Hòa Bình quan tâm giải quyết việc làm cho lao động người dân tộc thiểu số
(LĐXH)- Theo báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hòa Bình, trong giai đoạn từ năm 2016 đến 30/6/2021, toàn tỉnh đã có 168.298 lượt lao động được vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 9.267 lao động, trong đó có 5.558 lao động là người dân tộc thiểu số.
Hòa Bình là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, chủ yếu là người dân tộc thiểu số và làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp. Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh phát triển trồng các loại cây có múi và chăn nuôi như: cây cam, mía tím (huyện Cao Phong), nhãn ở xã Sơn Thủy (huyện Kim Bôi), gà (huyện Lạc Thủy), nuôi ong lấy mật (huyện Yên Thủy)… Ngoài ra, Hòa Bình còn có những làng nghề truyền thống, như: dệt thổ cẩm ở xã Chiềng Châu (huyện Mai Châu), mây tre đan, dệt thổ cẩm ở thị trấn Mãn Đức (huyện Tân Lạc)… Đây chính là những yếu tố đặc thù của địa phương góp phần tạo ra việc làm cho người lao động, trong đó có hàng nghìn lao động là người dân tộc thiểu thiểu số trong tỉnh.
Tính đến hết năm 2020, lao động có việc làm của tỉnh Hòa Bình là 565.753 người (chia theo thành thị 173.220 người, nông thôn 392.533 người; nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 308.663 người, công nghiệp và xây dựng 118.084 người, dịch vụ 139.006 người).
Từ nguồn vốn vay giải quyết việc, nhiều người dân tộc thiểu số ở xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) đã có việc làm ổn định
Trong đó, để giải quyết việc làm và tự tạo việc làm cho người lao động, tỉnh Hòa Bình đặc biệt quan tâm đến công tác giải ngân và cho vay vốn Quỹ quốc gia việc làm cũng như các nguồn vốn tín dụng ưu đã khác để tạo việc làm mới cho người lao động, trong đó có lao động là người dân tộc thiểu số.
Tổng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, bao gồm: nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm; nguồn vốn do cơ quan Trung ương của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Người mù Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam quản lý; nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huy động; nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang, nguồn vốn từ các chủ đầu tư khác ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay.
Cụ thể, nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm với doanh số cho vay từ năm 2016 đến nay đạt bình quân 24 tỷ/năm, tổng dư nợ đến 30/6/2021 là 23,938 tỷ đồng. Tổng số dự án của người lao động 2.254 dự án, trong đó có 1.352 dự án của người dân tộc thiểu số. Trong giai đoạn 2016 đến 30/6/2021, từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm đã giúp 4.667 lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, trong đó lao động nữ 2.333 lao động, lao động là người khuyết tật, dân tộc thiểu số là 2.845 lao động.
Nguồn vốn do ngân sách địa phương ủy thác cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội doanh số cho vay đạt 77,579 tỷ đồng, tổng dư nợ đến 30/6/2021 đạt 50,515 tỷ đồng, số vốn tồn đọng là 109 triệu đồng. Tổng số dự án cho vay của người lao động 1.644 dự án, trong đó có 986 dự án của người dân tộc thiểu số, 822 dự án tạo việc làm cho lao động nữ. Số lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 1644 lao động, gồm: 986 lao động là người dân tộc thiểu số và 822 việc làm cho lao động nữ.
Nguồn vốn huy động của Ngân hàng chính sách xã hội doanh số cho vay đạt 62,704 triệu đồng, tổng dư nợ 45,965 tỷđồng, số vốn tồn đọng 26 triệu đồng. Tổng số dự án cho vay của người lao động 1.606 dự án, dự án của người dân tộc thiểu số 1.204 lao động. Số lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 1.606 lao động, trong đó lao động có 1.204 lao động là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số.
Phải khẳng định rằng, hoạt động cho vay của các nguồn vốn về giải quyết việc làm đã góp phần quan trọng hỗ trợ giải quyết việc làm cho nhiều người lao động. Đặc biệt, đây còn là “đòn bẩy” giúp người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tạo việc làm và tự tạo việc làm để vươn lên phát triển kinh tế.
Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Hòa Bình cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tiếp tục, quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, cho vay hộ dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác.
Chí Tâm
TAG: