Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Huyện Giồng Trôm hết lòng với người có công
04:58 PM 03/12/2018
Để xoa dịu nỗi đau, mất mát do chiến tranh, từ nhiều năm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre luôn làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” và xem đó là trách nhiệm, sự tri ân đối với các thế hệ cha anh đã cống hiến xương máu cho nền hòa bình, độc lập hôm nay.
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 7/2018, huyện Giồng Trôm có 18.060 người có công với cách mạng được ghi nhận, tôn vinh (trong đó, có 6.893 liệt sĩ, 1.483 bà mẹ Việt Nam anh hùng - hiện còn sống 78 mẹ và các đối tượng chính sách khác).
Huyện đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi cho các đối tượng, thực hiện chi trả trợ cấp, phụ cấp, lập danh sách mua bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách để đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh của các đối tượng. Ngoài ra, chế độ ưu đãi cho con em của các đối tượng chính sách đang học tập tại các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề trong cả nước, các chính sách tín dụng, đào tạo nghề, tạo việc làm, phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo cho các gia đình chính sách luôn được quan tâm triển khai, qua đó đã động viên được các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công vươn lên khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu trong lao động sản xuất, ổn định cuộc sống gia đình, tiếp tục đóng góp cho cộng đồng và xã hội, xứng đáng là người công dân kiểu mẫu và gia đình cách mạng gương mẫu. 
Điều đáng phấn khởi là đến nay, hầu hết các gia đình chính sách đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân nơi cư trú. Đặc biệt, huyện còn đẩy mạnh phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, phong trào giảm nghèo cho diện chính sách, vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa cùng nhiều hoạt động tình nghĩa thiết thực khác.
Trong năm 2018, huyện đã vận động các tổ chức, cá nhân xây dựng 60 nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách (đã bàn giao được 40 căn, hiện còn 20 căn đang xây dựng), ngoài ra, toàn huyện đã triển khai sửa chữa hơn 260 căn nhà tình nghĩa hiện đã xuống cấp. Song song đó, việc xác định thương binh, liệt sĩ, công tác quy tập hài cốt liệt sĩ cũng được các ngành, các cấp quan tâm, hiện có 3.211 hài cốt liệt sĩ được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện. 
Đối với các mẹ Việt Nam anh hùng, huyện đã tập trung vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, đảm bảo tất cả các mẹ đều được nhận phụng dưỡng suốt đời. Không chỉ phụng dưỡng vật chất mà còn thường xuyên quan tâm thăm hỏi, động viên các mẹ khi ốm đau; phối hợp với từng địa phương lo tang lễ chu đáo khi mẹ qua đời.
Trao danh hiệu vinh dự Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ Lê Thị Hai
Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Hai ở ấp Phú An, xã Châu Hòa - mẹ là trường hợp duy nhất của huyện vừa vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào dịp lễ kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ vừa qua. Mẹ có chồng và một người con trai tham gia kháng chiến và hy sinh, được công nhận là liệt sĩ. Biết trường hợp của mẹ có thể đủ điều kiện để lập hồ sơ xem xét (có một số khó khăn trong quá trình xác nhận hồ sơ), phòng chức năng của huyện đã tích cực động viên và phối hợp cùng gia đình tiến hành thực hiện lập hồ sơ theo quy định pháp luật. Tuy việc đi lại của mẹ Hai có phần hạn chế nhưng mẹ còn rất minh mẫn và còn nhớ cả quá trình chồng và con tham gia cách mạng. Chia sẻ với chúng tôi, mẹ xúc động nói: “Tôi thấy ngày nay, Đảng và Nhà nước mà cụ thể là huyện Giồng Trôm rất quan tâm, chăm lo cho gia đình chính sách, trong đó có gia đình tôi. Tôi rất vinh dự và xúc động khi được nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tôi luôn dạy dỗ con cháu sống cho thật tốt và có ích cho xã hội”.
Trường hợp của mẹ Hai là một trong số nhiều trường hợp đã được huyện tích cực xem xét, rà soát hồ sơ theo quy định, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các chế độ, chính sách hiện hành đối với người có công.
Trong thời gian tới, đối với Giồng Trôm, trong công tác người có công, huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình có công tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương Giồng Trôm ngày thêm giàu đẹp. Huyện sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao truyền thống yêu nước và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ, cùng trân trọng, tri ân công lao to lớn của các anh hùng - liệt sĩ và những người có công với nước. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ ưu đãi, không để xảy ra tiêu cực. Đồng thời, huyện tiếp tục làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ, người có công với nước và công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ, thông báo và tạo điều kiện cho các gia đình, người thân đến thăm viếng, hướng đến thực hiện tốt phương châm “Nhà nước, nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu”, làm cho mỗi gia đình người có công yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động ích lợi cho xã hội./.
Ánh Nguyệt
TAG:
Tin khác
Huyện Xín Mần: Nỗ lực cải thiện nhà ở cho hộ nghèo
TPHCM: Hơn 120 đại biểu dự tập huấn công tác tiếp nhận và nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội
Xúc động nghĩa cử của Công ty Hoa quả Phương Toản với gia đình thương binh ở Thanh Hóa
Đề xuất xây dựng kế hoạch truyền thông về giảm nghèo đa chiều năm 2025
77,5% trẻ em từng chứng kiến bạo lực học đường
Hòa Bình: Nhiều hộ thoát nghèo bền vững nhờ các mô hình hỗ trợ sinh kế thiết thực
Chương trình “Kết nối những vòng tay” với chủ đề “Tết cho trẻ em nghèo” trao tặng hơn 400 triệu đồng cho đồng bào và trẻ em bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại Yên Bái
Nam Trực: Lan toả sâu rộng phong trào Đền ơn đáp nghĩa
Hòa Bình: Thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội