Quảng Ngãi: Hỗ trợ phát triển sản xuất, sinh kế phù hợp giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo
(LĐXH)- Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung hỗ trợ cây con giống theo nhu cầu của người dân và phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên mang lại hiệu quả thiết thực.
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh Quảng Ngãi năm 2021 là 12.509 triệu đồng (vốn sự nghiệp). Trong đó, vốn ngân sách trung ương 10.877 triệu đồng, vốn ngân sách cấp tỉnh 1.632 triệu đồng. Tỉnh đã tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, với kinh phí thực hiện 10.420 triệu đồng (vốn ngân sách trung ương).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho 1.592 hộ; diện tích giao khoán 10.876 ha; Triển khai mô hình tại địa bàn thôn Cà Xen, xã Long Môn, huyện Minh Long, với nội dung: hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng và tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo (ưu tiên hộ có trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai) để cải thiện cham sóc dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ em dưới 02 tuổi; đối tượng 30 hộ dân Cà xen, xã Long Môn, gồm: 26 hộ nghèo, 04 hộ thoát nghèo, tỉnh đã giải ngân 5.271 triệu đồng.
Ngoài ra, huyện Sơn Tây đã hỗ trợ trồng cây cau, với diện tích trồng 10,5 ha cho 38 hộ; Hỗ trợ trồng nghệ, gừng cho 13 hộ; Hỗ trợ dừa xiêm cho 15 hộ. Huyện Trà Bồng đã phê duyệt phương án giao rừng gắn với giao đất với kinh phí 1.001,32 triệu đồng. Huyện Đức Phổ đã xây dựng dự án chăn nuôi bò, kinh phí 300 triệu đồng với 22 hộ tham gia. Huyện Bình Sơn: xây dựng dự án 3 Gà thả vườn (Bình Thuận, Bình Chánh, Bình Châu) với 80 hộ tham gia; 01 dự án bò vỗ béo (Bình Hải) với 24 hộ tham gia; 01 dự án bò lai sinh sản (Bình Chánh) 12 hộ tham gia, với tổng kinh phí thực hiện các dự án 1.200 triệu đồng. Đã thực hiện giải ngân 900 triệu đồng.
Huyện Ba Tơ xây dựng và tổ chức thực hiện dự án mua vắc xin lở mồm long móng và viêm da nổi cục để tiêm phòng cho đàn vật nuôi trên địa bàn và đã giải ngân 1.347,5 triệu đồng. Huyện Minh Long thực hiện phương án giao rừng, gắn với giao đất và giải ngân 149,155 triệu đồng/298,463 triệu đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi còn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135. Kinh phí thực hiện 739 triệu đồng. Trong đó vốn ngân sách 457 triệu đồng (vốn ngân sách cấp tỉnh), vốn huy động 489 triệu đồng.
Trong đó, huyện Sơn Hà thực hiện phương án hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gà thả vườn dựa vào cộng đồng, kinh phí 739 triệu đồng (vốn ngân sách 250 triệu đồng, huy động 489 triệu đồng), với 21 hộ tham gia; mô hình trồng cây dược liệu với tổng kinh phí 278 triệu (vốn ngân sách 207 triệu đồng, huy động 71 triệu đồng) cho 04 hộ tham gia với diện tích 1,2 ha.
Đối với Dự án 2. Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, các địa phương, đơn vị đang tổ chức triển khai thực hiện các dự án mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất (các mô hình chủ yếu là cây trồng, vật nuôi theo đặc điểm, điều kiện thực tế của địa phương). Kết quả giải ngân đến 30/6/2023 là 10.360 triệu đồng (ngân sách trung ương 9.007 triệu đồng, ngân sách địa phương 1.354 triệu đồng).
Đồng thời triển khai Dự án 3. Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, các địa phương, đơn vị đang tổ chức triển khai khảo sát, lựa chọn đối tượng, lựa chọn mô hình địa bàn thực hiện các dự án mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất. Kết quả giải ngân đến 30/6/2023 là 4.480 triệu đồng (trong đó ngân sách trung ương 3.896 triệu đồng, địa phương 584 triệu đồng).
Ông Phan Huỳnh Sơn, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi cho biết: Chúng tôi tiếp tục rà soát những hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo mà người ta thật sự chí thú làm ăn, chúng tôi cũng sẽ đề xuất thêm với chính quyền địa phương tăng số lượng con hỗ trợ cho người nghèo để người ta đảm bảo cái nguồn thu nhập ổn định hơn so với chuẩn nghèo mới, và đó cũng là điểm nhân rộng để các hộ nghèo khác có hướng phấn đấu vươn lên.
Hỗ trợ phát triển sản xuất, sinh kế để phát triển kinh tế tăng thu nhập cho người dân là điều kiện cần và tiên quyết trong quá trình giảm nghèo bền vững. Mỗi hộ gia đình có điều kiện, hoàn cảnh cũng như năng lực khác nhau nên việc hỗ trợ cần có lộ trình, phải phù hợp. Quan trọng nhất là phải tìm hiểu kĩ người dân đang cần gì nhất và cần những điều kiện nào để thoát nghèo. Từ đó có cách hỗ trợ phù hợp và hiệu quả, giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững./.
Hồng Phượng
TAG: