Phú Yên: Nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
(LĐXH) - Những năm gần đây, nhờ thực hiện kịp thời và đồng bộ các chính sách dân tộc, đời sống kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi tỉnh Phú Yên ngày càng có nhiều thay đổi tích cực.
Mặc dù có xuất phát điểm thấp, nhưng nhờ sự hỗ trợ từ các chương trình, chính sách dân tộc, thời gian qua, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bài bản, triển khai nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh; đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu; chăn nuôi trang trại kết hợp…, đời sống người dân ngày càng ổn định.
Thu hoạch ngô sinh khối ở Phú Yên
Điển hình như gia đình ông La Mo Nõn, Thôn Suối Mây, xã Xuân Phước, là người dân tộc Chăm, ông La Mo Nõn được biết đến là một trong những người tiên phong trong việc phát triển kinh tế và trở thành hộ giàu của địa phương, tấm gương sáng trong phong trào giúp nhau làm kinh tế vươn lên thoát nghèo đáng để người dân học tập và làm theo, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên, ông La Mo Nõn là người không ngại khó ngại khổ, dám nghĩ dám làm. Với đức tính cần cù, ham học hỏi, ông La Mo Nõn đã biết tận dụng lấy ngắn nuôi dài, thu được đồng nào từ việc chăn nuôi anh lại đầu tư mở rộng mua đất chuyển sang trồng mía, trồng rừng, mua thêm máy móc để hỗ trợ sức lao động. Hiện tại, với tổng diện tích hơn 20ha rừng, 13ha mía, trung bình mỗi năm gia đình ông cho thu nhập trên 1 tỷ đồng.
Ðể chuyên nghiệp hóa và tận dụng nguồn thu, ban đầu với chỉ 01 chiếc máy cày để hỗ trợ sức lao động, đến nay gia đình ông La Mo Nõn đã có 03 xe ô tô tải, 01 máy cày đại, máy trồng mía trực tiếp phục vụ trồng, vận chuyển nông sản mía, keo đến tại nhà máy thu mua với giá tốt hơn (lúc trước thương lái đến tận nơi thu mua với giá rẻ). Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, ngoài ra, ông Nõn còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cho người dân trong thôn cùng làm, giúp đỡ bằng tiền mặt, hiện vật không tính lãi cho trên 20 hộ để cùng nhau phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều gia đình trong thôn đã mạnh dạn vay vốn làm ăn, cuộc sống các gia đình trở nên khấm khá hơn, vươn lên thoát nghèo.
Cũng như ông Nõn, ông Trần Duy Thân, Thôn Phước Lộc, xã Xuân Quang 3, xuất thân là nhân viên của trang trại rau sạch BB farm tại cao nguyên Vân Hòa, Sơn Hòa, Phú Yên, chuyên sản xuất rau củ quả sạch được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong quá trình làm rau sạch, ông Thân vẫn nuôi dưỡng ước mơ mở được trang trại rau sạch cho riêng mình tại quê nhà. tháng 4/2022, ông đã tiến hành xây dựng trang trại Thủy canh 2TFARM tại thôn Phước Lộc, xã Xuân Quang 3 với diện tích 220m2, chuyên trồng các loại rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, không thuốc kích thích, không chất bảo quản, không thuốc trừ sâu để trồng và khai thác các loại rau đa dạng như: xà lách tia giòn, xà lách búp giòn, xà lách xoăn giòn, cải ngọt, cần tây, sắp tới sẽ đưa vào trồng dâu tây Đà Lạt. Đây được coi làhướng đi mới hiệu quả mang lại thu nhập ổn định cho kinh tế hộ gia đình. Hiện nay, trang trại rau thủy canh và dâu tây của ông Trần Duy Thân là nơi cung ứng thực phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Sản phẩm của Trang trại được cung cấp rộng rãi cho khách hàng trong và ngoài huyện. Đến nay, trang trại đã vận hành được 05, cho thu nhập bình quân đạt trung bình 20 triệu đồng/tháng.
Một trong những tấm gương điển hình về đức tính chịu khó, cần cù trong giảm nghèo ở Đồng Xuân còn phải kể đến ông Dương Lượng, Thôn Long Thạch, xã Xuân Long với mô hình trồng cây ăn quả. Nhận thấy với diện tích đất rừng của nhà mình, cộng với điều kiện khí hậu, thời tiết tại địa phương phù hợp với một số loài cây ăn quả. Năm 2019, ông Lượng đã quyết tâm bỏ công sức đi tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các chủ vườn khác. Từ đó, ông cùng gia đình từng bước mở rộng diện tích, quy mô sản xuất và thay đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp. Kết quả bước đầu, gia đình ông trồng được khoảng 1.600 cây quýt hồng và quýt đường, 1.400 cây bưởi da xanh.
Người dân miền núi tỉnh Phú Yên tập trung phát triển sản xuất, nỗ lực vươn lên thoát nghèo
Không dừng lại ở đó, ông còn nghiên cứu trồng thử nghiệm các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: sapoche, dừa xiêm, ổi lê, mãng cầu... và đào ao nuôi các giống cá tràu, cá trê, cá thác lát, cá bóng tai tượng, cá rô gai. Sau nhiều năm miệt mài vun trồng, chăm sóc, đến nay, gia đình đã có khoảng 5,7 ha các giống cây ăn trái. Mỗi năm cho thu hoạch khoảng 100 tấn quả quýt, sau khi trừ chi phí đem về lợi nhuận từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Cùng với tập trung sản xuất, ông còn tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Lúc đầu, nông sản chủ yếu được bán ở địa phương, dần dần được nhiều khách hàng biết đến, nên thị trường tiêu thụ được mở rộng tới các tỉnh, thành khác như Bình Định, Khánh Hòa.
Tại huyện Đồng Xuân, ngoài những mô hình giảm nghèo hiệu quả, 2 năm trở lại đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên còn cho xây dựng và chuyển giao mô hình trồng ngô sinh khối cho người dân địa phương. Đây là mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao với sự liên kết, bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp. Các hộ tham gia mô hình “Sản xuất ngô sinh khối làm thức ăn xanh cho chăn nuôi gia súc” được hỗ trợ 70% giá trị giống, vật tư phân bón thuốc bảo vệ thực vật; nông dân đối ứng 30%. Ngô sinh khối là cây trồng tiềm năng cho mục tiêu làm thức ăn xanh trong chăn nuôi nhờ tính ưu việt về giá trị dinh dưỡng và tổng thu năng lượng cao (dễ tiêu hóa). Với thời gian sinh trưởng ngắn, ít chịu ảnh hưởng thất thường của thời tiết so với bắp lấy hạt nên thuận lợi cho việc bố trí thời vụ. Do vậy, trồng ngô sinh khối đang được nhiều hộ đồng bào tại huyện Đồng Xuân chuyển đổi để phát triển kinh tế.
Thanh Hương
TAG:
huyện Đồng Xuân