Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Hợp tác Việt Nam - Đức trong lĩnh vực lao động, việc làm có hiệu quả cao, ý nghĩa lớn
03:36 PM 28/03/2017
LĐXH - Sáng 28/3, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có buổi tiếp ông Christian Berger, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực lao động, việc làm trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả cao, có ý nghĩa lớn

Cùng dự có lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề, Văn phòng Bộ, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Vụ Hợp tác quốc tế...

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đánh giá cao sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực lao động, việc làm trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả cao, có ý nghĩa lớn. Việt Nam đang tiến hành hợp tác đưa điều dưỡng viên (ĐDV) sang làm việc tại các cơ sở chăm sóc người già và bệnh viện ở Đức, tới nay đã có gần 500 ĐDV đã và đang chuẩn bị sang Đức làm việc. Năm 2017, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ký kết với tổ chức GIZ thí điểm tuyển chọn và đào tạo 125 ứng viên điều dưỡng. Đây là chương trình ưu việt, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao đi làm việc ở ngoài nước, sau khi làm việc tại Đức, các ĐDV sẽ tiếp nhận, học hỏi được kỹ năng tiên tiến... Thời gian tới sẽ ký lại bản ghi nhớ về đưa ĐDV sang làm việc tại Đức

Ngoài ra, hai nước đã hợp tác có hiệu quả trong lĩnh vực dạy nghề. Hiện nay, các chương trình đầu tư của Đức tại Việt Nam đang triển khai có hiệu quả. Đặc biệt là dự án dạy nghề sử dụng vốn ODA của Chính phủ Đức đã góp phần tích cực đối với lĩnh vực dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Việt Nam, trong đó bộ giáo trình dạy nghề của Đức đang được áp dụng thí điểm và thẩm định đưa vào giảng dạy ở các trường nghề...  

Về sự hợp tác trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Chính phủ Đức thúc đẩy, mở rộng hơn nữa chương trình tiếp nhận ĐDV, đồng thời mở thêm một số ngành như công nghệ thông tin, cơ khí, xây dựng,... Hiện nay, số sinh viên tốt nghiệp của Việt Nam thiếu việc làm là rất lớn, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng đề án đưa người có trình độ cao sang học tập và làm việc tại nước ngoài...

Sự hợp tác hai nước trong lĩnh vực dạy nghề và giải quyết việc làm đang có nhiều thuận lợi. Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam đang áp dụng chương trình của Đức, Nhật Bản, Canađa... Việt Nam đã chọn 3 khâu đột phá trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, trong đó coi trọng việc chuẩn hóa đào tạo. Thời gian tới Việt Nam phấn đấu 5 trường nghề đạt chuẩn trình độ quốc tế. Việc thí điểm chương trình của Đức đang được ưu tiên vì gắn liền với thực tiễn, do đó đề nghị Chính phủ Đức trợ giúp 5 trường này để sinh viên tốt nghiệp ra trường có cơ hội làm việc tại Đức...

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và ngài Christian Berger chụp ảnh lưu niệm

Đáp từ, ông Christian Berger đã cảm ơn sự đón tiếp và vui mừng có buổi trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng. Ông Christian Berger cho biết rất quan tâm tới vấn đề lực lượng lao động có tay nghề cao sang Đức làm việc. Việc đưa ĐDV Việt Nam sang làm việc tại Đức thời gian qua đã có thành công nhất định. Vì vậy, hai bên tiếp tục làm tốt trong lĩnh vực này, thời gian tới sẽ bàn bạc việc mở rộng sang các lĩnh vực khác, đặc biệt là sau khi Chính phủ Đức mới được thành lập vào cuối năm 2017.

Trong lĩnh vực đào tạo nghề, ông Christian Berger chia sẻ, đây là vấn đề tâm huyết nhất của ông vì bản thân đã từng trải qua quá trình học nghề, sau đó mới học đại học. Ông cũng ghi nhận và đánh giá cao việc thống nhất quản lý Nhà nước về đào tạo nghề do Bộ Lao động - TBXH đảm trách.

Ông Christian Berger cho biết thêm, hiện nay đào tạo nghề của Đức là tốt nhất, rõ ràng nhất. Khi đến Việt Nam làm việc, ông đã thấy năng suất lao động của Việt Nam ngày càng tăng nhưng dù có chăm chỉ đến đâu mà không đào tạo tốt thì hiệu quả lao động cũng ở mức nhất định. Việt Nam đang là nước có thu nhập trung bình, vì vậy việc cải thiện chất lượng lao động sẽ giúp vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” hiện nay... Chính phủ Đức đã có sự hỗ trợ Việt nam trong lĩnh vực đào tạo nghề. Tại Đức, các doanh nghiệp đã tham gia công tác đào tạo nghề hàng trăm năm nay và trở thành văn hóa của doanh nghiệp. Do đó, việc các doanh nghiệp Đức tham gia đào tạo nghề trong thời gian tới sẽ được nghiên cứu cụ thể... Để làm được việc đó, đề nghị Việt Nam đánh giá kỹ mối quan hệ giữa doanh nghiệp và trường nghề để trình bày trong vòng đàm phán chương trình vay vốn giữa Chính phủ hai nước...

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã cảm ơn và đồng thuận cao với các quan điểm của ngài Đại sứ, đồng thời gửi lời mời Bộ trưởng Đức với vai trò là Chủ tịch nhóm các nước G20 tham dự hội nghị phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của các nước APEC sẽ được tổ chức tại Việt Nam thời gian tới./.

N.Ngọc

 

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật