đồng thuận, nhất trí cao của người dân trên địa bàn. Các chương trình, chính sách của Trung ương, của tỉnh đối với các xã vùng cao, biên giới, các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn đã và đang được huyện triển khai có hiệu quả. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện".
Để có thể giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Yên Châu đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Một mặt, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm khơi gợi ý chí thoát nghèo của người dân. Mặt khác, huyện Yên Châu tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Tìm hiểu được biết, không phải ngẫu nhiên mà huyện Yên Châu lại quan tâm sát sao đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn như vậy. Thực tế cho thấy, lực lượng lao động ở nông thôn trên địa bàn huyện, chưa qua đào tạo nghề còn chiếm tỷ lệ cao. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện ngày càng nề nếp. Bởi lẽ, công tác này đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến các xã. Đến thời điểm này, tỷ lệ lao động trong độ tuổi được học nghề của huyện đạt hơn 33,6%. Chỉ tính trong giai đoạn 2015 – 2020, huyện Yên Châu đã giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động.
Cùng với đào tạo nghề ngắn hạn, huyện Yên Châu còn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật cho người dân. Có kiến thức trong tay, người dân các xã, bản trong huyện mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Những cây trồng có giá trị kinh tế cao dần được người dân đưa vào thay thế cây ngô, cây sắn. Diện tích cây ăn quả các loại trong huyện không ngừng tăng lên. Nhiều cây ăn quả như: Xoài, nhãn, chuối... đã sớm trở thành cây chủ lực, mở hướng thoát nghèo cho người dân.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh
Đến thăm bản Chiềng Ban II (xã Tú Nang, huyện Yên Châu), chúng tôi không ngỡ ngàng trước những vườn cây ăn quả tốt tươi xen lẫn màu xanh mướt mát của các loại rau. Bản Chiềng Ban II là bản đi đầu của xã Tú Nang về chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả kết hợp với rau xanh.

Đặc sản xoài tròn Yên Châu được bà con bày bán bên đường.
Trò chuyện với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hồng, dân bản Chiềng Ban II, phấn khởi nói: "Từ khi hình thành mô hình trồng rau xanh kết hợp với cây ăn quả, đời sống, thu nhập của người dân trong bản ngày càng nâng lên. Cũng nhờ chuyển sang trồng cây ăn quả, nên gia đình tôi mới ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế gấp nhiều lần so với trồng ngô, sắn...".
Mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào chăm sóc cây trồng, vật nuôi, nhiều hộ dân ở Yên Châu đã thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo trong huyện giảm từ 43,17% (năm 2016) xuống còn 31,46% (năm 2019). Dự kiến đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 28,17%.
Theo Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, thời gian tới, huyện Yên Châu sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, thực hiện có hiệu quả bảo hiểm y tế, học bổng cho học sinh nghèo, chính sách hỗ trợ trực tiếp đến hộ nghèo... phấn đấu giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo, xóa xong nhà ở tạm trên địa bàn huyện. Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các xã khó khăn, biên giới. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội và giải quyết tốt các vấn đề về lao động và việc làm, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, nhất là lao động nông thôn./.

Thanh Ngân
TAG:
Tin khác
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store
Xe mô tô, xe máy được phép cải tạo từ tháng 1/2025
Herbalife Việt Nam tài trợ Chương trình “Chào Năm Mới 2025” tại Hà Nội để khuyến khích lối sống năng động lành mạnh
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
Huyện Châu Phú: Thiết thực tri ân người có công với cách mạng
An Giang: Không còn hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng thuộc quy định giải quyết
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng