Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Hướng tới giáo dục tích cực và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em
10:24 AM 11/11/2021
LĐXH - Từ năm 2017, vào tháng 10 – 11 hàng năm, nhân dịp các Ngày phòng chống bạo lực với trẻ em gái 11/10 và Ngày quốc tế trẻ em 20/11, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững MSD và Mạng lưới Quản trị Quyền trẻ em (CRG) tổ chức chiến dịch và đối thoại thường niên với chủ đề “Lan toả yêu thương" - chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em. Năm 2021, Chiến dịch Lan toả yêu thương được phát động từ ngày 1/10/2021 với một loạt các hoạt động trực tiếp và trực tuyến bao gồm cả các tập huấn, nghiên cứu khảo sát ý kiến trẻ em, livestream truyền thông về bảo vệ trẻ em, nghiên cứu đối thoại chính sách, truyền thông xã hội… tiếp cận tới hơn 100.000 lượt tiếp cận tại khắp Việt Nam.

Như thường lệ, để tổng kết chiến dịch, Viện MSD và Mạng lưới CRG tổ chức Hội thảo “Các phương pháp giáo dục tích cực và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em" với mục đích trao đổi thảo luận các phương pháp giáo dục tích cực và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong gia đình, nhà trường và cộng đồng.

Hội thảo được thực hiện trong 02 ngày 10 và 11/11/2021 với 5 phiên thảo luận chính:

- Chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em - Tổng kết chiến dịch Lan toả yêu thương 2021

- Khung pháp lý và hoạt động giám sát, đánh giá việc thực thi quyền tham gia của trẻ em

- Sự tham gia của trẻ em trong cộng đồng

- Sự tham gia của trẻ em trong gia đình

- Sự tham gia của trẻ em trong nhà trường

Ban Tổ chức tri ân những đơn vị đồng hành cùng Chiến dịch Lan toả yêu thương

Hội thảo được thực hiện dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại nhiều đầu cầu khác nhau, có sự tham gia của bà Nguyễn Thanh Hải, Phó Vụ trưởng, Vụ Văn hoá – Giáo dục, Văn phòng Quốc hội; bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng, Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); bà Lê Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh (Bộ Giáo dục và Đào tạo), ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá - Thể thao và du lịch, đại diện Ban Tuyên giáo Trung Ương, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), Thành đoàn - Hội đồng đội thành phố Hồ Chí Minh, đầu cầu đại diện lãnh đạo các sở ban ngành Giáo dục và Lao động - Thương binh và xã hội các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hoà Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Quảng Bình, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Bình Thuận, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang,... đại diện các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế, các viện trường, chuyên gia về bảo vệ trẻ em, đại diện nhà trường, gia đình, truyền thông và đại diện một số trẻ em…

Viện trưởng MSD phát biểu khai mạc

Khai mạc chương trình, bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD chia sẻ: “Chúng tôi rất xúc động vì hành trình 5 năm đã qua của chiến dịch Lan toả yêu thương - chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em và Thúc đẩy sự tham gia của trẻ em. Khi nói tới Quyền của trẻ em, ngoài quyền sống còn, chúng ta thường coi trẻ bé bỏng nên chăm lo tới quyền bảo vệ, hay giáo dục phát triển trẻ chứ vẫn còn chưa quan tâm đúng mức đến quyền tham gia của trẻ em. Với quan niệm trẻ nhỏ, không biết gì, nhân danh việc người lớn đang làm tất cả vì trẻ em, trẻ em còn thiếu không gian và môi trường thúc đẩy sự tham gia, đặc biệt là trong gia đình. Đương nhiên, trẻ em có thể có góc nhìn khác với người lớn, trẻ em cũng không phải người lớn thu nhỏ, nhưng các em cũng có những ý kiến chính kiến của riêng mình rất cần được tôn trọng dù là trong gia đình, nhà trường hay cộng đồng xã hội. Hội thảo năm 2021 đi sâu vào chuyên môn với 22 bài tham luận đến từ khắp các bên liên quan làm việc vì trẻ em để thảo luận các thúc đẩy các phương pháp giáo dục tích cực và sự tham gia của trẻ em trong các môi trường này”.

Nói về thông điệp của hội thảo, bà Linh cũng chia sẻ thêm người lớn chúng ta rất ít khi hỏi ý kiến trẻ “Con có ý kiến như thế nào? con có sự lựa chọn hay quyết định như thế nào?” khi trẻ còn bé mà có xu hướng sắp đặt, áp đặt mọi thứ cho trẻ khiến trẻ phải nghe theo một cách thụ động, nhưng lại mong chờ trẻ sẽ chủ động, tư duy độc lập, có chính kiến khi lớn lên. Điều này rất mâu thuẫn, do đó, hãy thúc đẩy sự tham gia của trẻ từ khi còn nhỏ. Đó không chỉ là việc giáo dục, phát triển, đảm bảo quyền và sự tham gia của trẻ em mà còn góp phần xây dựng một thế hệ công dân văn minh, có tư duy, thông minh, có giải pháp và biết ra quyết định khi trưởng thành, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Tôi kêu gọi chúng ta thúc đẩy sự tham gia của trẻ một cách thực chất: từ suy nghĩ tới hành động, để trẻ em được đưa ý kiến, được lựa chọn và được ra quyết định trong các vấn đề phù hợp liên quan tới trẻ em.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em chia sẻ những giải pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của trẻ em

Phát biểu chào mừng và ghi nhận thành công của chiến dịch Lan toả yêu thương, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh, qua 5 năm thực hiện liên tục, chiến dịch Lan toả yêu thương đã nhận được sự quan tâm của các bộ ngành, các cơ quan địa phương, báo chí và cộng đồng. Qua mỗi chiến dịch hay hội thảo, đối thoại hàng năm, chúng tôi cũng có cơ hội để trao đổi thêm với các bên liên quan, đặc biệt là với trẻ em về phòng chống xâm hại, chấm dứt trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em. Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em cần phải có sự quan tâm và chung tay của mọi cơ quan, ban ngành và cộng đồng, chứ không chỉ là nhiệm vụ của Cục Trẻ em hay các tổ chức chuyên hoạt động trong lĩnh vực trẻ em.

Tiếp theo đó, bà Nga cũng chia sẻ, báo cáo lại với hội thảo về các việc đã thực hiện sau đối thoại Lan toả yêu thương năm 2021 và trao đổi những giải pháp tiếp tục nhằm thúc đẩy sự tham gia của trẻ em, cụ thể là: Tăng cường trách nhiệm của các bộ ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan và địa phương về thúc đẩy thực hiện quyền tham gia của trẻ em; Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong môi trường gia đình và nhà trường, thông qua nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng của gia đình, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục và trẻ em; Xây dựng, thực hiện các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện; Ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng môi trường mạng để trẻ em chủ động, sáng tạo tham gia vào các vấn đề về trẻ em và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện; khuyến khích các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nguồn lực cho các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; Mở rộng hợp tác quốc tế về thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em nhằm tranh thủ nguồn lực, kỹ thuật và kinh nghiệm quốc tế,…

Đại diện Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em, Bà Nguyễn Hải Anh, Quản lý dự án Viện MSD cũng báo cáo hoạt động trong năm 2021 và định hướng, thông điệp của các thành viên mạng lưới: “Công tác trẻ em luôn đặt ra những thách thức hàng ngày, hàng giờ, đặc biệt trong bối cảnh COVID -19 và để đáp ứng nhu cầu trẻ em tốt nhất thì không gì tốt hơn việc lắng nghe các em. Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em trong một năm qua vẫn luôn nỗ lực hết mình để thúc đẩy tiếng nói của các em, thúc đẩy quyền tham gia của các em.”

Đại diện học sinh mang đến hội thảo một số thông điệp... 

