Tin trong nước
Trang chủ / Thời sự / Tin trong nước
Hội nghị tăng trưởng nông nghiệp bền vững ở Việt Nam
10:41 AM 07/12/2016
(LĐXH)- Ngày 6/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức hội nghị toàn thể nhóm hỗ trợ nông nghiệp (ISG) nhằm kêu gọi hợp tác quốc tế vì tăng trưởng nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan tại Việt Nam.
Quang cảnh hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, cho biết: Nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức lớn, nhất là tác động của biến đổi khí hậu. Năm 2016 là năm điển hình Việt Nam phải đối phó với nhiều loại hình cực đoan của thời tiết. Biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn và cực đoan hơn so với kịch bản Việt Nam đã công bố năm 2012. Hiện nay các cơ quan chuyên môn Việt Nam chuẩn bị ban hành kịch bản biến đổi khí hậu mới với Việt Nam. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang là vùng cung cấp 75% sản lượng gạo, 50% sản lượng trái cây, 80% sản lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng do tác động của biến đổi khí hậu cộng với tác nhân khác, vùng này sẽ biến đổi hoàn toàn cục diện sản xuất. Những vấn đề này đang đặt ra thách thức lớn đối với Việt Nam. Ngoài ra, 6 vùng kinh tế khác cũng chịu cảnh tác động của biến đổi khí hậu tương đương như vậy. Chính phủ Việt Nam có những hành động quyết liệt trong tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp và cả trong đời sống để thích ứng biến đổi khí hậu. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cùng các địa phương hoạch định những chương trình thích ứng phù hợp.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu khai mạc hội nghị
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do ảnh hưởng của El Nino từ cuối năm 2014 đến giữa năm 2016, ba khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long đã chịu thiệt hại nặng nề do hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn kỷ lục. El Nino dài nhất trong lịch sử gây xâm mặn đã đe dọa 52% diện tích tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, làm ảnh hưởng tới 405.000ha lúa và hoa màu, 28.500ha cây ăn trái, 82.000ha nuôi tôm, 390.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt tổng thiệt hại khoảng 7.900 tỷ đồng (tương đương 360 triệu USD). Còn tại Trung Bộ có 40.000ha lúa phải dừng sản xuất, 73.000 hộ thiếu nước sinh hoạt liên tục trong hai năm 2015 và 2016. Tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ cũng có tổng cộng 240.000ha cây trồng bị hạn và 115.000 hộ thiếu nước sinh hoạt…
Tính toán của 18 tỉnh bị ảnh hưởng và tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tổng kinh phí cho nhu cầu phục hồi từ năm 2016 đến 2020 là 23.537 tỷ đồng (tương đương với 1.046 triệu USD). Hiện nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, tình hình thiên tai thảm họa ở Việt Nam ngày càng khốc liệt với 19 loại hình thiên tai xuất hiện, đặc biệt là mưa lũ, hạn hán, xâm nhập mặn… Thời tiết cực đoan đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống của hàng triệu người dân Việt Nam, đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Vấn đề này sẽ nghiêm trọng hơn nếu không có nhiều giải pháp ứng phó quyết liệt với sức mạnh tổng hợp từ Chính phủ tới người dân cùng với sự hỗ trợ tích cực và toàn diện hơn của cộng đồng quốc tế. Tính đến tháng 11/2016, Việt Nam đã huy động được 18.378.955 USD trong tổng số 26,4 triệu USD huy động được từ tất cả các nguồn trong và ngoài nước (mục tiêu đặt ra là 48,5 triệu USD) cho Kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với hạn hán và xâm nhập mặn tại 18 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và Tây Nguyên.
Tại hội nghị, bà Louise Chamberlain, quyền Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng: Hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua là lời cảnh tỉnh đối với Việt Nam cũng như các quốc gia khác. Điều này cũng cho thấy cần có sự quan tâm hơn nữa trong việc giải quyết các chính sách, chương trình. Các rủi ro, cực đoan của biến đổi khí hậu gây ra cần được tính toán trong các chính sách, chương trình của ngành. Cần điều chỉnh, thiết kế để phù hợp với biến đổi khí hậu. Thông qua hỗ trợ kỹ thuật, UNDP đã và đang triển khai lồng ghép quản lý các rủi ro về khí hậu, thiên tai vào các chính sách, chương trình trong các ngành chính; trong đó có ngành nông nghiệp; thiết kế các chương trình quản lý rủi ro dựa vào cộng đồng, giảm phát thải… ở cộng đồng ven biển.
Ông Christian Berger, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Liên bang Đức
Còn ông Christian Berger, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Liên bang Đức, cho biết: Chúng tôi đã giới thiệu việc sử dụng hệ thống rừng ngập mặn cho việc phòng hộ ven biển. Hệ sinh thái là một công cụ mạnh mẽ để bảo vệ đất từ các điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Mặc dù đã có những giải pháp sử dụng kết cấu cứng nhưng việc tiếp cận các giải pháp dựa trên hệ sinh thái là rất cần thiết...
Nhận định về vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Với một sự tổn thương lớn, lâu dài như vậy thì đòi hỏi việc ứng xử, đưa ra các nhóm giải pháp phải hết sức tổng thể. Trong các giải pháp đó, một là phải có sự liên kết của tất cả các địa phương, cụ thể là theo vùng, từ đó mới giải quyết được những giải pháp căn cốt. Thứ hai, chúng ta phải chú ý đến giải pháp tổng thể, không chỉ riêng tổ chức sản xuất, giải pháp phần cứng mà phải bố trí cả giải pháp truyền thống, giải pháp phần cứng, phần mềm, kết hợp giữa sản xuất cũng như tổ chức lại điều kiện sản xuất của người sinh kế để đảm bảo có sự bền vững. Thứ ba, đây là chương trình rất lớn nên có sự đồng lòng thống nhất của cả hệ thống, của cả xã hội từ cố gắng, quyết tâm của chính phủ cho đến các doanh nghiệp, toàn bộ người dân. Việt Nam đánh giá cao sự giúp đỡ, cộng tác, chia sẻ của cộng đồng quốc tế, hy vọng thời gian tới, cộng đồng quốc tế tiếp tục cùng chung tay, chia sẻ với Việt Nam những kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu, những định hướng trong phát triển bền vững, những tăng trưởng đảm bảo an sinh, sinh kế cho người dân, từ đó giúp Việt Nam từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu...

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cần tập trung vào Đề án phát triển nhân lực chất lượng cao
Phát huy vai trò công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng (Bài 2)
Việt Nam tiếp tục mở rộng hợp tác lao động với các nước khu vực Châu Á
Tổng kết, trao giải cuộc thi viết 'Vượt lên số phận' lần thứ VII
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan tham dự Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 28
Phát huy vai trò công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng
Diễn đàn đối thoại doanh nghiệp Việt Nam - UAE về phát triển nguồn nhân lực
Việt Nam - UAE đẩy mạnh hợp tác về nguồn nhân lực