Huyện Thanh Sơn (Phú Thọ): Thực hiệu hiệu quả chính sách cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Thanh Sơn là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, có 61,5% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS). Thời gian qua, huyện luôn quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS, tạo điều kiện để người có uy tín phát huy vai trò trong cộng đồng, khuyến khích họ tham gia vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chính sách dân tộc ở địa phương.
Nhân dân bản Dao Xuân Thắng (xã Tất Thắng) bên con đường vào bản mới mở, trong đó có sự góp công, góp của, hiến đất, giải phóng mặt bằng của nhiều hộ dân
Trong 10 năm qua, huyện có 2.154 lượt người được bầu chọn là người có uy tín trong đồng bào DTTS, trong đó tính riêng năm 2021 có 205 người được bầu chọn. Xác định người có uy tín trong đồng bào DTTS thực sự là cầu nối quan trọng của cấp ủy, chính quyền với nhân dân, hàng năm, huyện luôn dành nguồn lực để thực hiện chính sách cho người có uy tín, trong đó thường xuyên tổ chức hội nghị cung cấp thông tin, tham quan học tập, thăm hỏi ốm đau, thăm hỏi gia đình người có uy tín gặp khó khăn do thiên tai, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết của các dân tộc; đồng thời biểu dương, khen thưởng và cấp miễn phí Báo Nhân Dân, Báo Phú Thọ hàng ngày, Phú Thọ miền núi ấn phẩm Phú Thọ miền núi, Báo Đại đoàn kết, tạp chí Dân tộc và Phát triển cho người uy tín. Tổng kinh phí thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS giai đoạn 2011-2021 của huyện trên 1,5 tỉ đồng.
Với sự quan tâm đầy đủ về các chính sách đã góp phần động viên người có uy tín trong đồng bào DTTS phát huy tốt vai trò của mình, đi đầu gương mẫu trong thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, quy tụ, tập hợp đồng bào DTTS, đồng thời tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân cùng thực hiện, góp phần giữ gìn quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Đồng chí Phạm Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn chia sẻ: Bằng những kinh nghiệm và hiểu biết của mình, người uy tín thực sự là cầu nối chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của đồng bào đến với các cấp chính quyền, đóng góp thiết thực vào các chương trình phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng, xây dựng lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước thông qua các đợt tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Nhiều người tuy tuổi đã cao nhưng vẫn nhiệt tình tham gia công tác ở cơ sở, đảm nhận các chức vụ như Bí thư chi bộ, Trưởng khu dân cư, Trưởng ban công tác mặt trận, tham gia tổ hòa giải, tổ an ninh, là thành viên mẫu mực của các tổ chức chính trị - xã hội.
Đồng chí Phạm Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn chia sẻ: Bằng những kinh nghiệm và hiểu biết của mình, người uy tín thực sự là cầu nối chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của đồng bào đến với các cấp chính quyền, đóng góp thiết thực vào các chương trình phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng, xây dựng lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước thông qua các đợt tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Nhiều người tuy tuổi đã cao nhưng vẫn nhiệt tình tham gia công tác ở cơ sở, đảm nhận các chức vụ như Bí thư chi bộ, Trưởng khu dân cư, Trưởng ban công tác mặt trận, tham gia tổ hòa giải, tổ an ninh, là thành viên mẫu mực của các tổ chức chính trị - xã hội.
Lãnh đạo huyện Thanh Sơn gặp mặt, thăm hỏi, động viên người uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn
Trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, những người có uy tín luôn đi đầu trong học hỏi kinh nghiệm các mô hình sản xuất và biết cách tổ chức sản xuất theo phương pháp khoa học, mang lại hiệu quả cao. Họ không những làm giàu cho gia đình mà còn phổ biến, giúp đỡ, hướng dẫn nhiều người trong xóm, làng các phương thức sản xuất hiệu quả để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Ông Triệu Văn Quang, người có uy tín tại bản người Dao Thành Công, xã Văn Miếu chia sẻ: Nhiều năm nay, tôi được người dân bầu là Trưởng khu dân cư, đồng thời là người có uy tín trong đồng bào dân tộc. Từ khi được người dân tín nhiệm, tôi luôn trăn trở làm thế nào để giúp họ thoát nghèo. Tôi đã cùng với Chi bộ và khu tuyên truyền vận động người dân tham gia trồng rừng nguyên liệu giấy, trồng sơn, trồng chè, chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây ăn quả và phát triển chăn nuôi… Riêng gia đình tôi nhận hơn 20ha đất rừng và vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế tổng hợp: Trồng rừng, cây ăn quả, nuôi thả cá cho thu nhập ổn định.
Từ cách làm của ông Triệu Văn Quang, nhiều người dân trong khu đã đồng lòng ủng hộ và hưởng ứng làm theo. Đến nay, ở bản Thành Công, hầu như nhà nào cũng tham gia bảo vệ rừng và trồng rừng kinh tế, trồng sơn, chè, măng bát độ, đẩy mạnh chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Người dân trong bản đoàn kết, hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế. Nhiều năm liền trong khu không xảy ra các tai tệ nạn xã hội, khiếu kiện, khiếu nại, không có hoạt động tôn giáo trái phép. Đồng bào bản Dao tuyệt đối tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Ông Phùng Đức Hòa, dân tộc Mường, là người có uy tín của khu Đồn, xã Hương Cần cũng cho biết: Là cán bộ nghỉ hưu, tôi và gia đình không chỉ gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế và các hoạt động của khu dân cư mà còn tích cực vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nỗ lực sản xuất kinh doanh, xây dựng nông thôn mới... Với 7 sào ruộng, 5 sào màu, 13ha rừng trồng keo, sơn; kết hợp với nuôi lợn nái, hơn chục đõ ong, vài chục con nhím, gà, bồ câu…, tổng thu nhập của gia đình ông Hòa đạt khoảng trên 200 triệu đồng/năm. Không chỉ là tấm gương trong phát triển kinh tế gia đình và hướng dẫn bà con cùng phát triển kinh tế, người dân ở Hương Cần nhắc nhiều đến ông Phùng Đức Hòa với tư cách là một người có tấm lòng nhân hậu, là tấm gương điển hình cho các hoạt động tại địa phương, trong đó ông Hòa đã mua gần 20 triệu đồng tiền sách bổ sung cho các trường học trên địa bàn xã, tạo điều kiện cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn học tập tốt hơn. Việc làm, lời nói của ông Phùng Đức Hòa được nhiều người dân trong xã ủng hộ, noi theo. Khu Đồn- nơi ông sinh sống và được người dân bầu chọn là người uy tín trong đồng bào DTTS là một trong những khu phát triển nhất của xã Hương Cần và Hương Cần là một trong những địa phương có phong trào khuyến học, khuyến tài lan tỏa rộng khắp.
Có thể thấy, việc thực hiện các chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, từ những chính sách này đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho những người có uy tín đóng góp các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Đồng thời phát huy vai trò của người uy tín trong thực hiện công tác dân tộc, qua đó cho thấy người có uy tín trong đồng bào DTTS thực sự là cầu nối quan trọng của cấp ủy, chính quyền với nhân dân, là nơi tin cậy của cấp ủy chính quyền các cấp trong việc vận động, tuyên truyền đồng bào thực hiện tốt đường lối chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước./.
Hồng Phượng
TAG: