Nghiên cứu - trao đổi
Trang chủ / Nghiên cứu - trao đổi / Nghiên cứu - trao đổi
Huy động vốn ở các huyện nghèo: Thực trạng và giải pháp
09:35 AM 21/09/2016
Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đối với các huyện miền núi, đông đồng bào dân tộc, khó khăn nhất cả nước. Theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP và các văn bản bổ sung, cả nước hiện có 64 huyện nghèo với dân số là 704.277 hộ.
Đây là những huyện miền núi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế xã hội hết sức khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân cuối năm 2010 tại các huyện nghèo là 58,33%. Qua hơn 6 năm thực hiện Nghị quyết 30a, trong bối cảnh kinh tế đất nước còn gặp nhiều khó khăn nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn dành nguồn lực ưu tiên đầu tư cho các huyện nghèo để thực hiện các chính sách đặc thù và toàn diện. Nhờ đó, các mục tiêu giảm nghèo nhanh, cải thiện đời sống của người dân, cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, thu hẹp dần khoảng các chênh lệch về mức sống so với các vùng khác, củng cố và tăng cường quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội... đã cơ bản đạt được. Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn dưới 30%, bình quân giảm hơn 6%/năm. Trong đó, tổng số hộ nghèo tại 64 huyện nghèo đã giảm gần 38% so với số lượng hộ nghèo đầu giai đoạn (từ 377.939 hộ nghèo cuối năm 2010 giảm xuống còn 234.743 hộ nghèo cuối năm 2014).
Thực trạng huy động vốn thực hiện chính sách giảm nghèo ở các huyện nghèo
Trong những năm qua, hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội ngày càng được tăng cường, hoàn thiện và hiệu quả hơn, người nghèo tiếp cận được đầy đủ các chính sách trợ giúp của nhà nước; một số chính sách đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả như Chính sách hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, chính sách cho vay vốn tín dụng ưu đãi. Để bảo đảm có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách nói trên, Nhà nước đã quan tâm, chỉ đạo việc tập trung huy động các nguồn lực tài chính, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, dưới các hình thức như: Bố trí vốn ngân sách Nhà nước cấp cốn điều lệ, vốn thực hiện cách chương trình mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và các chính sách xã hội khác cho NHCSXH; có cơ chế cho phéo ngân hàng phát hành trái phiếu NHCSXH được chính phủ bảo lãnh, nhận tiền gửi của các tổ chức tài chính, tính dụng nhà nước, huy động vốn tổ chức, cá nhân trên thị trường; ngân sách các địa phương, các chủ đầu tư trong và ngoài nước chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH…
Vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội - một nguồn lực quan trọng trong giảm nghèo ở các huyện nghèo
Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, trong 05 năm (2009-2013), Ngân sách Trung ương đã bố trí cho các huyện nghèo là 13.627 tỷ đồng, trong đó 02 năm 2009-2010 là 4.197 tỷ đồng và 03 năm 2011- 2013 là 9.430 tỷ đồng để thực hiện chính sách đặc thù theo Nghị quyết 30a. Bên cạnh đó, đã có trên 40 Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty nhà nước, các Ngân hàng thương mại (gọi chung là Doanh nghiệp) đã cam kết hỗ trợ 62 huyện nghèo với số tiền khoảng 2.500 tỷ đồng. Kết quả trong 06 năm (2009-2014) thực hiện, các doanh nghiệp đã hỗ trợ các huyện nghèo với tổng số tiền 3.138 tỷ đồng, đạt hơn 125% so với số tiền đăng ký cam kết. Tính chung, tổng nguồn kinh phí thực hiện Đề án hàng năm  đạt bình quân từ 100-150 tỷ đồng/huyện, đáp ứng được khoảng từ 40% - 45% nhu cầu kinh phí hàng năm theo Đề án được phê duyệt (nhu cầu kinh phí của các đề án được duyệt từ 3.000 đến 4000 tỷ)
Về chính sách cho vay vốn đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác: Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đang thực hiện 18 chương trình tín dụng cấp quốc gia. Tính đến 31/12/2015, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay hơn 7.600 hộ thuộc 64 huyện nghèo để người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg; doanh số cho vay lũy kế là hơn 242 tỷ đồng, bình quân 31.67 triệu đồng/hộ.
Những vấn đề đặt ra
Bên cạnh những kết quả nêu trên, việc huy động vốn để thực hiện chính sách giảm nghèo vẫn còn nhiều hạn chế. Việc khai thác, huy động được các nguồn vốn sẵn có của từng địa phương còn ít, quan điểm trông chờ ỷ lại vào nguồn vốn  ngân sách vẫn còn tồn tại. Hằng năm, ngân sách Nhà nước tăng trung bình từ 15 đến 20% nhưng lại phải đảm bảo cơ cấu ngân sách do Quốc hội quy định giữa đầu tư, thường xuyên, đảm bảo cơ cấu chi cho một số lĩnh vực như giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ, môi trường; trong chi thường xuyên phải giải quyết những chính sách lớn như chi tiền lương, chính sách đối với người có công, chính sách bảo trợ xã hội, .... Đồng thời, cùng một lúc ngân sách nhà nước phải cân đối thực hiện nhiều chính sách nói chung, chình sách với người nghèo nói riêng, nên việc bố trí nguồn vốn cho thực hiện chính sách giảm nghèo còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi ngày càng cao trong khi khả năng huy động vốn và nguồn vốn phục vụ nhiệm vụ này lại có hạn, vốn tín dụng ngân hàng chưa đáp ứng được hết nhu cầu vay vốn của các đối tượng. Nguồn vốn huy động của ngân hành chính sách chủ yếu vẫn là từ nguồn ngân sách Nhà nước và chưa có cơ chế rõ ràng về thời gian, định mức phân bổ ngân sách, do đó việc huy động vốn luôn bị động.
Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, nhưng đến cuối năm 2014, tỷ lệ nghèo bình quân của 64 huyện nghèo còn cao gấp 5,5 lần so với tỷ lệ bình quân của cả nước; một số huyện tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao trên 50%, cá biệt có huyện cao trên 60-70%; kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo lại tăng; số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm hơn 90% tổng số hộ nghèo chung tại các huyện nghèo (do trên địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số); hệ thống cơ sở hạ tầng đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và địa phương, cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm.... Đến nay, tuy có 8 huyện tỷ lệ hộ nghèo đã đạt mức ngang bằng với tỷ lệ nghèo chung của tỉnh nhưng hạ tầng cơ sở nhất là giao thông đi lại, sản xuất và đời sống vẫn còn nhiều khó khăn.
Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do các huyện nghèo đều nằm ở vùng cao, vùng sâu, điều kiện tự nhiên hết sức khó khăn, khắc nghiệt, hạ tầng sản xuất, đời sống yếu kém, công nghiệp dịch vụ chậm phát triển, năng suất lao động, chất lượng việc làm và thu nhập thấp, cơ cấu lao động chủ yếu là nông, lâm nghiệp nhưng khó chuyển dịch. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho các huyện nghèo được Chính phủ ưu tiên bố trí nhưng vẫn còn thấp so với nhu cầu. Những năm gần đây do khó khăn nên việc đóng góp, ủng hộ nguồn lực của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước cho Chương trình đã giảm sút. Việc ưu tiên bố trí nguồn lực từ các chương trình, dự án khác do các Bộ, ngành quản lý cho các huyện nghèo còn hạn chế. Nguồn lực trong dân, trong cộng đồng chưa được huy động tốt, nhất là trong phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, chưa tạo được nhiều mô hình giúp nhau giữa người giàu, người làm ăn giỏi với người nghèo để cùng nhau thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Mặt khác, một số chính sách về giảm nghèo còn chồng chéo, trùng lặp về đối tượng, nội dung, địa bàn... (như Chương trình 135, Chương trình 30a đều có các chính sách hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã thuộc các huyện nghèo, nội dung đầu tư cho cấp xã của Chương trình 30a và Chương trình xây dựng nông thôn mới), mặc dù không trùng về nguồn lực nhưng do định mức, cơ chế, cách thức thực hiện khác nhau nên khó khăn cho công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện của các địa phương, cơ sở, làm phân tán nguồn lực, làm giảm hiệu quả của chương trình. Có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, người nghèo nên phát sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không muốn ra khỏi diện nghèo của một bộ phận người nghèo; công tác đánh giá, rà soát, bình xét hộ nghèo hàng năm ở một số địa phương, cơ sở còn nhiều sai sót.
Một số giải pháp
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, tiếp tục nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực nhằm giảm nghèo bền vững cho các huyện nghèo, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về phân bổ, sử dụng và quản lý nguồn vốn được huy động, trong đó  Chính phủ cần chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước hàng năm cho đầu tư phát triển, cho XĐGN và các chính sách phúc lợi xã hội, phân bổ vốn chi tiết, cụ thể cho các chương trình dự án giảm nghèo ở các huyện nghèo. Đồng thời hướng dẫn các tỉnh có huyện nghèo đầu tư vào các chương trình dự án trọng tâm, trọng điểm để vừa tạo đà tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, mức sống và ổn định đời sống cho đồng bào DTTS; vừa tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương; các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện phân bổ vốn đầu tư các chương trình dự án phù hợp và linh hoạt theo yêu cầu thực tế, chú trọng nguồn vốn đầu tư cho các dự án trực tiếp phát triển các ngành nghề sản xuất và khai thác tốt các nguồn lực địa phương; đẩy mạnh huy động vốn thông qua một số nguồn vốn như Nguồn trái phiếu Chính phủ, nguồn hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương, nguồn tăng thu, kết dư, vốn vay nhàn rỗi Kho bạc Trung ương... để đầu tư cho các công trình, dự án của các vùng ĐBKK. Cùng với đó, cần kết hợp vốn hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất với chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến  ngư, các mô hình kinh tế mẫu; đầu tư và hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, giao thông liên xã, liên huyện tạo điều kiện thông thương hàng hóa, giao lưu văn hóa, học hỏi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS; đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư, hỗ trợ đúng đối tượng, chính sách hộ nghèo có nhà ở, có đất ở, có đất sản xuất theo Chương trình 30a.
