An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Huyện Ea Súp: Nỗ Lực thoát nghèo bền vững
04:06 PM 24/07/2019
(LĐXH) - Ông Đỗ Duy Toại – Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Ea Súp (Đắk Lắk) cho biết: Ea Súp là huyện đặc biệt khó khăn, có đường biên giới với nước bạn Campuchia, nơi đây có điều kiện khí hậu, đất đai khá khắc nghiệt, đặc biệt là vào mùa khô, lượng mưa ít nên việc phát triển những cây trồng giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, điều, cao su gặp nhiều khó khăn do thiếu nước tưới.

Mô hình trồng sả đã và đang mang mang lại kinh tế cao cho các hộ nghèo tại huyện Ea Súp, Đắk Lắk

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, bằng quyết tâm cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ea Súp đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, từng bước vượt khó, vươn lên trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế gắn với quốc phòng-an ninh vùng biên giới.

Tính đến cuối năm 2018, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện là 7.132 hộ, chiếm tỷ lệ 36,49%. Trong đó,  hộ nghèo người kinh là 3.010 hộ, hộ nghèo DTTS là 252 hộ, hộ nghèo DTTS khác là 3.780 hộ. Tổng số hộ cận nghèo là 2.132 hộ chiếm tỷ lệ 10,91% (trong đó, hộ cận nghèo người kinh là 1.258 hộ, Hộ cận nghèo DTTS là 120 hộ, hộ cận nghèo DTTS khác là 754 hộ).

Theo đó, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, UBND huyện Ea Súp đã chỉ đạo các cấp, các ngành, đặc biệt biệt là ngành LĐ-TB&XH đã tập trung thực hiện kịp thời các chính sách giảm nghèo. Phối hợp, lồng ghép hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với các chính sách khác liên quan trên địa bàn ( Dự án 135, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên). Thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, nâng cao đời sống đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Tăng cường tuyên truyền về công tác giảm nghèo nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ và người dân, đặc biệt là người nghèo.

Nhằm đảm bảo thực hiện công tác giảm nghèo có hiệu quả, tỉnh đã xây dựng các giải pháp phù hợp, tạo điều kiện cho các hộ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2018. Cụ thể: Về công tác lao động, việc làm, dạy nghề, trong năm 2018 UBND huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tổ chức tư vấn tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn huyện, kết quả đã có 17 người đi xuất khẩu lao động giúp việc gia đình tại các nước như: Ả Rập Xê Út và Đài Loan..Tổ chức hội nghị tập huấn về công tác dạy nghề, cho vay vốn hỗ trợ việc làm, tư vấn xuất khẩu năm 2018 đã có 220 người đã tham gia; Triển khai và tổ chức công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2018 tại các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp -  giáo dục thường xuyên (Đã mở được 07 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với 280 học viên, kinh phí thực hiện 714.000.000 đồng).

Thực hiện vay vốn tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội đã đề ra các giải pháp phù hợp, nhằm tạo thuận lợi cho các hộ nghèo có cơ hội được tiếp cận và vay vốn, để tổ chức sản xuất, kinh doanh, học tập, xuất khẩu lao động trong năm 2018. Cụ thể ( Tổng nguồn vốn được giao: 315,125 triệu đồng; Tổng dư nợ 309.195 triệu đồng, đạt 98,3% kế hoạch giao so với năm 2017). Trong đó cho vay hộ nghèo là 142.819 triệu đồng với 5.980 hộ còn dư nợ, đạt 99% kế hoạch năm; cho vay hộ cận nghèo là 30.214 triệu đồng, với 1.159 hộ còn dư nợ, đạt 99,7% kế hoạch năm….

Cũng trong năm 2018, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh tổ chức nhiều đợt tập huấn, hội thảo mô hình để hỗ trợ nông dân, đặc biệt là các hộ nghèo như: Tổ chức 29 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đến với nông dân đã có 2.000 người tham gia. Phối hợp với ban giảm nghèo Tây Nguyên tổ chức 06 lớp tập huấn cho các nhóm nông hộ về kỹ thuật trồng sả, kỹ thuật chăn nuôi heo, kỹ thuật chăn nuôi dê…Trạm khuyến nông huyện phối hợp với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên mở 02 lớp sơ cấp nghề trồng lúa tại xã Ea Lê, Cư Kbang với 70 học viên tham gia; Xây dựng 05 mô hình nuôi gà an toàn sinh học với quy mô 500 con tại thị trấn Ea Súp gồm 05 hộ tham gia. Tổ chức 07 cuộc hội thảo đầu bờ với các giống lúa mới như BC15, TBR225 tại các xã đã triển khai mô hinh, đã có 210 hộ đã tham gia…

Mặt khác, UBND huyện đã giao cho phòng LĐ-TB&XH huyện triển khai thực hiện việc nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo như: Tổ chức lớp tập huấn về quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, cùng các văn bản liên quan cho các cán bộ giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn, buôn, tổ dân phố và điều tra viên với 220 người tham dự.

Bên cạnh đó, chương trình giảm nghèo 135 cũng được huyện tích cực triển khai như: Thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng được UBND tỉnh giao theo quyết định 726/QĐ-UBND ngày 9/4/2018 là 9.680 triệu đồng. UBND huyện đã hưỡng dẫn UBND các xã triển khai thực hiện: Kết quả đã mở 13 công trình (12 công trình giao thông, 01 công trình giáo dục) với tổng kinh phí thực hiện 9.825 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 145 triệu đồng. Đến nay đã giải ngân được 3.786,362 triệu đồng, ước thực hiện giải ngân 100% kế hoạch vốn trước ngày 31/12/2018. Các hoạt động duy tu, bảo dưỡng được thực hiện tại 03 xã với 03 công trình giao thông, với mức phân bổ là 540 triệu đồng (180 triệu đồng xã) chưa tiến hành giải ngân. Ước thực hiện giải ngân 100% kế hoạch vốn trước ngày 31/12/2018.

Về chính sách y tế, giáo dục, trong năm 2018 số người được cấp thẻ BHYT trên địa bàn huyện là 50.858 người (trong đó hộ nghèo là 23.644 người, hộ cận nghèo là 2.359 người, hộ DTTS là 12.028 người, vùng đặc biệt khó khăn 12.827 người).UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, Bệnh viện đa khoa huyện, Trung tâm y tế, Trạm y tế các xã, thị trấn và phòng khám nhân đạo của huyện phối hợp để tổ chức khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT, miễn phí cho người nghèo, đồng thời thực hiện tốt các chương trình quốc gia về y tế đối với hộ nghèo. Thực hiện Nghị định 86/2015 NĐ-CP về miễn giảm học phí hỗ trợ chi phí học tập va cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc gia và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm 2015-2016 đến năm 2020-2021

Ngoài ra, trong năm 2018 đã hỗ trợ cứu đói và cứu đói giáp hạt cho nhân dân trong dịp tết Nguyên với tổng số lượng gạo là 117 tấn từ nguồn Cục dự trữ Quốc gia khu vực Tây Nguyên; phòng LĐ-TB&XH đã nhận và bàn giao cho UBND các xã, thị trấn để cấp phát cho nhân dân là 2.540 hộ = 7.800 khẩu; Hỗ trợ 08 nhà sập hoàn toàn thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo do lốc xoáy, mưa gây ra với tổng số tiền là 135.000.000 đồng. UBMTTQ huyện cũng đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức vận động cán bộ và nhân dân tham gia xây dựng quỹ “vì người nghèo” với số tiền 470.000.000 đồng. Hỗ trợ kinh phí cho hộ nghèo làm nhà theo chương trình 167 giai đoạn 2 là 109 hộ với số tiền 218.000.000 đồng; cứu trợ đột xuất cho bà con nhân dân thuộc 7 xã, thị trấn thiệt hại do lốc xoáy gây ra trên địa bàn huyện với số tiền 344.955.000 đồng.

Thực hiện quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về chính sách hỗ trợ cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, huyện đã chỉ đạo Phòng dân tộc phối hợp với UBND các xã xây dựng kế hoạch, thực hiện hỗ trợ 127.686 kg giống cây trồng và 82,48 triệu đồng (tiền mặt) cho 6.106 hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập hộ nghèo vùng khó khăn năm 2018, với tổng kinh phí thực hiện 2.531,98 triệu đồng đạt 100% kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác giảm nghèo năm 2018, thì công tác giảm nghèo của huyện vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: Công tác rà soát xác định hộ nghèo tại một số xã vẫn thực sự chưa chính xác, một số thôn, buôn, khi điều tra, bình xét thực sự vẫn chưa khách quan. Trách nhiệm của cán bộ làm công tác rà soát hộ nghèo tại một số thôn, xã chưa cao, công tác tổng hợp số liệu còn sai sót. Việc lập danh sách BHYT tại các xã còn chậm và sai sót thông tin nên cần phải bổ sung nhiều lần dẫn đến tình trạng nhiều lần phải chỉnh sửa. Hiệu quả sử dụng vay vốn chưa cao, công tác phối hợp giữa vay vốn với chương trình hỗ trợ hưỡng dẫn cách làm ăn thông qua công tác khuyến nông lâm, ngư, nghiệp chưa chặt chẽ và một số hộ sử dụng vay vốn chưa đúng mục đích. Một số hộ nghèo còn ỷ lại, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên chưa thực sự phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Công tác phối hợp giữa các ngành chưa chặt chẽ trong tổ chức chỉ đạo thực hiện các chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Lê Việt

TAG:
Tin khác
Đắk Lắk: Chăm lo chu đáo đời sống đối tượng bảo trợ xã hội
Chương trình “Xuân biên cương - Tết ấm cho em – Hội chợ Tết 0 đồng”
Người dân Hà Nội 'xé rào', đi ngược chiều trên đường Lê Quang Đạo
Mang chim thú, cây lạ về nhà, coi chừng phạm pháp
Chương trình Tết đồng bào 2025: Mang Tết sớm đến với đồng bào vùng cao huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng
Bắc Giang: Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Chương trình 'Tết cho trẻ em nghèo' trao tặng hàng chục suất quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn
Hà Nội: Chợ đồ cũ Vạn Phúc sầm uất, tiểu thương vẫn gặp khó
Hà Nội: Tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả công tác uỷ thác cho vay tín dụng chính sách xã hội