An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hòa Bình: Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững
09:16 AM 27/10/2021
Nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đã được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Hòa Bình chuyển tải an toàn về khắp địa bàn, tới tận các bản làng trong vùng sâu, vùng cao, dù gặp nhiều trở ngại do thiên tai, dịch bệnh gây ra.
Chị Nguyễn Thị Ly ở thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy vay vốn đầu tư nuôi bò.

Để khai thác tiềm năng lợi thế và thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Đảng bộ, chính quyền các cấp ở tỉnh Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các vấn đề chủ yếu như: Xây dựng cơ cấu, cơ chế quản lý phù hợp; chuyển mạnh nền sản xuất tự nhiên sang sản xuất hàng hóa, lồng ghép các dự án, nguồn lực. Trong đó, chú trọng ưu tiên đầu tư nguồn vốn tín dụng chính sách giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Hòa Bình đạt những kết quả khả quan, nổi bật đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu về giảm nghèo bền vững, với 29.000 lượt hộ thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24,38% năm 2015, còn 11,36% năm 2019, dự kiến cuối năm 2021, giảm còn 6,6%. Kết quả này ghi nhận sự chung tay, hợp lực của nguồn vốn tín dụng chính sách.

Ông Nguyễn Minh Hưng, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình cho biết: Thời gian qua, toàn đơn vị đồng tâm, nhất trí cao tham gia thực hiện đề án giảm nghèo nhanh, bền vững của địa phương thông qua những việc làm cụ thể như lập kế hoạch xử lý phù hợp; tập trung huy động mọi nguồn lực, tổ chức chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn chính sách về tận làng bản, xã phường, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ của NHCSXH. Hiện nay, chi nhánh đang triển khai 19 chương trình tín dụng chính sách với tổng nguồn vốn trên 3.554 tỉ đồng. Đến 31.8.2021, tổng dư nợ của chi nhánh đạt trên 3.541 tỉ đồng, tăng 222 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020.

Ngay cả khi dịch COVID-19 bùng phát gây nhiều trở ngại đến tình hình sản xuất, đời sống của nhân dân, 27.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách từ vùng sâu, vùng xa các huyện Tân Lạc, Yên Thủy, Kim Bôi đến vùng rẻo cao Mai Châu, Lạc Sơn, Đà Bắc... được vay vốn NHCSXH 952 tỉ đồng đầu tư vào thâm canh ruộng vườn, phát triển chăn nuôi bò sữa, trâu sinh sản, trồng rừng nguyên liệu giấy, cây ăn quả đặc sản: bưởi, cam...

Nhờ nguồn vốn vay, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư phát triển sản xuất, tạo thu nhập cho gia đình

Đặc biệt, sau 7 năm đưa Chỉ thị 40-CT/TW vào cuộc sống, các nguồn lực tài chính ở Hòa Bình có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước được quy về một đầu mối, giao cho NHCSXH tại địa bàn quản lý, sử dụng. UBND tỉnh và 10 huyện, thành phố trực thuộc đã cân đối việc thu chi ngân sách, chuyển sang NHCSXH gần 60 tỷ đồng để giúp hộ nghèo và các đối tượng, chính sách vay vốn đầu tư SXKD.

Nhờ có nguồn vốn lớn cùng hệ thống 2.381 Tổ tiết kiệm và vay vốn, mạng lưới 151 Điểm giao dịch tại các thôn bản, khu phố, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hoà Bình đã chủ động đổi mới quy trình thủ tục cấp tín dụng chính sách theo cách thức cho vay trực tiếp, công khai Cùng với đó, việc phối hợp giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, góp phần thực hiện tốt việc bình xét công khai, công bằng cho các đối tượng vay vốn chính sách và thu nợ, thu lãi đầy đủ, đúng kỳ hạn, đảm bảo nâng cao chất lượng tín dụng. Chính sự đổi mới phương thức cấp tín dụng còn tạo thuận lợi, các chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở Hòa Bình có lực đẩy mới. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả và gương sáng tập thể, cá nhân sản xuất, kinh doanh giỏi xuất hiện.

Điển hình ở xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc được nguồn vốn chính sách tiếp sức chuyển đổi đất đồi cằn cỗi trồng rừng keo, bồ đề kém hiệu quả sang trồng các loại cây có múi như cam, bưởi có tiếng với 100 ha, thu nhập hàng năm hơn 50 tỉ đồng. Gia đình anh Đinh Văn Thái ở thôn Nà Chiếu, xã Cao Sơn khởi đầu từ 40 triệu đồng vay vốn chính sách dành cho hộ nghèo, bây giờ sở hữu mô hình vườn, ao, chuồng lý tưởng, có lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm. Hay như mô hình của hộ vay vốn Nguyễn Thị Ly ở khu 7, thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy sử dụng vốn chính sách từ năm 2015 nuôi bò sinh sản, trồng bưởi và chanh leo, thoát cảnh nghèo và sau khi trả xong nợ, lại được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lạc Thủy giải quyết vay vốn tiếp để mở rộng sản xuất cho hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. “Bây giờ gia đình tôi có 6 con bò béo khỏe, trước đó đã bán 4 con từ cặp bò mua ban đầu nhờ đồng vốn của NHCSXH. Ngoài ra, gia đình còn 1,5 ha cây ăn quả đặc sản, 500m2 mặt nước thả cá nước ngọt, tổng thu nhập trên 150 triệu đồng/năm”, chị Nguyễn Thị Ly hồ hởi nói.

Có thể thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách trở thành động lực cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Hoà Bình vượt qua khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, tiếp cận thuận lợi tới chính sách tín dụng của Đảng, Nhà nước, đầu tư hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, mở hướng thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.

Phát huy thành tích đạt được, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình tiếp tục thực hiện sâu rộng Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư, tập trung làm thật tốt công tác huy động các nguồn lực, chuyển tải kịp thời an toàn mọi đồng vốn về đúng đối tượng thụ hưởng góp phần thực hiện thành công chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới./.

PV

TAG:
Tin khác
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
Huyện Châu Phú: Thiết thực tri ân người có công với cách mạng
An Giang: Không còn hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng thuộc quy định giải quyết
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Lào Cai: Tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
An Giang chú trọng tôn tạo, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