Hai là, đầu tư và phân bổ nguồn vốn thực hiện chính sách giảm nghèo ở các huyện nghèo phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, cụ thể là:
- Rà soát, sắp xếp lại các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách, chế độ giảm nghèo bền vững. Những chương trình nào mang tính nhiệm vụ chuyên môn riêng của các Bộ, ngành đề nghị chuyển thành nhiệm vụ thường xuyên của bộ, ngành đó; lồng ghép, loại bỏ các chính sách, chế độ chồng chéo để đảm bảo tính hiệu quả của chính sách và tính khả thi trong bố trí nguồn lực thực hiện; tích hợp một số chính sách hiện đang trợ cấp bằng tiền mặt thành một gói trợ cấp có điều kiện để giảm đầu mối cơ quan quản lý, chi trả và tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian, thủ tục, chi phí đi lại,… cho đối tượng thụ hưởng khi nhận trợ cấp.
- Xây dựng và hoàn thiện cơ chế khuyến khích, huy động nguồn lực từ người dân và cộng đồng xã hội cho công tác giảm  nghèo. Đổi mới hình thức hỗ trợ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, chuyển dần từ hình thức bao cấp toàn bộ sang đồng chia sẻ về kinh phí.
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đánh giá hiệu quả việc sử dụng vốn của các địa phương, đảm bảo các chế độ, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất của nhà nước đến với người dân đầy đủ, kịp thời, sử dụng kinh phí đúng mục đích, tiết kiệm hiệu quả; hạn chế tình trạng vốn bố trí trong năm không sử dụng hết phải chuyển nguồn sang năm sau; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách, không minh bạch, làm thất thoát nguồn lực.
- Thực hiện công khai, dân chủ trong việc đầu tư các hạng mục của dự án và hỗ trợ vốn cho hộ nghèo DTTS để dân biết, dân bàn, dân tham gia đóng góp ý kiến từ khi lập dự án đến khi tổ chức thực hiện.
Ba là, đẩy mạnh xã hội hoá nguồn vốn và huy động vốn thực hiện chính sách giảm nghèo cho các huyện nghèo. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách trung ương và địa phương, cần huy động mọi nguồn lực từ các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội, các tổ chức nhân đạo, từ thiện, tổ chức phi chính phủ và nguồn vốn nước ngoài, có chính sách thông thoáng, cơ chế cụ thể rõ ràng trong việc ưu tiên nguồn vốn ODA, vốn các NGO cho phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS;  tiếp tục vận động các cơ quan đơn vị, các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị xã hội và quần chúng nhân dân vào tác giảm nghèo.
Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công nhân viên chức, cho mọi người hưởng thụ nguồn vốn XĐGN, tránh tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công cho đồng bào DTTS, kết hợp việc cung cấp hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ đất sản xuất, các hoạt động chuyển giao kỹ thuật thông qua mô hình trình diễn, truyền nghề... cho hộ nghèo.
Năm là, thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo. Duy trì, bổ sung một số chính sách hỗ trợ phù hợp đối với hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo; Tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; điều chỉnh đối tượng, mức vay, lãi suất, thời hạn cho vay phù hợp gắn với chính sách khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng, nhân rộng mô hình thoát nghèo gắn kết với cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Trịnh Trọng Thái
Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động - TB&XH
TAG:
Tin khác
Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp
An toàn và sức khỏe của người lao động bị tác động nghiêm trọng bởi biển đổi khí hậu
An toàn vệ sinh thực phẩm trong kinh doanh ăn uống du lịch
Hoạt động du lịch với môi trường tự nhiên
Phát huy nguồn lực thực hiện tự chủ tài chính tại Trường Cao đẳng cơ điện và xây dựng Bắc Ninh
Thiết kế, chế tạo Bộ thực hành PLC phục vụ đào tạo nghề điện tử công nghiệp
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU trong bối cảnh thực thi EVFTA: Cơ hội và thách thức
Giải pháp phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước