Mặt trái của mùi hương nhân tạo
Chị Mai Hương (32 tuổi, Hà Nội) thích dùng nước lau sàn công nghiệp vì có mùi thơm lâu. Nhưng gần đây, chị thấy da tay bị khô ráp và thường xuyên bị đau đầu, khó thở sau mỗi sử dụng nước lau sàn công nghiệp. Khi tìm hiểu, chị mới biết một số hương liệu tổng hợp có thể gây kích ứng đường hô hấp.
Tương tự, chị Bích Phương (36 tuổi, Hà Nội) cũng từng gặp phải tình trạng dị ứng nặng khi sử dụng nước lau sàn công nghiệp. Mỗi lần lau nhà xong là tay chị lại bị ngứa ngáy, khó chịu.
Không chỉ nước lau sàn, nến thơm giá rẻ cũng là một mối nguy hại tiềm ẩn. Chị Phương Anh (quận Đống Đa, Hà Nội) kể về trải nghiệm mua nến thơm giá rẻ trên mạng: “Tôi mua một hộp nến chỉ 70.000 đồng, nhưng khi đốt lên, mùi hóa học nồng nặc đến mức tôi phải mở hết cửa phòng. Phải mất 3-4 ngày mùi mới bay hết”.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, không khí trong nhà có thể ô nhiễm hơn ngoài trời khi sử dụng các sản phẩm này trong không gian kín. Nguyên nhân đến từ các hóa chất độc hại như formaldehyde, VOCs, benzene,… có trong nước lau sàn, nến thơm, xịt phòng, vốn có thể gây kích ứng hô hấp, rối loạn thần kinh và thậm chí là ung thư.
Theo tiến sĩ Nusrat Jung, trợ lý giáo sư tại Đại học Purdue (Mỹ) cảnh báo, các sản phẩm có hương thơm nhân tạo có thể tạo ra ô nhiễm không khí trong nhà nghiêm trọng. Nhiều người không biết rằng không khí trong nhà có thể ô nhiễm hơn cả không khí ngoài trời, đặc biệt khi sử dụng nhiều sản phẩm tạo mùi trong không gian kín.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Khôi, chuyên gia về sức khỏe môi trường cũng chung quan điểm: "Ít ai để tâm tới vấn đề ô nhiễm không khí trong nhà. Các nguồn gây ô nhiễm trong nhà có thể đến từ nấu ăn, sưởi ấm, các sản phẩm tẩy rửa có mùi thơm, và những sản phẩm khử mùi không gian sống như nến, máy khuếch tán, nước xịt phòng".
Ngoài ra, nhiều loại nến thơm còn chứa paraffin – một dẫn xuất từ dầu mỏ – có thể sinh ra benzene và toluene, những hóa chất độc hại có liên quan đến ung thư máu, Tiến sĩ Khôi cho biết thêm.

Xu hướng sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường
Chị Bích Phương chia sẻ: “Sau khi đọc nhiều cảnh báo về chất độc hại trong sản phẩm này, tôi chuyển sang nước lau sàn hữu cơ chiết xuất từ quế và sả. Kể từ đó, tôi không còn bị dị ứng nữa và cảm thấy yên tâm hơn, nhất là khi trong nhà có trẻ nhỏ”.
Trước những lo ngại về sức khỏe, nhiều người tiêu dùng đã tìm đến các sản phẩm an toàn hơn như nước lau sàn hữu cơ làm từ vỏ trái cây lên men, nến thơm từ sáp ong hoặc tinh dầu tự nhiên. Trên thị trường, nước lau sàn hữu cơ có giá từ 60.000 - 180.000 đồng/sản phẩm, trong khi nến thơm hữu cơ có thể dao động từ 350.000 - 600.000 đồng/hộp.
“Chuyển sang sản phẩm hữu cơ dù giá cao hơn nhưng tôi thấy an toàn hơn hẳn”, chị Mai Hương cho biết.

Nắm bắt xu hướng này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đầu tư vào sản phẩm hữu cơ. Anh Đỗ Hồng Xuân - người sáng lập dự án sản xuất nước tẩy rửa sinh học từ vỏ trái cây chia sẻ: “Ban đầu, tôi chỉ muốn tận dụng vỏ trái cây để giảm rác thải ra môi trường. Nhưng khi nhiều người tìm đến sản phẩm của tôi vì lo ngại hóa chất độc hại, tôi nhận ra đây chính là hướng đi bền vững”.

Hiện nay, nước tẩy rửa sinh học của anh Xuân đã có mặt trên thị trường với giá khoảng 30.000 đồng/lít. Quy trình sản xuất mất từ 45 - 90 ngày, sử dụng nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên như vỏ cam, dứa, đường nâu, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Viện Khoa học Quốc gia Mỹ, khoảng 95% hóa chất tạo mùi nhân tạo có nguồn gốc từ dầu mỏ, bao gồm benzene, aldehydes và toluene - những chất có thể gây tổn thương hệ thần kinh, nội tiết và miễn dịch của con người.
Tương tự, chị Bùi Thị Bích Ngọc - giám đốc một công ty sản xuất chất tẩy rửa hữu cơ từ vỏ dứa cho biết: “Ban đầu, tôi chỉ muốn tạo ra sản phẩm an toàn cho những người bị viêm da như mình. Nhưng khi nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng, tôi nhận ra đây không chỉ là nhu cầu cá nhân mà còn là xu hướng chung. Dù giá thành cao hơn, nhưng với sự an toàn và chất lượng, sản phẩm hữu cơ ngày càng được ưa chuộng”.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi chọn sản phẩm hữu cơ, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ nguồn gốc, thành phần, chứng nhận chất lượng. “Sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ phải trải qua quy trình kiểm định nghiêm ngặt. Người tiêu dùng nên ưu tiên các thương hiệu uy tín, tránh mua sản phẩm không rõ nguồn gốc”, chị Ngọc nhận định.
Công Thành