Huyện Sóc Sơn sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trong giải quyết việc làm và giảm nghèo
(LĐXH)-Trong thời gian qua, hoạt động tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội đã trở thành công cụ hữu hiệu trong công cuộc giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04-10-2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Huyện ủy, UBND huyện Sóc Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo của huyện.
Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã triển khai phương thức cho vay là cho vay trực tiếp, có ủy thác một số nội dung thông qua các tổ chức chính trị - xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện có 26 điểm giao dịch xã, thị trấn đều được bố trí trong khuôn viên của UBND các xã, thị trấn, thực hiện giao dịch vào ngày, giờ cố định hàng tháng (kể cả thứ bảy, chủ nhật). Tại đây, các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi, thông tin về điều kiện, quy trình, thủ tục vay vốn chương trình cho vay của Ngân hàng được niêm yết công khai.
Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chủ động phối hợp với các phòng, ban, ngành liên quan và các tổ chức chính trị - xã hội của Huyện triển khai kịp thời, đầy đủ nguồn vốn hỗ trợ cho vay đến các đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách trên địa bàn đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.
Chị La Thị Phương vừa được vay vốn giải quyết việc làm 50 triệu đồng chia sẻ với cán bộ NHCSXH kế hoạch sử dụng vốn vay
Tính đến ngày 31-5-2022, tổng nguồn vốn hoạt động tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sóc Sơn đã đạt 673 tỷ đồng, tăng 655 tỷ đồng, gấp 41 lần so với thời điểm thành lập, trong đó UBND huyện đã cân đối ngân sách chuyển 17,4 tỷ đồng sang Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác. Từ 02 chương trình tín dụng ban đầu dư nợ là 15 tỷ đồng, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai cho vay 09 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đạt 601 tỷ đồng, với 19.000 khách hàng vay vốn.
Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định 78 của Chính phủ, huyện đã tập trung nguồn lực tín dụng qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 88.600 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay, doanh số cho vay đạt 1.500 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 917 tỷ đồng, dự nợ bình quân 45 triệu đồng/khách hàng. Nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 100% xã, thị trấn, giúp cho 26.900 lượt hộ nghèo được vay vốn, trên 8.000 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 29.000 lao động, giúp cho 3.200 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, hỗ trợ xây mới và cải tạo 20.400 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng, sửa chữa 1.015 ngôi nhà cho hộ nghèo… giúp cho người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội có điều kiện tự vươn lên, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh đó, trong năm 2022, thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở nguồn vốn được giao, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã phối hợp với các sở ngành liên quan trình UBND thành phố phân bổ vốn cho vay đến các quận, huyện, thị xã và chỉ đạo các Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ và giải ngân cho vay. Theo đó, huyện Sóc Sơn được phân bổ 5 tỷ nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và 300 triệu đồng cho vay Học sinh sinh viên mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến. Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sóc Sơn đã cố gắng giải ngân hết số vốn được phân bổ theo lịch giao dịch tại các xã trong tháng 5/2022.
Bà Lê Thị Trần Nhung – Phó chủ tịch UBND xã Bắc Phú cho biết: “Xã Bắc Phú là một xã phần lớn người dân làm nông nghiệp và còn nhiều khó khăn, nguồn vốn tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đã được bổ sung rất kịp thời, động viên, trợ lực, tạo sinh kế, góp phần phục hồi kinh tế cho người dân trên địa bàn xã sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Người vay vốn Giải quyết việc làm được giải ngân đợt tháng 5/2022 này không chỉ được hỗ trợ vốn, còn được hỗ trợ 2% lãi suất trong 2 năm. Do đó, người dân rất phấn khởi, tin tưởng vào chính sách của Đảng, Nhà nước.
Chị La Thị Phương – thôn Bắc Vọng, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn cho biết: “Gia đình tôi có 2 vợ chồng làm nông nghiệp, trồng được 1 sào cỏ voi, đang nuôi 2 con bò. Giờ được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay thêm 50 triệu đồng, tôi sẽ nâng cấp chuồng trại và mua thêm 2 con bò nữa về nuôi. Đợt này gia đình tôi rất may mắn khi được Nhà nước hỗ trợ 2% lãi suất trong 2 năm, giúp chúng tôi giảm bớt gánh nặng trả lãi hàng tháng. Mong rằng, nguồn vốn vay này sẽ giúp gia đình tôi tạo việc làm, tăng thu nhập và có nguồn vốn hoàn trả cho Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đúng hạn sau 3 năm”.
Thời gian tới, huyện Sóc Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác; nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để thực hiện có hiệu quả chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần thực hiện thành công các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới. Củng cố tổ chức nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác tín dụng thông qua các tổ chức chính trị - xã hội. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, của tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và Ban đại diện Hội đồng Quản trị Huyện, phát huy vai trò giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện hoạt động tín dụng chính sách./.
Mỹ Hạnh
TAG: