Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Huyện Ba Vì: Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp người dân có việc làm và giảm nghèo hiệu quả
03:03 PM 23/09/2022
(LĐXH)-Thời gian qua, từ nguồn vốn cho vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội đã có thêm điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và giải quyết việc làm ở địa phương; xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Thực hiện tín dụng chính sách xã hội, trong 20 năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Ba Vì đã quan tâm, chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện cho NHCSXH trên địa bàn huyện hoạt động hiệu quả. Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện đã tích cực điều hành và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội huyện để triển khai việc ủy thác nguồn vốn vay.
Từ 02 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu năm 2003, đến nay, NHCSXH huyện Ba Vì đang triển khai cho vay 13 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đến nay đạt 852,6 tỷ đồng, gấp 33,7 lần so với năm 2003, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 14,2%.  Dư nợ bình quân đạt 49,1 triệu đồng/khách hàng, tăng 45,1 triệu đồng so với năm 2003.
Đã có trên 100 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, trong đó có trên 39 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, 191 lượt hộ nghèo là người dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất được vay vốn ưu đãi để chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất, qua đó góp phần giúp cho gần 18.700 lượt hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho trên 33 nghìn lao động, giúp cho trên 16 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng và cải tạo hơn 41 nghìn  công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây dựng 1.600 ngôi nhà cho hộ nghèo, 25 khách hàng vay vốn chương trình nhà ở xã hội theo NĐ 100 của Chính phủ.
Người dân huyện Ba Vì vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triến sản xuất xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập
Bên cạnh đó, trong bối cảnh  đại dịch Covid-19, thực hiện Nghị quyết  68 ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid19, NHCSXH huyện đã giải ngân 75 tỷ đồng nguồn vốn của UBND thành phố, để giúp cho trên 1.500 lao động có vốn để tự tạo việc làm, phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống .
Thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế sau dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ. NHCSXH huyện đã tích cực tuyên truyền và triển khai cho vay, đã giải ngân 3 tỷ đồng cho vay Giải quyết việc làm; Cho vay các đối tượng là học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính, thiết bị học trực tuyến với tổng số tiền giải ngân là 650 triệu đồng cho 65 học sinh trên địa bàn huyện. Đồng thời triển khai chương trình cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập với số tiền 240 triệu đồng, lãi suất 3,3%/năm; thời hạn cho vay tối đa 36 tháng. Nguồn vốn vay được dùng để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid 19, mua sắm thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phục hồi và duy trì hoạt động.

Chị Nguyễn Thị Minh và chồng là anh Đỗ Văn Dũng trú tại thông Vân Hội, xã Phong Vân là người được tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm để đầu tư sản xuất kinh doanh. Trước đây, vợ chồng anh chị đi làm mộc thuê cho người khác, công việc lúc có lúc không nên thu nhập không được bao nhiêu. Hơn nữa, đại dịch Covid-19 khiến anh chị phải nghỉ việc thời gian dài.

Cùng với việc mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện Ba Vì 100 triệu đồng và nhờ sự giúp đỡ của người thân, gia đình anh đã có điều kiện mở xưởng mộc sản xuất đồ dân dụng như giường, tủ, bàn ghế, cầu thang, cửa,…phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn và các vùng lân cận.

Việc mở xưởng mộc đã tạo việc làm ổn định cho vợ chồng anh Dũng chị Minh; khi đơn hàng ngày một nhiều lên, anh chị làm không kịp nên đã thuê thêm 3 người, thậm chí có lúc 5 – 7 người với mức lương 6 – 12 triệu đồng/người/tháng tùy theo vị trí công việc. Thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng từ 30 – 40 triệu đồng, đã trừ các khoản chi phí.

Nhìn chung, trong 20 năm thực hiện công tác tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì luôn thực hiện tốt công tác tham mưu giúp việc cho Ban đại diện Hội đồng quản trị để chỉ đạo toàn diện hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách chúng tôi đang quản lý đạt 852,6 tỷ đồng, giúp cho hơn 100 nghìn lượt khách hàng vay vốn. Phòng Giao dịch NHCSXH huyện thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến với hộ nghèo và đối tượng chính sách, nắm bắt tình hình diễn biến dịch Covid-19 trên từng địa bàn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tập trung cho vay các chương trình tín dụng và hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ, giúp cho nhân dân có điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Trong 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trong huyện Ba Vì; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, các xã miền núi, xã đảo Minh Châu... Vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của huyện từ 3% năm 2010 xuống còn 0,82% năm 2021. Từ nguồn vốn ưu đãi này, NHCSXH huyện cũng đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tự lực vươn lên, tạo việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập, nâng cao trình độ dân trí, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới./.

Mỹ Hằng
 
TAG:
Tin khác
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững