An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hiệu quả từ những mô hình giảm nghèo ở Quảng Ngãi
01:46 PM 16/12/2023
(LĐXH) - Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ngãi được phân bổ hơn 1.800 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và Chương trình giảm nghèo bền vững. Việc thực hiện chương trình đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là khơi dậy được ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân.
Từ năm 2008 đến nay, Quảng Ngãi đã quan tâm đầu tư cho các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều nguồn lực khác nhau. Nhờ vậy, các địa phương miền núi đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng, giao thông, điện, trường học, trạm y tế và một số dịch vụ thiết yếu. Tiếp nối các nguồn lực này, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã giúp Quảng Ngãi tiếp tục đầu tư cho vùng núi theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các dự án có sức lan tỏa, tạo sinh kế bền vững, giảm nghèo bền vững, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, đáp ứng nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần ngày càng cao của người dân.
Ông Đỗ Văn Nam, sinh năm 1971, trú tại thôn Bình Tân, xã Trà Bình, huyện Trà Bồng là một trong những tấm gương điển hình tiên tiến trong quá trình thoát nghèo. Năm 2018, với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, sau vài năm nghiên cứu nhu cầu của thị trường, gia đình ông đã chủ động vay vốn nhà nước đầu tư chăn nuôi vịt. Thời gian đầu, do không có kinh nghiệm chăm sóc nên đàn vịt bị chết rất nhiều dẫn đến làm ăn thua lỗ. Tuy nhiên, ông vẫn kiên trì học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi vịt từ các hộ gia đình đã thành công trước đó để rút kinh nghiệm, từ đó, mô hình chăn nuôi vịt của gia đình ông được duy trì trong nhiều năm liền. Đến nay, ông còn đầu tư thêm mô hình chăn nuôi heo ki (lợn rừng lai), gà thả vườn...
Trong quá trình tham gia sản xuất nông nghiệp tạo ra sản phẩm, gia đình ông Nam đã đăng ký cam kết với địa phương về việc thực hiện tốt nội dung vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất nông sản sạch gắn với bảo vệ môi trường nông thôn, bảo vệ sức khỏe con người. Bên cạnh đó, nhằm giảm thiểu công sức lao động cho bà con trong thôn, gia đình ông còn đầu tư 1 chiếc máy băm đất để phục vụ việc sản xuất của gia đình và làm dịch vụ băm đất để phục vụ cho bà con trong mùa gieo sạ. Xét thấy nhu cầu hiện nay cần cơ giới hóa vào nông nghiệp nhằm giảm thiểu công lao động của bà con nông dân, gia đình ông còn mạnh dạn vay vốn của nhà nước để đầu tư thêm 1 máy gặt đập liên hợp để phục vụ bà con nông dân gặt lúa.
 
Ông Đỗ Văn Nam đang điều khiển Máy gặt
Từ kinh nghiệm của bản thân, ông đã hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho 2 hộ dân ở trong thôn, 2 hộ này đã mua máy băm đất để phục vụ bà con. Đến nay gia đình ông đã ổn định về kinh tế; cho thu nhập 330 triệu đồng/năm, sau khi đã giảm trừ tất cả cá loại chi phí; ước tính bình quân thu nhập đầu người trong gia đình đạt 5.500.000 đồng/tháng.
 
Mô hình nuôi heo ki của ông Nam
Ngoài ra, ông Nam và gia đình luôn thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; luôn giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn trong thôn, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, biết lắng nghe ý kiến đóng góp của bà con hàng xóm. Nhờ những thành tích đạt được, nhiều năm liền ông được Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh tặng Bằng khen hộ sản xuất kinh doanh giỏi năm 2020 và năm 2022; được tặng giấy khen của Chủ tịch UBND xã về thành tích sản xuất kinh doanh giỏi năm 2019 và năm 2021.
Cùng với hiệu quả từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, công tác giảm nghèo các địa phương miền núi được tỉnh Quảng Ngãi quan tâm, tập trung, đổi mới. Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã trực tiếp chỉ đạo, giám sát công tác giảm nghèo tại các địa phương miền núi; các chính sách phát triển miền núi được triển khai kịp thời, bước đầu phát huy hiệu quả. Đến hết tháng 11/2023, tỉ lệ hộ nghèo tại Quảng Ngãi giảm còn 6,22%, vượt 0,46% so với kế hoạch.
Tỉnh cũng  phấn đấu đến năm 2025, mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tăng trên 2 lần so với năm 2020 (đạt 28,8 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi mỗi năm giảm 4-4,5%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đồng thời, tỉnh tập trung đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Thục Quyên
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tiếp xúc đối thoại với cán bộ quy hoạch và được bổ nhiệm
Cùng Enzo FX chung tay khắc phục  hậu quả bão Yagi
Vinamilk tổ chức nhiều hoạt động trung thu cho trẻ em mọi miền
Xâm hại tình dục trẻ em – Gia đình phải là lá chắn đầu tiên
Huyện Mỹ Tú: Thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”
Huyện Mỹ Xuyên chú trọng chăm lo cho người có công với cách mạng
FxMills lan tỏa tình yêu thương, cùng đồng bào vượt qua siêu bão Yagi
Dinh dưỡng cho trẻ, trách nhiệm và sự yêu thương đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
TP.HCM: Số người được quản lý tại các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập tăng