Em Bùi Phạm Khánh Trâm, học sinh lớp 9 tại Quảng Ngãi đại diện trẻ em gửi gắm thông điệp: “Việc để trẻ em lên tiếng bày tỏ suy nghĩ, nguyện vọng sẽ giúp trẻ em tự tin hơn và có cơ hội có thêm thông tin, vốn hiểu biết hơn. Các bậc phụ huynh hãy dành thời gian để quan tâm, chăm sóc, trò chuyện với các con mỗi ngày. Hãy kiên nhẫn lắng nghe để thấu hiểu con mình hơn và trở thành người đầu tiên chúng con nghĩ đến và tìm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn. Em cũng mong rằng các cơ quan hãy tổ chức nhiều hơn nữa những diễn đàn để trẻ em được lên tiếng. Hãy bắt đầu bằng yêu thương, vì yêu thương sẽ giúp chúng ta giải quyết mọi vấn đề và tạo ra một môi trường lành mạnh, an toàn để trẻ em được phát triển toàn diện.”

Bà Nguyễn Thanh Hải, tham gia trực tuyến, đưa ra một số khuyến nghị trong thực thi quyền trẻ em

Trong phần 2 của Hội thảo về Khung pháp lý và sự tham gia của trẻ em trong cộng đồng, bà Nguyễn Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hoá – Giáo dục, Văn phòng Quốc hội đã chia sẻ những nội dung khi tham gia giám sát việc thực thi Quyền Trẻ em tại Việt Nam, trong đó nhấn mạnh bên cạnh những thuận lợi, kết quả đã đạt đươc, việc thực thi vẫn còn tồn tại những khó khăn, thách thức khi nhiều hoạt động chỉ lấy ý kiến đại diện trẻ em, còn mang tính chất trình diễn, chủ yếu để báo cáo; hoặc lấy ý kiến mà không theo đuổi xem những ý kiến đó được giải quyết như thế nào; hoạt động chưa thường xuyên, kịp thời, đại đa số mới chỉ tiếp nhận qua sự kiện như diễn đàn trẻ em, câu lạc bộ, Hội đồng trẻ em, mạng xã hội; chưa có tổ chức/biện pháp tiếp nhận thường xuyên ý kiến của trẻ em và xử lý phân loại, chuyển gửi các cơ quan giải quyết; Chưa chạm tới các nhóm yếu thế, khó khăn; Còn thiếu kênh phản hồi: Chưa có báo cáo rà soát cụ thể về kết quả tiếp thu/thực hiện/giải quyết ý kiến, kiến nghị của trẻ em; Chưa có nhiều và chưa có sẵn những công cụ hỗ trợ đại biểu dân cử, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, các tổ chức làm việc về trẻ em, bảo vệ quyền trẻ em dễ dàng hơn, thuận tiện hơn khi thực hiện vai trò giám sát của mình.

Bà Hải cũng đưa ra khuyến nghị: Đề nghị có những nghiên cứu sâu về thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam, trong đó có tính đến yếu tố văn hóa, phù hợp vùng miền để việc tham gia được hiệu quả; Tăng cường phát huy đội ngũ tuyên truyền viên là trẻ em; Tăng cường cung cấp thông tin, giới thiệu mô hình, trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em giữa các quốc gia, nhất là trong khu vực, các quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam; Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp với Đoàn TNCSHCM thúc đẩy hoạt động của Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; Có biện pháp thực hiện quyền tham gia của trẻ em trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 như hiện nay; Sớm hoàn thiện hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về trẻ em, trong đó có các thông tin, dữ liệu về thực hiện quyền tham gia của trẻ em./.

Trần Huyền

 

TAG:
Tin khác
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store
Xe mô tô, xe máy được phép cải tạo từ tháng 1/2025
Herbalife Việt Nam tài trợ Chương trình “Chào Năm Mới 2025” tại Hà Nội để khuyến khích lối sống năng động lành mạnh
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
Huyện Châu Phú: Thiết thực tri ân người có công với cách mạng
An Giang: Không còn hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng thuộc quy định giải quyết
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng