Huyện Ninh Phước nỗ lực thoát nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới...
(LĐXH) – Huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (GNBV) và phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chính quyền, Mặt trận và tổ chức đoàn thể đã huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Các chính sách về chương trình giảm nghèo của Nhà nước giúp nông dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới...
Theo thống kê của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, số tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện cuối năm 2022 là 1.418 hộ, chiếm 3,48%, đến cuối năm 2023 qua rà soát số hộ nghèo còn 758 hộ, giảm còn 1,64%. Thời gian qua, huyện đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị đối thoại về công tác giảm nghèo ở các địa phương, trên cơ sở đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo sát với tình hình thực tế.
Cùng với đó, huyện tranh thủ các chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới... để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Trong năm 2023, huyện triển khai hỗ trợ xây dựng các mô hình chăn nuôi bò, dê, cừu sinh sản và vỗ béo ở các địa phương, với tổng kinh phí trên 14 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện còn thực hiện hiệu quả các các chính sách về hỗ trợ phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh truyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, trồng măng tây xanh, mô hình chăn nuôi bò, dê, cừu vỗ béo và sinh sản... giúp người nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Một trong những giải pháp quan trọng để giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững đó là huyện Ninh Phước luôn quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Thông qua các tổ chức đoàn thể đã duy trì việc nhận ủy thác nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội giúp cho hộ nghèo được vay vốn để đầu tư vào phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Ngoài hỗ trợ sản xuất, huyện Ninh Phước còn phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; chủ động liên kết đào tạo, kêu gọi các doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Trong năm 2023, huyện tổ chức 38 lớp đào tạo nghề, với 1.304 lao động tham gia; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 3.308 lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, giới thiệu 43 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Điển hình như gia đình ông Hồ Văn Hùng ở thôn Nhuận Đức (Phước Hữu, Ninh Phước). Trước đây, gia đình ông Hùng thuộc diện nghèo nhất thôn Nhuận Đức. Tài sản duy nhất của gia đình là một căn nhà xây gạch xưa cũ và 1,7 sào ruộng chủ động bơm tưới canh tác hai vụ lúa/năm. Với quyết tâm nuôi con học hành thành đạt để thoát nghèo, ông Hùng đã động viên con trai đầu là Hồ Văn Dũng - sinh năm 1991, đăng ký tuyển sinh vào khoa Công nghệ thông tin thuộc Trường Đại học Phan Thiết niên khóa 2009- 2013.
Cơ ngơi gia đình ông Hồ Văn Hùng sau khi đầu tư cho em Dũng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng
Sau khi ra trường, em Hồ Văn Dũng trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, biên chế về đơn vị Vùng 4 Hải Quân. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, Dũng đã vay vốn từ Ngân hành chính sách xã hội huyện và đăng ký tham gia lao động có thời hạn tại Nhật Bản từ năm 2017 tới nay. Với đức tính cần mẫn chịu thương chịu khó của người con nông dân làng Nhuận Đức, Hồ Văn Dũng nỗ lực lao động trong ngành cơ khí của công ty Nhật Bản và mang về thu nhập trung bình 20-25 triệu đồng/tháng. Trong các cuộc họp khu dân cư, anh Hùng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm và động viên bà con thôn xóm mạnh dạng đưa con em tham gia lao động ở các nước tiên tiến là cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững.
Không chỉ thực hiện có hiệu quả công tác vay vốn cho người nghèo đầu tư và phát triển sản xuất và xuất khẩu lao động, trong năm 2023, huyện Ninh Phước còn hỗ trợ xây dựng 23 nhà đại đoàn kết, với kinh phí trên 1,1 tỷ đồng; cấp trên 13.300 thẻ bảo hiểm y tế cho các hộ nghèo, cận nghèo và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ 950 triệu đồng cho 1.412 hộ...
Với những giải pháp thiết thực, cách làm phù hợp, công tác giảm nghèo ở huyện Ninh Phước đã đạt được những kết quả tích cực. Qua đó, giúp người dân có cơ hội phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Đồng chí Ngô Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Từ những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện tiếp tục phấn đấu giảm hộ nghèo bình quân mỗi năm 0,5% và giảm mạnh tỷ lệ hộ cận nghèo. Để thực hiện đạt chỉ tiêu, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn. Tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất; đẩy mạnh công tác dạy nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.
Khánh Quyên
TAG:
Ninh Thuậtn